Nạn trục lợi mùa dịch

19/03/2020 07:31 GMT+7

Trong lúc cả xã hội nỗ lực chung sức phòng chống dịch Covid -19, thì nhiều cá nhân lợi dụng tình hình để “tung chiêu” lừa đảo, trục lợi trong mùa dịch.

Mạo danh để lừa đảo

Chiều 18.3, Công an TP.Quy Nhơn (Bình Định) tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định) đề điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khẩu trang y tế là một trong những mặt hàng bị một số cá nhân, cơ sở trục lợi trong mùa dịch Ảnh: Giang Phương

Khẩu trang y tế là một trong những mặt hàng bị một số cá nhân, cơ sở trục lợi trong mùa dịch

Ảnh: Giang Phương

Theo kết quả điều tra ban đầu, bị can Sương mới học hết lớp 9, có thời gian giúp việc cho một phòng khám tư. Gần đây, bà Sương đã mua nước cất và kháng sinh loại Gentamisin ở một nhà thuốc tại TX.An Nhơn (Bình Định) rồi pha chế, giả làm vắc xin tiêm cho gần 30 trường hợp. Ngoài ra, Công an TP.Quy Nhơn cũng đang xem xét các tội danh khác của bị can Sương liên quan đến vụ việc tiêm vắc xin giả để phòng ngừa bệnh, trong đó có bệnh Covid-19, thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.
Công an TP.Quy Nhơn đã làm việc với 9 bị hại của bà Sương. Những bị hại khai báo số tiền đã đưa cho bà Sương để tiêm ngừa thấp nhất là 1,4 triệu đồng, cao nhất gần 8 triệu đồng/trường hợp. Chị N.T.Y (một nạn nhân ở H.Tuy Phước) cho biết qua một người bạn giới thiệu, bà Sương đến nhà chị tự xưng là nhân viên y tế dự phòng để tiêm các vắc xin phòng bệnh. Tưởng thật, chị cho con tiêm một mũi “5 trong 1”, chị tiêm một mũi ngừa ung thư cổ tử cung và chồng chị tiêm một mũi ngừa dịch Covid-19.

Học hết lớp 9, lấy nước cất giả làm vắc xin Covid-19 để lừa đảo

Chiều 17.3, Sở Y tế tỉnh Phú Yên phát đi thông báo khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, trường học... trên địa bàn tỉnh cần cẩn trọng vì có người mạo danh cán bộ y tế đến các cơ quan như ngân hàng, trường học... đặt vấn đề phun hóa chất phòng dịch Covid-19 và thu tiền. Theo Sở, việc mạo danh này gây ảnh hưởng không tốt đến ngành y tế và tạo tâm lý chủ quan cho người dân trong việc phòng chống dịch. Sở khẳng định việc phun hóa chất được tiến hành theo chương trình kế hoạch thông báo trước cho người dân. Hóa chất phải được kiểm định chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng và không thu phí. Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành xác minh sự việc và đang mời doanh nghiệp có liên quan làm việc.
Tại Hà Nội, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư mới đây cũng cảnh báo tình trạng “lợi dụng tình hình dịch Covid-19, có một số đối tượng không phải cán bộ BV Nhi T.Ư, nhưng mượn danh BV để tư vấn, bán thuốc, thực phẩm chức năng, men vi sinh, khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn... nhằm trục lợi”. BV Nhi T.Ư khuyến cáo cần kiểm chứng thông tin trước khi mua hàng để tránh bị lợi dụng sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.

Đủ kiểu trục lợi

Ngày 18.3, Sở Y tế TP.HCM có thông báo về việc hiện nay trên địa bàn TP có 1 đối tượng tự xưng là nhân viên của Sở Y tế, tên Hải, số điện thoại 0972.933.891 - 0949.902.189, đến một số phòng khám để bán các tài liệu về công tác phòng chống dịch Covid-19, và nói với phòng khám là Sở Y tế sẽ đi kiểm tra.
Theo Sở Y tế, đối tượng trên là mạo danh. Cơ quan này không có bất kỳ nhân viên nào đến các phòng khám để bán tài liệu. Sở đã thông báo vụ việc đến Công an TP.HCM. Người dân khi gặp trường hợp mạo danh nêu trên, đề nghị báo cho Sở Y tế, số điện thoại 0967.771.010 hoặc Thanh tra Sở Y tế, điện thoại 028.39307916 để phối hợp xử lý.
Bị can Tiêu Thị Tuyết Sương tại cơ quan công an Ảnh: Trị Bình

