Giáo sư bác sĩ Việt kiều Daniel Dũng Trương: "Người bác sĩ biết làm phép lạ"

15/10/2006 00:03 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà tờ báo lớn của Hoa Kỳ Los Angeles Times năm 1991 đã viết một bài báo với tiêu đề: Daniel Dũng Trương, người bác sĩ (BS) biết làm phép lạ (The miracle doctor).

Đó là ghi nhận từ quá trình dày công nghiên cứu với hơn 100 bài báo cáo trên khắp thế giới cùng việc chữa trị cho hàng ngàn người mắc bệnh Parkinson & movement disorder (bệnh rung cơ và rối loạn cử động) - trong đó có huyền thoại quyền Anh Mohamed Ali - của BS Daniel Dũng Trương.

BS Dũng Trương là chuyên gia hàng đầu không chỉ tại Hoa Kỳ mà cả trên thế giới về bệnh bắp thịt. Ngoài những hội thảo về thần kinh học ở khắp thế giới, từ năm 2004 đến nay, ông đã về nước tổ chức 3 hội thảo về thần kinh học cùng với nhiều giáo sư, bác sĩ khác. Các cuộc hội thảo đã giúp cho các BS về thần kinh trong nước có dịp trao đổi, học hỏi những tiến bộ mới về khoa thần kinh và các bệnh về bắp thịt. Trong thời gian này, ông đã viết và xuất bản bằng tiếng Việt cuốn sách giáo khoa về Thần kinh học lâm sàng; được xem là cuốn sách gối đầu của các BS ngành thần kinh VN.

Daniel, tên thật là Trương Dũng. Ông sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, gia đình có 3 anh em đều theo học ngành y. Năm 1968, sau khi đậu Tú tài toàn phần với tấm bằng hạng ưu, ông được học bổng du học tại Đức và sau đó tốt nghiệp Y khoa tại Đại học Freiburg của CHLB Đức. Sau đó ông sang Hoa Kỳ học chuyên ngành thần kinh và tâm thần tại Đại học South Carolina. Trong thời gian này, ông có nhiều công trình nghiên cứu đáng kể và được Giáo sư Stanley Fanh, Chủ tịch American Academy of Neurology nhận làm học trò riêng tại Đại học Columbia - New York. Sau 2 năm nghiên cứu chuyên khoa về Parkinson và các bệnh rối loạn cử động, ông được giáo sư người Anh là David Marsden, 1 trong 2 người sáng lập ra ngành thần kinh, nhận làm học trò riêng tại Bệnh viện quốc gia về thần kinh ở London (National Hospital for Nervous Diseases, Queen Square). Đây là bệnh viện nổi tiếng nhất châu u về khoa thần kinh học.

Sau thời gian ở Anh, ông về lại Hoa Kỳ giảng dạy tại Đại học Irvine California và là người sáng lập đồng thời là Trưởng khoa Parkinson và rối loạn cử động của trường. Trong thời gian ở đây, ông đã có những công trình mang tính bác học là tạo bệnh người trên chuột để nghiên cứu. Từ đó, tên Daniel Dung Truong được gắn liền với bảng phân loại bệnh tật về Cử động học. Cũng tại Hoa Kỳ, ông đã nghiên cứu và cho sử dụng thuốc Botulinum toxin loại B mà chúng ta quen gọi là Botox. Đây là loại thuốc chích vào lớp dưới da để giúp tái tạo phần lão hóa của bắp thịt. Nhiều học trò của ông hiện nay là chủ nhiệm các khoa thần kinh trên một số trường đại học tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, ông đã mở một bệnh viện chuyên khoa Parkinson's & Movement Disorder Institute tại Longbeach và Fountain Valley California. Trong thời gian hoạt động và chữa trị, ông được Hội thiện nguyện của những người tắt tiếng bầu làm chủ tịch danh dự vì đã góp công chữa trị cho nhiều bệnh nhân loại này. Các Hội thần kinh Ấn Độ, Mông Cổ, CHLB Đức đã bầu ông là chủ tịch danh dự của hội.

Ngoài việc trông coi bệnh viện, ông hiện đang điều khiển một chương trình nghiên cứu đa trung tâm tại Hoa Kỳ. Ông cho biết công trình đang nghiên cứu là chữa bệnh tắt tiếng do dây thanh quản không hoạt động và cách chữa trị khi óc bị thiếu dưỡng khí - đây là một trong những công trình chống đột quỵ ở người lớn tuổi.

Tháng 8/2006 vừa qua, được sự hỗ trợ của Hiệp hội thần kinh học thế giới WFN, Tổ chức y tế thế giới WHO, Chính phủ Mông Cổ, ông cùng các bác sĩ hàng đầu về thần kinh của Mỹ, Nhật, Đức, Cộng hòa Séc, Pháp tổ chức diễn đàn thần kinh học tại Ulan Bator, Mông Cổ, gọi tắt là INFO. Tại đây, BS Dũng Trương đã báo cáo đề tài "Rối loạn cơ bắp và điều trị tai biến mạch máu não".

Từ cuối những năm 2000, ông đã về VN nhiều lần và giúp chữa trị cho một số bệnh nhân Parkinson. Năm 2004, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế VN, ông đã cùng BS Robert Daroff đưa hơn 100 chuyên gia, bác sĩ của 15 nước trên thế giới về VN tổ chức diễn đàn INFO nhằm mục đích tìm ra biện pháp hữu hiệu hơn về nghiên cứu và chữa trị thần kinh tại VN. Ông cho rằng hội thảo tại chính những quốc gia đang phát triển sẽ có nhiều cơ hội giúp cho nước đó học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tốt hơn. Năm 2005, ông cùng tiến sĩ Daroff tổ chức hội thảo lần thứ 2 tại VN và phối hợp với ngành y tế VN hợp tác trong tương lai. Theo kế hoạch, từ ngày 23 đến 25/11/2006 tới đây, ông cùng một số giáo sư đến VN tổ chức INFO lần thứ 3 về thần kinh học, sau đó lên đường đi Tokyo (Nhật Bản) tiếp tục tổ chức INFO.

Lê Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.