Nắng nóng trên cả nước, đề phòng giông lốc, mưa đá

09/04/2016 06:40 GMT+7

Trong 7 ngày tới (từ 9 - 15.4), nắng nóng gia tăng do áp thấp từ phía tây lấn mạnh sang.

Trong 7 ngày tới (từ 9 - 15.4), nắng nóng gia tăng do áp thấp từ phía tây lấn mạnh sang.

Miền Bắc chia ra hai vùng có thời tiết trái ngược nhau, do ảnh hưởng trực tiếp bởi áp thấp nóng nên vùng tây bắc trời nắng nóng với nhiệt độ rất cao, khoảng 36 - 38 độ C, trong khi nửa phía đông có mưa nhỏ từ 9 - 11.4 ở vùng núi; vùng đồng bằng và ven biển đêm và sáng có mưa nhỏ và sương mù. Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại cho các vùng chuyên canh rau vụ xuân, cần che chắn và cung cấp đủ dinh dưỡng cho rau với phân bón lân, ka li trắng, vi lượng để rau khỏe mạnh, ít bị giập nát và nhiễm sâu bệnh, làm vệ sinh đồng ruộng và mật độ rau vừa phải.
Vùng núi phía tây miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiệt độ cao nhất có nơi 37 - 39 độ C. Còn phía nam đèo Hải Vân thời tiết trong những ngày tới khô hạn không mưa, thiếu nước do xâm nhập mặn, càng xuống phía nam nhiệt độ tăng 33 - 35 độ C. Miền Trung cần chú ý theo dõi bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại trên lúa giai đoạn đoạn đòng, bệnh đạo ôn lá trên lúa tại các tỉnh ven biển và nạn chuột.
Các tỉnh Tây nguyên như Gia Lai, Kon Tum và miền Đông Nam bộ hạn hán và nắng nóng rất gay gắt với nhiệt độ cao 36 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C, nguy cơ cháy ở mức rất cao nên cần chủ động phòng tránh. Nắng hạn còn kéo dài, bà con nuôi ong chú ý dẫn đàn để bảo đảm chất lượng mật. Sâu bệnh ít, nhưng bà con chú ý thời tiết nắng nóng còn tăng và kéo dài, cần bổ sung nguồn nước tưới giữ ẩm cho cây để vào mùa sau.
Từ nay đến hết tháng 4, thời tiết Nam bộ càng thêm khắc nghiệt do nắng trên 12 tiếng, thời gian nóng bức là từ 9 - 10 giờ đến 16 - 17 giờ, nhiệt độ cao mở rộng toàn khu vực 35 - 37 độ C, có nơi 37 - 39 độ C và kéo dài nhiều ngày nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người cũng như cây trồng. Do nắng nóng kéo dài và độ ẩm sẽ tăng dần, có khả năng xuất hiện những cơn giông nhiệt đầu mùa trên diện hẹp, có lúc kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sét đánh, lốc xoáy, mưa đá, gió giật mạnh, nguy hiểm nhất là đối với bà con nông dân làm việc trên đồng trống.
Đợt triều cường sẽ đạt đỉnh vào ngày 9.4, sau đó giảm dần. Tuy nhiên, bà con chú ý một số nơi ven cửa sông tình hình mặn vẫn còn gây hại. Đối với dừa, ổi, sa pô chê, xoài có thể chống chịu được với nồng độ muối 4‰ - 5‰ thì có thể lấy nước vào tưới ở vùng đất nhiễm mặn như Bình Đại (Bến Tre), Gò Công Đông (Tiền Giang). Bưởi và chanh có khả năng chống chịu được nồng độ mặn từ 2‰ - 3‰.
Qua tuần sau, mặn có khả năng giảm, trên sông Vàm Cỏ Tây và vùng cửa sông Cửu Long cách biển từ 35 - 40 km (trên sông Cổ Chiên và sông Hậu) có thể lấy nước ngọt lúc triều thấp, chân triều từ ngày 10 - 12.4. Sau đó, mặn có khả năng tăng trở lại trong tháng 5. Do vậy cần tranh thủ dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn quả, không nên xử lý cây ra hoa do khả năng thiếu nước khi đậu trái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.