Nên để kinh tế tư nhân đảm nhiệm vai trò phát triển kinh tế

24/12/2014 04:34 GMT+7

Ngày 23.12, tại hội thảo 'Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế' do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế tuy đã được một số kết quả nhưng theo ông, sẽ 'không biết đi đến đâu' nếu không định lượng được mục tiêu.

Ngày 23.12, tại hội thảo “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế” do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế tuy đã được một số kết quả nhưng theo ông, sẽ “không biết đi đến đâu” nếu không định lượng được mục tiêu.

“Cho đến bây giờ, quan niệm về chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi đến mục tiêu gì vẫn chưa thống nhất. Tái cơ cấu là việc thường xuyên, điều chỉnh do tác động của kinh tế thế giới... Nhưng lần này, với ta là bước ngoặt vì mô hình tăng trưởng hiện hữu đã tới hạn. Không chuyển sang mô hình khác, không còn động lực, nguồn lực để phát triển chứ đừng nói là phát triển nhanh hơn”, ông Lưu Bích Hồ nói và cho rằng trong thời gian tới phải tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo... chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp từ nông nghiệp gia công hiện nay sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin dự báo quốc gia, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng hiện nay, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế là khá chậm, mới làm xong một số việc có tính chất thủ tục, chuẩn bị. Theo ông Ân, cần có thiết kế về mô hình tăng trưởng trong ngành và vùng, không chỉ nông nghiệp mà cả dịch vụ, công nghiệp...
Tham gia thảo luận, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng nói tái cơ cấu hiện nay chưa có định hình, định lượng. Mô hình phát triển hiện nay đã không rõ về định hướng chiến lược phát triển: có nên dựa vào xuất khẩu là chính nữa không; thứ hai, cơ cấu kinh tế cũng rất “mông lung”: chưa định rõ được ta mạnh, yếu ở chỗ nào; và thứ ba, về thể chế vận hành. “Ta nói suốt là thể chế, nhưng thể chế gì, thể chế này phải xoay vào trọng tâm của mô hình mới. Nhưng mô hình chưa có thì xoáy vào đâu?”, ông nói.
Ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, trong các thành phần kinh tế thì khối doanh nghiệp nhà nước vẫn là “kém hiệu quả nhất” do đó trong giai đoạn tới, theo ông, nên để kinh tế tư nhân dần dần đảm nhiệm vai trò phát triển kinh tế. “Kinh tế nhà nước còn lớn thì nền kinh tế còn không hiệu quả, không có bình đẳng với kinh tế tư nhân, và không thể có kinh tế thị trường”, ông nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.