Tòa xử tù, thư ký của Tòa tha!

19/03/2008 22:30 GMT+7

Một thư ký TAND tỉnh Bình Thuận - bà Nguyễn Vũ Thụy Thanh Hằng bị tố cáo nhận vàng và tiền của đương sự để "chạy án". Đây không phải là lần đầu, từ 3 năm trước, nữ thư ký này đã có những sai phạm tương tự, nhưng chưa bị xử lý...

"Đi đêm" với bị án!

Bà Nguyễn Vũ Thụy Thanh Hằng là chuyên viên, thư ký của TAND tỉnh Bình Thuận chuyên thụ lý án hình sự. Qua theo dõi, Viện KSND tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc mờ ám được bà Hằng "phù phép" một cách trắng trợn, qua mặt cả hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh. 3 năm trước, bà Lê Thị Lan,  ở thôn Nghĩa Hòa, xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, bị kết án 5 năm tù về tội "chứa mại dâm". Bà Lan được tại ngoại trong thời gian xét xử và khi án có hiệu lực thì gửi ngay đơn xin hoãn thi hành án nên không bị bắt đi tù. Biết sự việc, UBND xã Tân Nghĩa có công văn, đề nghị bác đơn xin hoãn thi hành án của bà Lan, nhưng khi bà Hằng chuyển hồ sơ qua Viện KSND tỉnh thì không có công văn này.

Sau khi được hoãn thi hành án 12 tháng, bà Lan lại có đơn xin hoãn thi hành án lần nữa. Ngoài lý do nuôi con nhỏ còn có lý do "đang mắc bệnh phụ khoa". Chỉ từ lá đơn này, bà Hằng đã tham mưu ngay cho lãnh đạo TAND tỉnh trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật của Lan mà không hề gửi công văn cho Viện KSND tỉnh như luật định. Đáng nghi ngờ là bản giám định của Pháp y Bình Thuận cho kết luận Lê Thị Lan thương tật đến... 76%!

Điều bất thường là lần này bà Hằng chuyển hồ sơ sang Viện KSDN tỉnh để xin hoãn thi hành án lần 2 cho bà Lan thì lại có ý kiến của xã Tân Nghĩa với nội dung đề nghị cho bà Lan hoãn thi hành án lần thứ 2. Thấy lạ, Viện KSND tỉnh cử ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Kiểm sát thi hành án đến xác minh thì UBND xã có ý kiến hoàn toàn khác với bản xác minh mà bà Hằng lập trong hồ sơ.  Do thời gian này giáp Tết, Viện KSND tỉnh chưa có ý kiến gì thì bà Hằng liên tục tác động yêu cầu Phòng Kiểm sát thi hành án sớm có ý kiến bằng văn bản.

Tại cuộc họp giữa 3 ngành Viện KSND, TAND và Cơ quan điều tra Công an tỉnh ngày 18.2.2004 (có bà Hằng tham dự), các bên dự họp đã xác định: Lê Thị Lan phạm tội nặng, bị xử theo khoản 2, điều 254 - BLHS (hình phạt từ 5 - 15 năm tù) nên không thể cho hoãn thi hành án lần 2. Thế nhưng bất ngờ là ngày 23.2.2004, Viện KSND tỉnh lại nhận được quyết định cho hoãn thi hành án của TAND tỉnh. Chính ngày họp 3 ngành nói trên, bà Hằng đã làm phiếu đề xuất hoãn thi hành án cho bà Lan và được Chánh án TAND tỉnh có bút phê "đồng ý như đề xuất" phớt lờ công văn yêu cầu phải thi hành án phạt tù với bà Lan mà Viện KSND tỉnh đã gửi TAND tỉnh trước đó một tuần.

Viện KSND tỉnh triệu tập bị án Lan để yêu cầu trình các giấy tờ chứng minh bệnh tật thì Lan không hề có giấy tờ gì. Thậm chí bà Lan còn không biết mình bị nhiều bệnh tật như trong hồ sơ. Khi Viện KSND tỉnh đưa bà Lan đến Trung tâm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh khám bệnh thì kết quả lại hoàn toàn khác với giám định của Pháp y Bình Thuận. Viện KSND tỉnh kết luận: "Quyết định hoãn thi hành án số 01 của TAND tỉnh cho Lê Thị Lan là trái với điều 61 của Bộ luật Hình sự".

