Nạn quấy rối tổng đài 114, 115: Những chuyến xe cấp cứu 'ma'

14/05/2019 05:03 GMT+7

Chỉ cần đến sớm một vài phút, không ít mạng người sẽ được cứu sống hoặc hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thế nhưng, nhiều người vô ý thức liên tục gọi đến tổng đài 114 (báo cháy), 115 (cấp cứu) để quấy rối.

Bên cạnh chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân, các y bác sĩ cũng ngao ngán với những cuộc gọi đùa giỡn, quấy phá đầu số cấp cứu 115.

Trẻ con quấy phá

PV Thanh Niên đã có những ngày đêm túc trực ở Trung tâm cấp cứu 115 (TTCC 115) TP.HCM để ghi nhận hoạt động cấp cứu tại đây.
Người dân cần có ý thức để đầu số 115 thông thoáng để kịp cứu người. Trong ảnh, một ca cấp cứu ở hiện trường
Người dân cần có ý thức để đầu số 115 thông thoáng để kịp cứu người. Trong ảnh, một ca cấp cứu ở hiện trường
Lúc 21 giờ 30 ngày 3.5, tiếng chuông điện thoại reo lên. “A lô! TTCC 115 xin nghe”, nhân viên TTCC mở đầu. Đầu dây bên kia bỗng vang lên tiếng chí chóe của trẻ em. Nhân viên tiếp nhận nhỏ nhẹ: “Đây là TTCC, bữa sau nhớ đừng gọi vào số này nữa nhé!”.
Ngoài thiệt hại về kinh tế, quan trọng nhất là những trường hợp “bị bệnh thật” thì tính mạng sẽ bị đe dọa vì không được cấp cứu kịp thời; thời gian chở người bệnh khác sẽ kéo dài hơn
BS Đỗ Ngọc Chánh, Phó giám đốc TTCC 115
Từ 9 giờ đến 9 giờ 30 sáng 7.5, TTCC 115 tiếp nhận 4 cuộc gọi từ số máy 0931361... Anh Nguyễn Văn Phước, điều dưỡng tiếp nhận các cuộc gọi này lắc đầu ngao ngán vì lần nào nhấc máy cũng nghe tiếng trẻ con cười đùa và nói: “Chú ơi! Ở đây có bệnh cấp cứu...”. Biết là trẻ con đùa, anh giải thích nhẹ nhàng: “Con ơi! Đây là TTCC, đừng có phá!”.
Gác điện thoại, điều dưỡng Phước chia sẻ, TTCC 115 có 4 điện thoại nhận thông tin nhưng thường xuyên rơi vào cảnh “máy bận”. Do vậy, nếu lỡ nhận được những cuộc gọi quấy phá, có khi người cần gọi cấp cứu không gọi được.
Nói về tình trạng trẻ em gọi điện thoại quấy nhiễu TTCC 115, điều dưỡng Huỳnh Thị Ngọc Huyền tâm sự: “Mùa hè, trẻ em nghỉ học và cha mẹ thường giao điện thoại cho các bé ở nhà chơi hay cần thì liên lạc. Nhiều cha mẹ bày cho con gọi các cuộc gọi khẩn khi cần và do đầu số 115 miễn phí nên các trẻ cứ thế mà bấm gọi”.

Chạm mặt “ma men”

