Chuyên gia Nestlé ‘hiến kế’ giúp Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm

26/04/2023 09:00 GMT+7

Qua nhiều dự án triển khai thành công, ông Chris Hogg, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé đã chia sẻ những bài học, kinh nghiệm giúp Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Nestlé đóng góp vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia quốc tế, đại diện các doanh nghiệp tham gia thảo luận tại sự kiện do Bộ NN-PTNT và DIDO tổ chức chiều 25.4

Chọn nông dân làm trung tâm

Trong khuôn khổ hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đang diễn ra tại Hà Nội, chiều 25.4, Bộ NN-PTNT và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức sự kiện: Cụm công nghiệp hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam.

Sự kiện thu hút sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên gia và doanh nghiệp nhằm thảo luận, tìm giải pháp xây dựng các cụm ngành kinh tế nông nghiệp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam.

Trong số những khách mời trực tiếp thảo luận tại sự kiện, ông Chris Hogg, cho biết để bảo vệ và góp phần phục hồi môi trường, cải thiện sinh kế của người nông dân và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, người tiêu dùng, Nestlé đang hỗ trợ khoảng 600.000 người nông dân trên khắp thế giới, chủ yếu là nông dân ở các trang trại nhỏ chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh.

Trong đó, tại Việt Nam, Nestlé hỗ trợ triển khai thông qua chương trình Nescafé Plan thực hiện từ năm 2011, đã kết nối thành công với 21.000 hộ nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây nguyên. Chương trình góp phần nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt Nam, giúp nông dân có thu nhập tăng thêm từ 30 - 100%, đồng thời giảm phát thải khí CO2 trên mỗi ký cà phê thu hoạch.

Nestlé đóng góp vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Chris Hogg - đại diện Tập đoàn Nestlé chia sẻ về phát triển nông nghiệp tái sinh

Qua thực tế triển khai ở nhiều nước, ông Chris Hogg cho rằng, thách thức lớn nhất khi áp dụng các phương thức canh tác mới chính là sự tin tưởng của người nông dân, đây là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc chuyển đổi. Trong đó, khó nhất là thuyết phục người nông dân thay đổi thói quen canh tác đã có từ nhiều thế hệ. Chẳng hạn như, người nông dân không tin rằng giảm sử dụng phân vô cơ giúp cải thiện chất lượng đất, từ đó tăng sản lượng cây trồng. Chương trình Nescafé Plan ở Việt Nam đã chứng minh được điều này khi giúp người nông dân giảm được 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/thuốc trừ sâu nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng.

"Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả thực sự chứ không chỉ là khẩu hiệu, chúng ta cần đặt người nông dân và người lao động tại các nông trại làm trọng tâm khi thiết kế các chương trình và cần đảm bảo những chương trình này đem lại lợi ích nông dân, cho cộng đồng cũng như hành tinh", ông Chris Hogg nói.

Nestlé đóng góp vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bên lề sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gặp gỡ trao đổi cùng ông Chris Hogg

Nestlé thúc đẩy nông nghiệp tái sinh ở Việt Nam

Cũng theo ông Chris Hogg, để thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, Nestlé thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy nông nghiệp tái sinh trong chăn nuôi và trồng trọt. Nestlé cam kết đến năm 2030, 50% thành phần chính trong sản phẩm của tập đoàn phải đến từ nguồn nông nghiệp tái sinh.

Trong lĩnh vực cà phê, Nestlé mới đây đã công bố chương trình Nescafé Plan 2030 nhằm hỗ trợ sự chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết của Nestlé về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (NetZero). Trong đó, Việt Nam là một trong 7 thị trường chính Nestlé đang triển khai Nescafé Plan 2030.

Nestlé đóng góp vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Chris Hogg trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông của Việt Nam

Ông Chris Hogg cho rằng, mỗi vùng miền, mỗi nông trại có đặc điểm riêng biệt vì thế các phương thức canh tác tái sinh được các chuyên gia nông nghiệp của Nestlé hoặc Nestlé kết hợp với chuyên gia nông nghiệp thiết kế cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng vùng miền, mỗi nông trại nhưng có đặc điểm chung là dễ thực hiện với chi phí hợp lý và có thể nhân rộng. "Theo kinh nghiệm từ Nestlé cho thấy, việc phát triển cụm liên kết hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm bền vững cần lấy người nông dân làm trọng tâm và phải lấy được niềm tin từ họ", ông Chris Hogg đúc kết.

Bên cạnh đó, ông Chris Hogg nhấn mạnh, hợp tác đa phương giúp Chính phủ, các tổ chức, người dân và khối tư nhân hiểu về nông nghiệp tái sinh, từ đó người nông dân có thể được tư vấn, hướng dẫn đúng cách và có thể nhân rộng mô hình nông nghiệp tái sinh. Tại Việt Nam, Nescafé Plan được Nestlé triển khai thông qua mô hình hợp tác công tư thông qua phối hợp thực hiện cùng Bộ NN-PTNT; Trung tâm khuyến nông các tỉnh Tây nguyên; Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI).

Nestlé đóng góp vào chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại Việt Nam - Ảnh 5.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê Nestlé đang triển khai ở nhiều quốc gia

Cũng theo ý kiến từ các chuyên gia tham gia thảo luận tại sự kiện, trước tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, đại dịch… việc chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững giúp Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng thực phẩm không chỉ cho gần 100 triệu người dân trong nước mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.