Vẽ đường cho hươu chạy

Sau này, khi TAND tỉnh có quyết định thi hành án đối với Lê Thị Lan thì bà Hằng lại "ngâm" đến 1 tháng 6 ngày mới tống đạt cho Lê Thị Lan. Ngày bị áp giải vào tù, Lê Thị Lan còn mượn điện thoại di động của một sĩ quan công an và gọi về nói với con: "nhớ gọi điện cho cô Hằng biết mẹ đã bị bắt đi trại". Viện KSND tỉnh còn phát hiện trong những ngày được hoãn thi hành án, Lê Thị Lan đã gọi tổng cộng cho thư ký Hằng 13 cuộc điện thoại, có những cuộc dài đến 25 phút. Điều đó chứng minh Lan đã có quan hệ thân mật trên mức bình thường với thư ký Hằng.

Một vụ khác, Nguyễn Tấn Thanh, thường trú ở thôn Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam) bị TAND tỉnh tuyên 4 năm tù về tội  "giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội". Sau khi có quyết định thi hành án, Thanh cũng làm đơn xin hoãn để chữa bệnh. TAND tỉnh có quyết định trưng cầu pháp y "bệnh bướu" của bị án Thanh mà không hề gửi công văn cho Viện KSND tỉnh theo dõi như luật định.

Sau đó, không những bị án Thanh không bị bắt đi tù mà còn được hoãn thi hành án đến hai lần. Điều đáng ngờ là cả hai quyết định hoãn thi hành án (đều do thư ký Hằng đề xuất) không hề ấn định thời gian hoãn mà chỉ ghi ngày ra quyết định. Đến khi Viện KSND tỉnh nhận được công văn của chính quyền địa phương tố cáo bị án Thanh đã hết hạn hoãn thi hành án đến 8 tháng, nhưng bị án này vẫn nhởn nhơ ở địa phương, Viện KSND tỉnh mới tá hỏa đi xác minh thì phát hiện Nguyễn Tấn Thanh không bệnh tật gì cả. Ngày 15.7.2004, thư ký Hằng tham mưu cho lãnh đạo Tòa ra quyết định thi hành án đối với Thanh, nhưng trong hồ sơ Viện KSND phát hiện không hề có biên bản tống đạt (tức bị án chưa hề bị phạt tù - PV). Sau khi thấy Viện KSND tỉnh vào cuộc, bị án Thanh liên tục có đơn tiếp tục xin hoãn thi hành án. 

Trong khi chưa có ý kiến của lãnh đạo Tòa, thư ký Hằng đã vội vã chuyển đơn của Thanh sang cho Công an tỉnh. Thậm chí, theo trình bày của Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thì bà Hằng còn sốt sắng chủ động gặp ông để "bàn" kế hoạch đi "xác minh đơn" (!). Rất may, ngày 7.9.2004, khi đang trên đường bỏ trốn thì bị án Thanh đã bị bắt. Theo tường trình của hai cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thì trước khi chạy trốn, Thanh cũng dặn con phải gọi điện thoại "báo ngay cho cô Hằng biết".

Một trường hợp khác cũng được thư ký Hằng dựng kịch bản y chang là bị án Đẩu Thị Cảnh, ở Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc bị phạt tù 5 năm về tội "chứa mại dâm". Không biết cách nào mà hồ sơ của chồng Cảnh là Hồ Trung Hiếu được Pháp y Bình Thuận kết luận là "tâm thần phân liệt". Kết quả này hoàn toàn ngược với kết luận của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, xác định Hiếu "rối loạn cảm xúc đã điều trị ổn định". Như vậy không thể lấy lý do này mà cho Cảnh xin hoãn thi hành án, thư ký Hằng bèn không tống đạt quyết định thi hành án với Cảnh. Khi Tòa có quyết định thi hành án lần 2, thư ký Hằng lại với "kịch bản" đi xác minh (hoàn cảnh của bị án để tiếp tục xin cho bị án được hoãn thi hành án - PV). Từ đó đã tạo điều kiện cho bị án Đẩu Thị Cảnh bỏ trốn khỏi địa phương cho đến nay.

Không chỉ có thế, bà Hằng tiếp tục lao vào con đường "chạy án" với những sai phạm không thể chấp nhận khi dám sửa bản án từ án phạt tù thành án "treo". Đó là trường hợp của Trương Hoài Vũ, ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (Quyết định thi hành án số 32 ngày 22.10.2003).

Với hàng loạt sai phạm tày đình như thế không hiểu vì sao đến nay bà Hằng vẫn không hề bị xử lý! Dư luận đang đặt câu hỏi: ai đã bảo kê cho những sai phạm có tính hệ thống của thư ký Hằng trong suốt một thời gian dài như vậy ?

Quế Hà - Bích Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.