Hơn 22 giờ ngày 3.5, TTCC 115 nhận được cuộc gọi khẩn thiết từ đầu dây bên kia: “Đến một con đường không tên ở P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân) để chở ông Tống Đình Tr. (46 tuổi) đi cấp cứu vì bệnh rất nặng”.
“Cấm cửa” số điện thoại quấy phá tổng đài 115
Trong danh sách do TTCC 115 liệt kê, có đến hàng chục số “máy đen” (bị liệt vào diện quấy nhiễu bị chặn số khi gọi 115 - PV). BS Đỗ Ngọc Chánh, Phó giám đốc TTCC 115, cho biết những số gọi nhiều ngày liền trong tháng thì tổng đài sẽ tự khóa. Ông Chánh nói, cần phải có những chế tài, biện pháp xử lý mạnh, để hạn chế tình trạng này. Ông Chánh cũng khuyến cáo phụ huynh nhắc nhở con em và bản thân không nên quấy phá các đầu số khẩn cấp, vì sau đó nếu cần “cấp cứu thật” thì sẽ không liên hệ được do bị chặn số.
Chuẩn bị đồ nghề đâu vào đấy, ê kíp gồm bác sĩ, điều dưỡng tức tốc lên xe thẳng tiến theo hướng dẫn của người nhà bệnh nhân. Ngoằn ngoèo mãi, xe cấp cứu mới “mò” tới con đường tối om, gập ghềnh, không bóng người. Điều dưỡng Châu Thạch ngồi trên xe bắt đầu… run. “Vào đây mà gặp phải người “trời ơi” chắc không có đường ra”, anh Thạch nói. Đến đúng điểm hẹn, ê kíp cấp cứu chạm mặt “bệnh nhân” là một người say rượu tên Tr.
“Ông này huyên thuyên vì bị gia đình bỏ rơi, buồn quá đi nhậu nhẹt cho quên sự đời, muốn tìm người tâm sự nên gọi 115. Rồi ông chửi bới các y bác sĩ, thậm chí đòi mang dao ra “tính sổ” vì không chở ông đi cấp cứu. Cả ê kíp nghe xong chưng hửng, quay đầu xe ra về”, một bác sĩ kể lại.
Theo một điều dưỡng, có nhiều trường hợp nhận cuộc gọi, TTCC 115 xuất xe đi và khi tới nơi thì được trả lời: “Có ai bệnh đâu mà cấp cứu!”. Có nhiều trường hợp khi xe cấp cứu đi hàng chục cây số, tới địa chỉ được báo thì chẳng thấy bóng dáng bệnh nhân đâu. Gõ cửa thì bị chủ nhà phàn nàn: “Nhà này làm gì có người bệnh! Nửa đêm nửa hôm còn bị quấy rầy!”.
“Thà bị quấy phá lúc gọi điện còn đỡ, tới nơi mới biết bị quấy phá thì mệt mỏi lắm”, nhân viên phòng điều hành TTCC 115 nhớ lại và nói tuy đã quen nhưng rất bức xúc bởi nhiều người “bị bệnh thật” phải đợi lâu hơn khi ê kíp được huy động cho một ca cấp cứu “ma”.

Chưa có biện pháp xử lý, chế tài

Theo thống kê của TTCC 115, một ngày trung tâm nhận khoảng 400 cuộc gọi. Trong đó, liên quan tới chuyên môn khoảng 100 cuộc; trao đổi với trạm vệ tinh khoảng 50 cuộc; còn lại là cuộc gọi không có nội dung (quấy phá, bốc lên cúp máy, nhầm số…). BS Đỗ Ngọc Chánh, Phó giám đốc TTCC 115, cho biết mỗi “chuyến cấp cứu thất thu” sẽ thiệt hại từ 300.000 - 1 triệu đồng. Trong năm 2018, có khoảng 1.450 trường hợp bị thất thu. “Ngoài thiệt hại về kinh tế, quan trọng nhất là những trường hợp “bị bệnh thật” thì tính mạng sẽ bị đe dọa vì không được cấp cứu kịp thời; thời gian chở người bệnh khác sẽ kéo dài hơn”, BS Chánh trăn trở.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay khi TTCC 115 tiếp nhận cuộc gọi thì điều xe đi ngay và chưa phân biệt được có cần cấp cứu khẩn hay không. Đầu số 115 công cộng bị quấy phá là do trình độ dân trí và điều này cũng đã lường trước. Tuy nhiên, PGS-TS Thượng nói “chỉ biết kêu gọi ý thức của người dân; chưa thể có biện pháp chế tài”.
Thời gian tới, ngành y tế TP sẽ nghiên cứu, ứng dụng phần mềm để “lọc bệnh nhân cấp cứu”. Theo đó, những cuộc gọi cấp cứu 115 nếu xét thấy không cần thiết thì không điều xe đi ngay như hiện nay, bằng cách sử dụng phần mềm điều phối cấp cứu ưu tiên (MPDS).
“Tại TP.HCM, việc đầu tư nguồn lực cho TTCC 115 để triển khai ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong điều hành mạng lưới cấp cứu vệ tinh và hướng đến đào tạo các điều phối viên chuyên nghiệp sử dụng phần mềm điều phối chuyên nghiệp là hướng đi tất yếu của ngành y tế nhằm đáp ứng nhu cầu cứu hộ, cứu nạn của một TP hiện đại”, PGS-TS Thượng nói. (còn tiếp)
MPDS là phần mềm với các giao thức phân loại y tế được tiêu chuẩn hóa do tất cả nhân viên điều phối được chứng nhận của Viện Hàn lâm điều phối cấp cứu quốc tế (International Academies of Emergency Dispatch - IaeD) sử dụng. IaeD được công nhận rộng rãi trên thế giới với hơn 60.000 thành viên; được chứng nhận tại 46 quốc gia với hơn 3.000 trung tâm điều phối cấp cứu ngoài bệnh viện. Phiên bản phần mềm của MPDS, được gọi là ProQA® hỗ trợ đảm bảo chất lượng quy trình xử trí cấp cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.