Nản với tin nhắn, cuộc gọi rác

Mai Hà
Mai Hà
23/07/2019 05:41 GMT+7

Dù tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã giảm khá nhiều so với trước đây, nhưng không ít khách hàng vẫn phàn nàn khi phải nhận nhiều tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi bất động sản, bảo hiểm mỗi ngày.

Khách hàng bị ép nhận

Anh P.C.H (Hà Nội) đang sử dụng số thuê bao 0943495... cho biết, có những ngày anh nhận tới 7 - 8 tin nhắn từ các đầu số quảng cáo đến các sim rác. “Tin nhắn rác đến từ đủ thể loại, kể cả đầu số nhà mạng đến những tin bán đất, mời mua bảo hiểm. Cuộc gọi mời bất động sản, mở tài khoản ngân hàng, bảo hiểm thì gọi suốt ngày, phát bực”, anh H. nói.
Tương tự, chị N.B.Q (Hà Nội), chủ thuê bao 09135661... cho biết, thường xuyên nhận được tin nhắn rác từ đầu số 9359, Đất Xanh miền bắc, Diff 2019, 9011, Hoàng Phúc, tin nhắn bất động sản..., thậm chí còn cả tin nhắn rao bán bằng giả.
Chị Đ.P.L, một khách hàng khác tại Hà Nội đang sử dụng thuê bao 090496..., nhận được rất nhiều tin nhắn quảng cáo từ đầu số 090, 999, 9238, OCB-COMB, FEcredit, Potec... hoặc các đầu số rác như 0778167537... Số lượng tin nhắn từ 5 - 8 tin/ngày. “Có lần đang đi làm, tôi nhận được cuộc gọi hỏi chị L. - phụ huynh của cháu A đang học trường... phải không. Tôi nghe điện thoại rất hoảng vì nghĩ có vấn đề gì với con mình, hóa ra là cô nhân viên gọi mời tôi cho con gái đi học thêm tại một trung tâm tiếng Anh”, chị L. bức xúc. Chị M.T.H, thuê bao 0983988... thì cho biết bản thân nhận được rất nhiều tin nhắn rác từ đào tạo cán bộ đấu thầu đến 5 - 6 tin nhắn taxi mời đưa đón sân bay mỗi khi vừa đặt vé máy bay thành công.
Theo một nhà mạng, tin nhắn quảng cáo hiện có 2 loại: một là tin nhắn từ các sim rác, các đầu số này có thể mua lại dữ liệu khách hàng từ một vài công ty thu thập dữ liệu khách hàng để nhắn tin, gọi điện mời chào bất động sản, bảo hiểm...
Loại thứ 2 là SMS brandname - các doanh nghiệp muốn đăng ký quảng cáo thì mua các gói dịch vụ với nhà mạng để nhắn tin quảng cáo đến khách hàng. “Đây là dịch vụ giá trị gia tăng nhà mạng được phép hoạt động. Các thương hiệu này sẽ mua theo gói, tổng đài nhà mạng căn cứ theo giá trị hợp đồng để nhắn đến số lượng bao nhiêu thuê bao, theo vùng nào, nên thông tin khách hàng vẫn được bảo mật”, đại diện nhà mạng này thông tin và cho biết phía dưới mỗi tin nhắn đều hướng dẫn khách hàng từ chối nếu không muốn nhận tin nhắn quảng cáo dạng này.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi giá trị doanh thu từ dịch vụ giá trị gia tăng SMS brandname là bao nhiêu, các nhà mạng đều từ chối cung cấp con số với lý do bảo mật kinh doanh. Theo một chuyên gia viễn thông, quy định từ phía Bộ TT-TT, lượng tin nhắn từ các đầu số SMS brandname đã được kiểm soát chặt hơn so với trước kia khá nhiều, số lượng tin nhắn làm phiền khách hàng cũng có dấu hiệu giảm. “Nhưng dịch vụ SMS brandname là một trong những nguồn giá trị gia tăng của các nhà mạng, nên khách hàng vẫn đang bị “ép” nhận, nếu không muốn nhận thì chỉ còn cách nhắn tin từ chối quảng cáo”, ông này chia sẻ.

Quản lý thuê bao để chặn “rác”

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu xử lý triệt để tình trạng sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác trong 6 tháng cuối năm.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Vinaphone cho biết, tin nhắn quảng cáo SMS brandname không được gọi là tin nhắn rác. Hiện nhà mạng này hoàn toàn tuân thủ quy định nhà nước như không cho phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo đến 1 thuê bao trong vòng 24 giờ, thời gian tin nhắn từ 7 - 22 giờ hằng ngày, trong nội dung tin nhắn có cú pháp hỗ trợ từ chối nếu khách hàng không muốn tiếp nhận.
Đại diện Vinaphone cũng cho hay, nhà mạng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý thông tin thuê bao trả trước để “chặn” hoạt động của các sim rác. “Tuy vậy, việc ngăn chặn hoàn toàn sim rác không chỉ phụ thuộc vào riêng Vinaphone mà cần phải có cả sự phối hợp của các nhà mạng, ban ngành chức năng và ý thức, nhận thức của điểm bán cũng như người tiêu dùng”, đại diện nhà mạng này cho hay.
Thống kê của Bộ TT-TT cho biết 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng của Bộ đã ghi nhận được 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước (42.708 lượt phản ánh).
Trong đó, lượng phản ánh trên nhà mạng Vinaphone là 5.055 lượt, chiếm khoảng 23,1%, giảm khoảng 60,4% so với lượng phản ánh cùng kỳ năm 2018; MobiFone là 2.921 lượt phản ánh, chiếm tỷ lệ khoảng 13,3%, giảm 52,4% so với cùng kỳ năm 2018; Viettel là 2.819 lượt phản ánh, chiếm tỷ lệ khoảng 12,9%, giảm 67,7% so với cùng kỳ năm 2018. G-Mobile xuất hiện 1 lượt phản ánh, giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Vietnamobile là nhà mạng có lượt phản ánh về tin nhắn rác tăng mạnh nhất (với 935 lượt), tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.