Bị can Tiêu Thị Tuyết Sương tại cơ quan công an

Ảnh: Trị Bình

Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, một số cá nhân, cơ sở lợi dụng “thổi giá” mặt hàng khẩu trang y tế để trục lợi. Trong nhiều vụ vi phạm điển hình, có vụ Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên-Huế kiểm tra, xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty TNHH dược phẩm Hồng Lan (TP.Huế) vì hành vi “lợi dụng điều kiện bất thường định giá bán hàng hóa bất hợp lý” để bán khẩu trang với mức giá không phù hợp. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã phạt hơn 31,7 triệu đồng đối với ông Lê Ngọc Bền (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM), trong đó có phạt về hành vi lợi dụng dịch bệnh bán hàng hóa (khẩu trang) với giá bất hợp lý...
Không chỉ trục lợi mặt hàng khẩu trang mà hóa chất Cloramine B dùng khử khuẩn sàn nhà, vệ sinh nhà cửa cũng bị “thổi giá” gấp 2 - 3 lần, từ 100.000 đồng/kg được nâng lên 200.000 - 250.000 đồng/kg. Thậm chí, một số cơ sở đã sản xuất nước sát khuẩn giả, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội về xét nghiệm Covid-19...
Vắc xin giả thu được từ nhà bị can Sương Ảnh: Trị Bình

Vắc xin giả thu được từ nhà bị can Sương

Ảnh: Trị Bình

Ngày 18.3, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã ra quyết định xử lý hành chính với mức phạt tiền 14,5 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Thơm (39 tuổi, ngụ xã Lộc An, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; đăng mạng xã hội nội dung sai sự thật để quảng cáo, bán hàng hóa. Quyết định xử phạt cũng nêu rõ, sau khi xử lý hành chính, nếu tái phạm sẽ bị xử lý hình sự.
Theo công an, giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều người lo lắng, xuất hiện thông tin có loại thẻ được quảng cáo có khả năng... kháng khuẩn, diệt vi rút SARS-CoV-2. Đây là loại thẻ do nước ngoài sản xuất, chủ yếu lừa người tiêu dùng. Thế nhưng, bà Thơm vẫn nhập hàng về rồi đăng lên Facebook rao bán, thu lợi bất chính.
Tính đến chiều 18.3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đã xử lý 11 vụ vi phạm kể từ đầu mùa dịch, gồm các lỗi: không niêm yết giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt... Tỉnh đã yêu cầu 780 cơ sở ký cam kết không được nâng giá khẩu trang, nước sát khuẩn để trục lợi.

Không nên nhẹ dạ cả tin

Đại diện các cơ quan chức năng khuyến cáo phải hết sức thận trọng trước những mồi chài của các đối tượng có dụng ý trục lợi, lừa đảo.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện tiêm chủng, tiêm ngừa trên địa bàn tỉnh này đều được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế. Theo ông Hùng, qua trường hợp của bị can Tiêu Thị Tuyết Sương cho thấy còn nhiều người dân không cảnh giác, dễ dàng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, người dân chỉ được chỉ định xét nghiệm ở các cơ sở được Bộ Y tế cho phép khi có đầy đủ các yếu tố nguy cơ theo quy định của Bộ Y tế. Trong khi đó, PGS-TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, khẳng định: “Các sản phẩm dùng cho mục đích điều trị cần phải có tư vấn, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa nhi. Bác sĩ chỉ làm nhiệm vụ khám chữa bệnh kê đơn tại các cơ sở y tế hợp pháp, không phải là người bán thuốc”.

Giả mạo Bộ Y tế để... bán hàng

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết có nhiều fanpage dùng đủ chiêu trò giả mạo Bộ để bán hàng, đặc biệt với sản phẩm khẩu trang y tế. Ông Đình Anh lưu ý: “Người tham gia mạng xã hội cần thận trọng, tránh bị lừa. Nếu ai phát hiện thì báo cho các cơ quan chức năng gần nhất để xử lý. Các thông tin chính thức về dịch Covid-19 được cung cấp tại địa chỉ web ncov.moh.gov.vn; moh.gov.vn”.
Đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cũng khẳng định, Bộ Y tế là cơ quan quản lý về trang thiết bị y tế, không phải là cơ quan phân phối khẩu trang ra thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.