Trại heo rừng dưới chân Bạch Mã

12/11/2008 16:27 GMT+7

Chủ nhân của trang trại heo rừng này là anh Lê Chí Nhân, người lái tàu của Xí nghiệp Đầu máy toa xe Đà Nẵng và anh Võ Biểu, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Lộc.

Trang trại heo rừng của họ nằm ngay dưới chân núi Bạch Mã, thuộc xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ số tiền huy động được khoảng 400 triệu đồng, họ mua lại 1 ha rừng của người dân địa phương với giá 80 triệu đồng và đầu tư xây dựng chuồng trại. Sau đó, anh Nhân vào Bình Dương và Đà Nẵng tuyển mua 20 con heo giống có nguồn gốc lợn rừng lai nhập khẩu từ Malaysia. Bắt đầu thả nuôi từ tháng 6.2007, chỉ sau nửa năm, đàn lợn đã tăng gấp đôi nhờ sinh sản.

Khác với những lo lắng trước đó, khi bắt tay nuôi giống heo này họ mới biết đây cũng là loài động vật dễ nuôi. Những chú heo này ăn rất khỏe. Tất cả các sản vật địa phương từ khoai, sắn, rau lang, chuối cây... không cần qua bất kỳ khâu chế biến nào, thả vào chuồng năm phút sau đều được chúng chén sạch. Chúng lớn như thổi và kháng cự được hầu hết các bệnh trên gia súc thông thường.

Năm 2007, thời tiết tại Thừa Thiên- Huế vô cùng khắc nghiệt, thế nhưng ngoại trừ duy nhất một con ngã bệnh (do bị côn trùng độc cắn), số còn lại đều khỏe mạnh và phát triển nhanh chóng. Bây giờ tổng đàn heo của họ đã lên tới 75 con, nâng tổng giá trị lên xấp xỉ 1 tỉ đồng.

Anh Nhân nhẩm tính: “Từ số vốn đầu tư ban đầu cộng với toàn bộ chi phí chăn nuôi, nhân công... đến nay tổng cộng chúng tôi đã bỏ ra khoảng 500 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ mới nuôi được 1 năm 4 tháng, chúng tôi đã có tổng đàn lên tới 75 con và hiện đang có 10 con heo nái. Lấy bình quân mỗi heo mẹ sinh 5 con/lứa, từ nay tới Tết, chúng tôi đã có tổng đàn hơn 125 con, sẽ thu được khoảng 400 triệu đồng. Như vậy, chưa đầy hai năm, chúng tôi đã thu gần đủ số tiền đầu tư”. Anh Nhân cho biết, trước đó, họ đã bán hai lứa heo rừng giống (20 con) cho người chăn nuôi ở địa phương, thu về được 86 triệu đồng. Và hiện một số siêu thị, nhà hàng ở Đà Nẵng đã đặt vấn đề muốn ký hợp đồng mua nguồn thịt rừng sạch này để bán, nhưng do quy mô còn hạn chế nên trang trại chưa thể đáp ứng nhu cầu thịt heo rừng cho khu vực.

Ông Trương Văn Bá, Trưởng phòng Định canh định cư, Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh hứa hẹn sẽ nhân rộng mô hình này cho người dân. Nếu dự án được triển khai ở mức hộ gia đình hay tổ hợp tác (khoảng 5-7 hộ/tổ) chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Theo anh Nhân, nếu dự án nuôi heo rừng thịt cho đồng bào miền núi tỉnh Thừa Thiên-Huế được triển khai, trang trại anh sẵn sàng cung cấp nguồn giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. 

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.