Chữa bệnh ngoài da khi trời lạnh

19/02/2008 16:01 GMT+7

Thời tiết lạnh tác động lên làn da khiến da chúng ta khô, nứt... Một số bài thuốc dưới đây theo lương y Nguyễn Công Đức (khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM) giúp "chống" lại tình trạng trên.

Da khô

Với những người da bị khô do thời tiết lạnh, phương thuốc chữa trị là dùng 20 gr mè đen, một muỗng canh mật ong, cùng với ba vị thuốc là hoàng kỳ (40 gr), trần bì (vỏ quýt - 12 gr), hỏa ma nhân (20 gr). Cách chế biến: để riêng mật ong, còn các nguyên liệu và những vị thuốc còn lại đem sắc (nấu) với 4 chén nước (800 ml), còn lại một chén rưỡi thuốc (khoảng 300 ml). Lấy nước của hai lần nấu hòa chung lại rồi cho muỗng mật ong vào, trộn đều.

Mỗi ngày dùng 3 lần lúc nước thuốc còn ấm, mỗi lần dùng 100 ml trước các bữa ăn. Bài này có công dụng trị khô da, giúp cho làn da mịn màng, sắc mặt hồng hào, tươi nhuận hơn. Thích hợp cho những người da bị khô, da mặt sần sùi, không tươi sáng.

Nứt da ở tay, chân

Với trường hợp da khô làm nứt ở tay, chân (thường là nứt ở gót chân), theo lương y Nguyễn Công Đức có thể sử dụng một trong hai bài thuốc sau: dùng quả mướp khô (độ 50 gr), cùng 50 ml dầu mù u. Cách làm như sau, lấy quả mướp khô cả hạt thái nhỏ, rồi đem sao cho cháy thành than, giã nát mịn, hòa lẫn với dầu mù u, trộn đều. Dùng chất liệu chế biến này thoa vào nơi da tay, chân nơi bị khô, nứt nẻ.

Thanh bì (trái) - Quyết tử minh

Bài thuốc thứ hai là dùng 20 gr bột mã tiền sống, 50 ml dầu mù u và 10 gr bột vitamin B1. Cách bào chế: mài hạt mã tiền để lấy bột, loại bỏ phần vỏ hạt. Vitamin B1 nghiền thành bột. Tất cả trộn với dầu mù u cho đều, cho vào lọ đậy kín, để dùng dần. Cách dùng là thoa dung dịch này vào tay, chân - nơi bị khô, nứt. Bài thuốc này đặc biệt hiệu quả với chứng khô nứt ở gót chân. Ngày thoa vài lần, tối đi ngủ thì bôi cả bã thuốc băng lại. Lưu ý là không được uống, tránh để dung dịch này văng vào mắt.

Da dị ứng

Không khí lạnh cũng dễ làm da bị dị ứng (dị ứng thời tiết). Với trường hợp da dị ứng nổi rôm sảy, thì áp dụng bài thuốc sau:

Dùng 200 gr bí đao tươi (dùng cả vỏ, hạt) thái nhỏ, 100 gr rau cần tươi (cắt nhỏ), 50 gr hoa cúc khô, 50 gr kim ngân hoa (loại khô), 50 gr rễ cỏ tranh (khô);  tất cả nấu với 5 lít nước còn lại 2 lít thuốc để uống trong ngày (có thể cho vào tủ lạnh). Loại nước uống này ngoài chủ trị tình trạng da bị dị ứng, nổi mề đay, ngứa, rôm sảy, còn có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lương huyết... Hoặc có thể dùng cách: lấy 60 gr lá dâu tằm, 60 gr thanh bì, 50 gr cành dâu, 50 gr quyết tử minh, 50 gr cốc tinh thảo, 50 gr bạch cúc hoa, 60 gr mộc qua, 50 gr nhân trần. Đem tất cả nấu với 10 lít nước, nấu sôi trong 15 phút, xong lọc lấy nước thuốc, bỏ bã. Dùng khăn sạch nhúng nước thuốc khi còn ấm rồi lấy khăn chà xát lên da, khi khăn ráo nước thì nhúng lại nước thuốc, rồi lau khô. Không tắm lại bằng nước khác ngay sau đó.

Hoặc có thể dùng lá mướp tươi, hay lá khổ qua tươi - lượng vừa đủ dùng, rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt thoa lên những chỗ da bị nổi mẩn ngứa, rôm sảy, thoa vài lần trong ngày...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.