Nâng ngưỡng đầu vào ngành sư phạm, sức khỏe, siết quy định xét tuyển bằng học bạ

Yến Thi
Yến Thi
23/11/2024 11:05 GMT+7

Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, trong đó có một số nội dung về thay đổi ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe và quy định xét tuyển bằng học bạ.

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non vào chiều 22.11. Trong đó có những thay đổi ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe và quy định xét tuyển bằng kết quả học tập cấp THPT.

Ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe xét học lực cả 3 năm THPT

Theo dự thảo Thông tư, về ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo, Bộ GD-ĐT quy định kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên. Trong khi hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ quy định xét kết quả học tập lớp 12 đạt học lực loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8,0 trở lên.

Đối với các ngành giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật; ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, Bộ GD-ĐT quy định kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên. Quy chế hiện hành cũng chỉ yêu cầu xét học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Nâng ngưỡng đầu vào ngành sư phạm, sức khỏe, siết quy định xét tuyển bằng học bạ- Ảnh 1.

Dự thảo Thông tư dự kiến thay đổi ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe

ẢNH: HUY ĐẠT

Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên dự tuyển vào đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau:

  1. Học lực 3 năm cấp THPT đạt loại giỏi (mức tốt) trở lên hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 8,0 trở lên;
  2. Tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên hoặc học lực cấp THPT đạt loại khá (mức khá) và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo;
  3. Tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học đạt loại giỏi trở lên;
  4. Tốt nghiệp trình độ trung cấp, hoặc trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học đạt loại khá và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo;

Như vậy, so với quy định trong quy chế hiện hành, Bộ GD-ĐT cũng đã thay đổi điều kiện, từ chỉ xét học lực lớp 12 sang học lực 3 năm cấp THPT.

Xét tuyển bằng học bạ: Phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), một điểm mới trong dự thảo Thông tư quy định: Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.

Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.

Thực tế những năm trước đây, nhiều trường chỉ sử dụng kết quả học tập của một số học kỳ mà không sử dụng kết quả học kỳ 2 năm lớp 12 của thí sinh cho phương thức xét tuyển sớm. Điều này được đánh giá sẽ làm ảnh hưởng đến thái độ học tập, khiến học sinh mất động lực học tập ở năm cuối cấp THPT...

Về cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).

Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.