Nên linh hoạt trong xử phạt

03/11/2015 07:36 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Bị đánh còn tốn tiền nộp phạt trên Thanh Niên số ra ngày 2.11.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Bị đánh còn tốn tiền nộp phạt trên Thanh Niên số ra ngày 2.11.

Phải giải thích rõ
Người chồng đã đánh vợ, sau đó bị đi lao động công ích, liệu sau khi lao động công ích về người chồng có “chừa” hay đánh vợ thêm vì suy nghĩ “tại bà nên tôi mới bị đi lao động công ích”? Theo tôi phạt tiền là hợp lý. Trước khi phạt, cán bộ cần phải giải thích rõ ràng về việc nộp phạt nhằm mục đích gì. Việc làm này giúp vợ chồng hiểu rõ và tránh lặp lại việc đánh nhau.
Hồ Quang Đại
(quangdai_ho@yahoo.com)
Biện pháp đủ mạnh
Vợ chồng sống với nhau khi có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” thì không nên xử lý bằng bạo lực. Một khi đã dùng đến bạo lực thì chỉ còn cách nhờ pháp luật can thiệp. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chỉ có biện pháp phạt tiền khi vợ chồng đánh nhau. Chúng ta chưa bàn đến số tiền đó là của ai mà điều quan tâm là giải pháp đó có hạn chế được tình trạng tiếp tục đánh nhau không? Nếu thực tế có nhiều trường hợp đã phạt tiền vẫn cứ đánh nhau có nghĩa là biện pháp đó chưa đủ mạnh, cần tìm một giải pháp khác mạnh hơn để áp dụng trong trường hợp này.
Bùi Quang Minh
(quangminhbui@yahoo.com)
Nên linh hoạt
Với những gia đình nghèo, bị phạt 1 triệu đồng vì vợ chồng đánh nhau thì họ sẽ rất đau, đau hơn bị đánh. Vì vậy, tốt nhất cơ quan chức năng nên linh hoạt trong xử phạt, không nên quá cứng nhắc, luật quy định thế nào phải xử thế nấy. Mỗi địa phương có một cách xử lý khác nhau phù hợp với phong tục, văn hóa, hoàn cảnh địa phương miễn sao vợ chồng hòa thuận, không xảy ra đánh nhau nữa là được.
Trần Văn Tâm
(trantamgialai@yahoo.com)
Phạt phải có hiệu quả
Chuyện vợ chồng là chuyện ở trong nhà. Khi vợ chồng đánh nhau đến mức chính quyền, xã hội phải vào cuộc rồi xử phạt thì đó không còn là chuyện nhà nữa. Vì vậy, theo tôi, cứ theo luật mà làm, phạt tiền cũng được, phạt lao động công ích cũng được, miễn hình thức xử phạt có sức răn đe, giáo dục. Sau khi bị xử phạt, vợ hoặc chồng không dám phạm lỗi nữa là được.
Nguyễn Thị Lan
(nguyenthilan@gmail.com)
Trị tận gốc
Tôi thấy có nhiều người chồng chỉ “hư” khi say xỉn. Nhậu vào mới la mắng, đánh đập vợ con chứ bình thường hiền như cục bột. Một khi ai đó không may có người chồng như vậy thì phải “trị” tận gốc, nghĩa là tìm cách ngăn không cho hồng uống rượu. Nếu lỡ chồng đã uống rượu thì nên… lánh xa chồng đi, “đấu tranh” với chồng lúc đó làm gì cho mang họa? Và trong trường hợp này, nếu chính quyền xử lý tội đánh vợ của chồng thì nên xử lý, khắc phục thói nghiện rượu của ông chồng, như vậy mới gọi là… triệt tận gốc.
Võ Thị Hạnh
(hanhvo53@yahoo.com)
Vợ chồng đến với nhau bằng tình cảm lẫn trách nhiệm. Một khi đã vơi bớt một trong hai yếu tố này thì chuyện xích mích là điều hiển nhiên. Đây chính là sự ức chế về mặt tinh thần - tâm lý. Vì vậy khi giải quyết vấn đề cũng nên dựa trên yếu tố tâm lý xã hội. Ngoài biện pháp xử phạt tiền hoặc một số đề xuất làm công ích... thì việc các cơ quan chức năng tăng cường thêm biện pháp tác động tâm lý như: tổ chức hòa giải, viết tường trình và có thể nhắc nhở khi họp tổ dân phố... là biện pháp khá hữu hiệu.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long
(Trưởng bộ môn công tác xã hội Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM)
Trước đây, bạo lực gia đình, chuyện ngoại tình... được xem là chuyện nhà, đóng cửa dạy nhau. Nay luật pháp đã quy định phải xử phạt thì cứ thế tiến hành. Nếu thực tế áp dụng vẫn chưa giải quyết được thì cần sửa đổi, ban hành những chế tài nghiêm khắc hơn đủ sức để đối tượng đã vi phạm không dám tái phạm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ về tâm lý, ý thức tôn trọng nhau giữa vợ chồng, con cái với cha mẹ để các đối tượng hiểu và gắn kết nhau hơn trong gia đình.
Thạc sĩ luật học Nguyễn Thị Thu Hiền
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.