Nâng cao vai trò truyền thông trong quá trình ban hành văn bản pháp luật

09/08/2014 02:08 GMT+7

Ngày 8.8, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức buổi tọa đàm “Hoạt động tham vấn công chúng trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” tại TP.HCM.

Theo thảo luận, đối tượng mà văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng đến là người dân nhưng cơ quan soạn thảo lại không quan tâm nhiều đến ý kiến của công chúng. Thời gian qua có rất nhiều VBQPPL được đưa ra lấy ý kiến toàn dân, tuy nhiên chi phí cao, hiệu quả thu về không nhiều. Điều này cho thấy việc lấy ý kiến người dân trước khi ban hành VBQPPL vẫn còn mang tính hình thức, thường chỉ lấy ý kiến đối với văn bản pháp luật của T.Ư (như Hiến pháp), còn những văn bản do địa phương ban hành thì mặc nhiên dân phải làm theo.

Tại buổi tọa đàm, các cơ quan báo đài khu vực phía nam phản ánh việc khó “tiếp xúc” với VBQPPL mới ban hành. Để có được những văn bản mới này, báo đài thường phải thông qua mối quan hệ quen biết riêng, hoặc nhờ uy tín của báo mới có được nội dung. Nhiều lúc, nhờ người dân phản ánh nội dung mới liên quan đến quyền lợi của họ thì báo đài mới biết có văn bản sắp hoặc vừa được ban hành. Trong thực tế, báo chí giúp rất nhiều trong việc lấy ý kiến của người dân thông qua các bài viết, các chuyên đề, nhận định của chuyên gia… về nội dung trong các VBQPPL mới. Lợi thế của truyền thông là nhanh chóng truyền tải nội dung, ít tốn kém, nhiều thành phần tham gia lấy ý kiến. Tuy nhiên cơ quan soạn thảo luật lại chưa quan tâm đến giới truyền thông. 

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.