Người xe ôm dạy kèm ở Chợ Bà

03/11/2008 15:24 GMT+7

Người xe ôm dạy kèm nổi tiếng khắp vùng cao vùng thấp Quảng Nam chính là anh Phan Văn Hượt.

Mấy đời bám trụ Chợ Bà

“Tôi còn nhớ như in đó là ngày 5.6.1986. Hồi đó đi thi đại học là sự kiện to ở quê tôi: Chợ Bà, Bình Giang, Thăng Bình, Quảng Nam. Tay xách nách mang mấy ang gạo do bà con trong xóm góp cho để đi đường, tôi lội bộ qua nỗng cát lên ngã ba Hương An. Ông bà già chặm nước mắt nhìn theo, trong đầu tôi lao xao câu vè xứ Quảng: Gạo đây mang lấy mà ăn/ Tiền đây mang lấy ít quan tiêu đường/ Con đừng bận bịu vấn vương/ Bước chân còn lắm dặm trường còn xa... Thương cha mẹ nhưng tôi không ngoái lại. Ngoái lại, cái đầu nó nặng cái chân nó mỏi, tôi không ưng. Rứa mà lên tới quốc lộ, tưởng được đi ngay, phải đợi xe tới ba ngày ba đêm. Không đủ tiền đi xe khách, tôi leo lên thùng xe ba lua kín mít, cả thân hình song song với mặt đường, xe qua chỗ nào có ổ trâu, ổ gà tôi như biết hết. Dằn xóc lắm nhưng nghĩ tới cảnh vô tới Thủ Đức, tìm tới trường Đại học An ninh nộp giấy báo danh, tôi thấy rất vui. Thời đó, quốc lộ 1 nhỏ xíu, xe tải chạy chậm như rùa nhưng rồi có đi có tới, cuối cùng chiếc ba lua cũng bò qua đèo Cả tới bến xe Phú Khánh, tức Khánh Hòa bây chừ. Chưa kịp vui, ruột gan tôi lại như lửa đốt vì lại phải đợi thêm một ngày mới có xe. Năn nỉ lắm tôi mới được leo lên thùng xe khác cùng mấy ang gạo nay đã vơi một ít. Xe chạy miết qua những chặng đường dài hun hút. Rạng sáng ngày 5.6, bác tài đập cửa ầm ầm, tôi bừng mắt ra hoảng hồn vì xe mới tới địa phận Đồng Nai trong khi chỉ còn 30 phút là đến giờ thi! Trễ mất rồi, trễ thiệt rồi!”. Anh ngậm ngùi dù chuyện xảy ra đã 22 năm.

 
Rong ruổi trên cầu tre hai xã Bình Giang, Bình Dương
“Tan tành giấc mơ đại học, tôi buồn thúi ruột, xuống xe theo chân mấy anh em thợ hồ cùng quê tìm vô Long Khánh. Loay hoay mấy hôm, không biết làm thợ, tôi được nhận vô chân thầy giáo hợp đồng, lương tháng 3.500 đồng. Dạy được hơn 2 tháng ở khu 18 gia đình ấp Bảo Vinh A, xã Xuân Vinh, nhớ nhà quá tôi vọt về quê, bỏ lại nửa tháng lương chưa nhận. Tưởng về để lại đi, ai dè ở luôn quê tới chừ”, anh từ tốn. “Đúng là tui không ý chí. Nếu năm sau, năm sau nữa, tiếp tục đi thi, có khi chừ đang làm... quan ở Sài Gòn như mấy đứa bạn học cùng trường. Nhưng hồi đó tôi thương cha mẹ quá, hai ông bà bám trụ một đời ở Chợ Bà qua hết cuộc chiến tranh, sau hòa bình cũng bám trụ, nuôi con, không đi đâu hết. Tôi chừ coi như tiếp tục sự nghiệp bám trụ của gia đình”.

Học bổng Chợ Bà

Không ai lấy hết niềm vui của một con người. Anh về quê làm ruộng, dạy kèm con cháu, phụng dưỡng cha mẹ già rồi cưới cô bạn học thời trung học Thăng Bình 2, sinh hai cháu: Phan Trần Vi La và Phan Trần A Lem. Cả hai đều là học sinh xuất sắc.

“Hồi năm 1981- 1982, khi còn học lớp 8 tôi đã kèm các bạn trong lớp rồi. Tới năm 1991 có vợ, tôi chạy xe ôm từ Hương An lên bãi vàng Khâm Đức, tối về nhà, bà con trong chợ gửi con nhờ dạy kèm. Thấy tội, tôi nhận. Ban đầu chỉ một ít, sau đông lần lên, nhiều em ở Bình Dương cũng chèo ghe qua sông Trường Giang, xin học. Từ chối, không nỡ, tôi ừ... Nếu tính từ năm 1991 tới nay, tôi dạy kèm gần ngàn em”.

Dạy kèm có vất vả như chạy xe ôm?

“Làm thầy khó lắm, tôi chỉ mơ ước là cha, là anh để giúp đỡ các em. Học phí chỉ gọi là… Tôi chủ yếu sinh sống bằng nghề xe ôm”.
Phan Văn Hượt

Anh cười: “Vất vả mà vui hơn! Bởi chạy xe có hôm bị ế còn dạy kèm cuối năm có trên 80% em tốt nghiệp cấp 2, cấp 3. Sức học đầu vào của các em rất thấp, nên khi có tin thi đậu, ai cũng mừng. Năm rồi, tôi kèm 80 em, có tới 65 em học lực trung bình. Các em nghèo khổ nhưng ham học, tôi coi như con. Học phí cho thầy khi có khi không, khi là mớ khoai mớ gạo, khi là con gà con vịt. Cũng có gần 10 em tôi miễn phí, tặng tập vở đầu năm như em Tô Thị Huệ, em Nguyễn Thị Vũ... gọi là học bổng Chợ Bà. Những em nớ tội lắm, cha bị liệt, mẹ chạy ăn từng bữa mà chẳng vắng mặt buổi nào. Cũng cần nói rõ, tôi lượng sức mình, chỉ kèm các em lên tới lớp 12 là thôi. Luyện thi đại học, tôi không dám nhưng nhiều em sau khi tốt nghiệp cấp 3, đậu vô đại học đều báo tin tôi biết, coi như chú Mười có góp phần. Gần đây, tôi dạy buổi chiều, buổi sáng chạy xe ôm, ngày được vài cuốc, một cuốc từ chợ Bà lên Hương An, trừ xăng cộ còn được 10.000 đồng, mua gạo và mua sách. Tôi mê toán, chỉ kèm toán. Toán trong chương trình, toán mở rộng, toán nâng cao”...

Dạy kèm, anh không cho điểm từng bài mà dùng điểm cược. Em nào cược 3 điểm cộng, nếu giải được bài anh ghi vào sổ, ngược lại cũng ghi nhưng là 3 điểm trừ. Cứ 10 điểm cược thành 1 điểm cuối khóa. Trên cơ sở đó, cuối khóa anh phát thưởng, khích lệ các em. Có điều đặc biệt, dù từng dạy kèm hai thế hệ - trong đó có phụ huynh của một số học sinh hiện nay - anh không muốn được gọi bằng thầy.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.