Đề thi tự luận nên ra nhiều phiên bản

04/01/2009 21:55 GMT+7

Hình thức thi trắc nghiệm với nhiều phiên bản khác nhau đã thể hiện rất nhiều ưu điểm vượt trội so với thi tự luận. Đặc biệt, thi trắc nghiệm đã gần như loại bỏ hầu hết các tiêu cực và gian lận trong thi cử mà đã một thời, những tệ nạn này từng làm mưa làm gió trong ngành giáo dục của nước ta.

Hơn 30 năm trực tiếp có mặt tại các phòng thi tuyển ở nhiều cấp học, đặc biệt là hơn 10 năm gần đây, tôi thấy rằng: mỗi lần tới các môn thi tự luận như: Lịch sử, Địa lý hay Toán thì hầu hết các giám thị nghiêm túc phải vất vả và căng thẳng mới ngăn chặn được một phần rất hạn chế các tiêu cực và gian lận. 

Tại sao đối với các môn chỉ cần học thuộc, suy luận ít, như: Lịch sử, Địa lý… ta lại tổ chức thi tự luận? Quan sát kỹ từng phòng thi các môn này ta thấy tài liệu mà các thí sinh thu nhỏ lại mang được vào phòng thi rất nhiều, giám thị rất khó ngăn chặn. Thậm chí có những giám thị ngại "va chạm" nên cứ lờ đi cho thí sinh tự do sao chép. 

Đối với môn Toán đòi hỏi phải suy luận nhiều ta tổ chức thi tự luận là hợp lý. Nhưng nếu chỉ một phiên bản đề thi tự luận thì áp lực lại đè lên các giám thị nghiêm túc trong các phòng thi lớn. Sau buổi thi môn Toán nhiều giám thị đã kiệt quệ về sức lực và tinh thần, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng. 

Mọi quy luật tự nhiên hay xã hội đều có tính "bù trừ" (cái này tăng thì cái kia sẽ giảm đi): Tăng số phiên bản đề thi (kể cả trắc nghiệm và tự luận) sẽ giảm tiêu cực và gian lận, giảm bớt áp lực cho giám thị nói riêng và công bằng trong thi cử nói chung. Vậy cái khó ở chỗ nào mà ta chưa làm được?

Có người ngại khó cho rằng: ra đề thi với nhiều phiên bản sẽ mất thời gian, khi chấm thi cũng khó khăn hơn so với ít phiên bản. Trong ngành giáo dục ta thường khiển trách học trò lười nhác, nhưng nếu ta thấy việc đó là khó thì chính thầy còn lười biếng hơn trò !

Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua tôi đã thử nghiệm rất hiệu quả việc ra đề kiểm tra tự luận môn Toán với 4 phiên bản đề khác nhau. Chỉ cần một nội dung đề gốc tôi tiến hành đổi số, đổi dấu, hoán đổi vị trí các điểm… sẽ có được nhiều phiên bản có cùng nội dung cách giải và cùng mức độ khó dễ, chỉ khác kết quả, nên rất dễ ra đề và rất dễ chấm. Khi chấm có thể tách riêng từng phiên bản, chấm xong phiên bản này mới chấm tiếp sang phiên bản khác (giống như chấm thi ĐH: chấm khối A, mới chấm đến khối B, khối D…). Nếu chấm tập thể thì có thể chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm chấm một phiên bản là tiện nhất. 

Chỉ cần 4 phiên bản đề thi tự luận, các thí sinh ngồi kề nhau, gần nhau không có nhiều cơ hội để sai phạm. 

Hiện nay không ít giáo viên chỉ ra đề tự luận với một phiên bản, cùng phiên bản đó giáo viên lại cho các lớp kiểm tra vào nhiều tiết, thậm chí nhiều buổi học khác nhau. Hậu quả: đề kiểm tra đã bị lộ, các lớp kiểm tra sau, học sinh chỉ cần chép sẵn ở nhà hoặc ở lớp, đến giờ kiểm tra những học sinh này chỉ cần ngồi chơi, viết, vẽ lung tung… hết giờ lấy bài chép sẵn ra nộp cho thầy, nên điểm tổng kết rất cao mà kiến thức thì không có gì.

Mong rằng ý nguyện trên có thể trở thành hiện thực, góp phần nhỏ bé vào thành công chung của cuộc vận động "hai không" trong ngành giáo dục. 

T.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.