Né thuế qua... công ty

12/09/2019 06:36 GMT+7

Tình trạng khá phổ biến trong những năm qua là nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, cá nhân là chủ các công ty sở hữu lượng lớn cổ phiếu thành lập doanh nghiệp và khai báo thuế thông qua công ty.

Với chính sách tính thuế trên doanh thu vượt 100 triệu đồng/năm, chị Huỳnh (Q.7, TP.HCM) phân tích: “Thay vì đăng ký hộ kinh doanh cho cơ sở lưu trú trên địa bàn Q.7, tôi sẽ đăng ký lên doanh nghiệp (DN) luôn. Vì phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương cho nhân viên, chi phí mua sắm đồ…, thì DN được đưa các chi phí này vào hoạt động, đó là chưa kể nếu DN lỗ thì không phải nộp thuế như kiểu thuế khoán hộ kinh doanh kia”.
Việc lập DN có lợi hơn nhiều vì thuế thu nhập DN (TNDN) sẽ thấp hơn thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Chính vì thế, nhiều người đang tận dụng cách này để né thuế. Chẳng hạn trước đây, giới văn nghệ sĩ được trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế TNCN nhưng quy định này đã bỏ từ nhiều năm nay nên muốn trừ đi các chi phí quần áo, đi lại…, họ phải có công ty để hợp thức hóa đưa vào chi phí. Thậm chí trong quá trình hoạt động, các công ty kê cao nhiều chi phí hoạt động dẫn đến lãi thấp hoặc không có lãi, từ đó nộp thuế rất ít hay thậm chí thua lỗ thì không nộp thuế. Với cách này, đã xuất hiện tình trạng DN quản lý ca sĩ thì lỗ, không có lời để nộp thuế TNDN.
Tương tự, đối với các nhà đầu tư chứng khoán khi bán cổ phiếu sẽ phải đóng thuế TNCN với thuế suất 0,1% x giá chứng khoán, lỗ thì cũng phải đóng. Trong khi đó, những ông chủ DN, người giàu trên sàn chứng khoán có thể chuyển lượng lớn cổ phiếu của mình sang công ty do mình làm chủ. Các công ty sẽ được khấu trừ tất cả chi phí hợp lý hợp lệ và chỉ khi nào có lời mới nộp thuế TNDN. Như vậy có thể thấy, giữa hai cách tính này là chưa công bằng cho các cá nhân.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận xét: Bản chất của chính sách thuế TNCN là có thu nhập cao thì đóng thuế cao và thu nhập thấp thì đóng thuế thấp. Nhưng đa số các tài xế chạy xe ôm công nghệ đều là người thu nhập thấp nhưng bị xếp vào dạng hộ kinh doanh và tính thuế trên tổng doanh thu là chưa hợp lý. Trong khi đó, hàng loạt cá nhân bán hàng qua mạng nói chung hay mạng xã hội có doanh số khủng lại dễ dàng thoát khỏi việc truy thu thuế.
Đó là chưa kể, thuế TNDN đang có xu hướng được điều chỉnh giảm. Chẳng hạn trước đây là 32% doanh thu, sau các lần điều chỉnh, đã giảm dần xuống lần lượt còn 28%, 25%, hiện nay là 20% và còn giảm xuống trong tương lai. Trong khi đó thuế TNCN từ khi có biểu thuế hiện nay cao nhất vẫn là 35%. Khoảng cách điều tiết biểu thuế cũng rất dày, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn. Tiền thuế tăng có khi còn nhiều hơn tiền được nhận thêm. Vì vậy các cá nhân lựa chọn việc lập DN để giảm bớt tiền nộp thuế là điều dễ hiểu.
Đặc biệt theo TS Nguyễn Văn Thuận, thông thường các nước sẽ xây dựng chính sách thuế TNCN phải cân bằng giữa hiệu quả và tính công bằng. Thế nhưng tại VN, Bộ Tài chính lại xây dựng các chính sách thuế theo hướng thu dễ, tương ứng với hiệu quả cao mặc dù chưa đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng nộp thuế. “Điều này là không khuyến khích người dân tham gia đầu tư và góp phần phát triển thị trường chứng khoán như mục tiêu của Chính phủ. Vì vậy cần phải xem xét lại toàn diện chính sách thuế TNCN hiện hành để sửa đổi hợp lý và hướng đến sự công bằng hơn cho các đối tượng nộp thuế”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.