“Xà lim” giữa... vườn cây ăn trái

26/06/2005 21:58 GMT+7

“Người điên” 25 năm bị xiềng chân và em bé bị nhốt 6 năm trong cũi tại Tiền Giang đã được đưa đi điều trị miễn phí Ba ngày sau khi Thanh Niên số ra ngày 20/6 thông tin về một người 25 năm bị xiềng chân và một em bé 6 năm bị nhốt trong cũi, một người bạn điện thoại thông báo cho chúng tôi một tin vui: "Phải mất 2 ngày truy tìm và gọi cho phóng viên nhờ "hỗ trợ chỉ giùm địa chỉ người bệnh", cuối cùng thì các nhân viên Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang cũng đã tìm được và đưa 2 trường hợp nói trên về bệnh viện để điều trị miễn phí hoàn toàn".

Thế nhưng, ngay sau đó chúng tôi nhận một thông tin còn bất ngờ hơn: Cũng tại thị trấn Cái Bè, Tiền Giang, một người đàn ông 40 tuổi đã bị nhốt nhiều năm trong “xà lim” giữa... vườn cây ăn trái.

Theo chỉ dẫn của bạn đọc, ngày 24/6 chúng tôi đã tìm đến số nhà 82, tổ 8, khu 3, thị trấn Cái Bè, Tiền Giang. Điều đáng ngạc nhiên là địa chỉ đó cách không xa nơi vừa phát hiện trường hợp người 25 năm bị xiềng chân và được biết đây là địa bàn đã được triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Đó là một căn nhà xây tường khá rộng nằm trên khu vườn 0,6 ha được trồng nhãn và bưởi xum xuê nằm cạnh sông Cái Bè. Theo hướng dẫn của người nhà, chúng tôi ra sau vườn chừng 30m và chứng kiến cảnh tượng thật chạnh lòng: Một người đàn ông ốm nhom, da xanh xao, mặc quần xà lỏn, lưng trần, đang lom khom trong cái... chuồng được xây bằng gạch trông giống hệt cái "xà lim" nằm bên cạnh ao cá vồ. "Chuồng" cao chừng 3m, mỗi bề rộng khoảng 2,5m. Bên ngoài "chuồng" được phủ bằng một cái mùng lớn chống muỗi  cũ rách.

Người tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1979, cho biết người đang bị nhốt trong "chuồng" là chú ruột của anh, tên Nguyễn Tấn Lộc, sinh năm 1965, là con út trong gia đình. Theo anh Bình, cách đây khoảng 22 năm, ông Lộc khoảng 18 tuổi, đang học nghề thợ bạc thì bị bệnh. Gia đình đã đưa ông Lộc đi điều trị rất nhiều nơi nhưng bệnh tình không giảm. Nhiều lần đang điều trị tại Mỹ Tho, thậm chí tại Biên Hòa nhưng ông Lộc vẫn trốn về nhà được, dù trong túi không có đồng nào. Khi mới bị bệnh, ông Lộc được thả lỏng trong nhà, nhưng sau đó thì bị xiềng bằng dây xích vào cột nhà  hơn 10 năm. Từ khoảng năm 2001 đến nay vì "quậy" quá nên gia đình xây cái... “chuồng” và nhốt luôn giữa khu vườn. Chúng tôi hỏi "quậy" như thế nào? Anh Bình nói lúc đầu ông Lộc đi chơi về thấy cơm canh trên bàn hất đổ hết không thèm ăn. Về sau cứ mỗi lần lên cơn lại đập tủ, đập bàn và thậm chí lấy kim chích rồi... rượt người thân trong nhà để chích. Vì ông bà nội anh đã lớn tuổi không phản ứng được nên buộc lòng gia đình phải xây một chỗ riêng ngoài vườn cho ông Lộc ở từ đó đến nay.

Khi được hỏi, anh Bình cho biết đã ở chung với ông bà nội từ lúc 6 tuổi, đến giờ anh đã có vợ, con nhưng "chưa lần nào thấy đại diện chính quyền hoặc cán bộ y tế tại địa phương đến hỏi thăm". Ngay cả việc gia đình xây "chuồng" và nhốt ông Lộc, hàng xóm đều biết nhưng cũng chưa bao giờ nghe chính quyền có ý kiến gì. Lâu nay gia đình cũng đã đưa ông Lộc đi điều trị chừng... mấy trăm "ông bà thầy" nhưng không có kết quả. Cứ nghe ở đâu, tỉnh nào có thầy giỏi thì gia đình tìm cách rước về điều trị hoặc đưa ông Lộc đi tận nơi. Mỗi lần đi phải xiềng chân ông Lộc lại và nhờ hai ba người có sức mạnh đi kèm. Có khi đi bằng ghe, có khi bằng xe đò xa hàng trăm cây số, tốn kém rất nhiều tiền. Ngay bây giờ, nếu được vào bệnh viện điều trị, gia đình sẽ rất biết ơn...

Vấn đề đặt ra, nếu như thị trấn Cái Bè là địa bàn đã được triển khai chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, lại có tới hai trường hợp bị xiềng chân và bị nhốt hàng chục năm nhưng vẫn không bị ngành chức năng phát hiện mới là chuyện kỳ lạ.                                                                                               

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.