Tứ đại đồng đường

21/01/2009 23:02 GMT+7

Ngay sát chân cầu Chàng nối hai bờ sông Cửu An thuộc xã Quan Hưng (H.Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có một đại gia đình gồm 4 thế hệ với 55 nhân khẩu ngày ngày vẫn thổi cơm ăn chung.

Người nắm giữ “quyền lực tối cao” trong đại gia đình này là ông Trần Minh Chuật, năm nay vừa tròn 52 tuổi. Ông Chuật cùng vợ là bà Đặng Thị Huệ và con cháu ở trong ngôi nhà cổ 3 gian, được cách tân phần hiên nhưng vẫn giữ nguyên vì kèo, 16 chiếc cột cùng nhiều bức hoành phi, câu đối đã nhuốm màu thời gian. Tiểu gia đình của 8 người em ruột và mấy đứa cháu ông Chuật sống trong ngôi nhà cao tầng sát cạnh ngôi nhà cổ và 4 căn nhà 2 tầng giống hệt nhau xây thành dãy.

Đại gia đình

Kho lương thực, khu bếp, nhà ăn trong khuôn viên ngôi nhà cổ được sử dụng làm nơi tích trữ lúa gạo, nấu nướng, ăn uống cho tất cả mọi người. Từ mấy chục năm nay, mặc cho bao sự đổi thay đang diễn ra hằng ngày, gia đình tứ đại đồng đường này vẫn tiêu chung một túi tiền, ăn chung một nồi cơm.

 

Mỗi ngày đại gia đình này ăn hết trên 10 kg gạo - Ảnh: B.T

Ông Chuật cho biết: “Chúng tôi có 2 xưởng mộc, 1 xưởng đóng tàu, 5 xe tải và ô tô con làm dịch vụ, gieo cấy tổng cộng 11,7 mẫu đất. Mọi người đều có phần việc riêng phù hợp với bản thân, ngày ngày đi cấy cày, lái xe, làm mộc... nhưng không chấm công và không lĩnh lương tháng. Toàn bộ số tiền, lúa và hoa màu thu được từ các nguồn này đều rót về một túi, thuộc sở hữu chung, do tôi nắm giữ”. Ông Chuật chỉ chi tiền vào những công to việc lớn như cất nhà cho anh em, con cháu, đầu tư sản xuất kinh doanh... còn lại chuyện chợ búa, bếp núc, lo học hành, quần áo... của mọi người do một tay bà Huệ thu xếp theo nguyên tắc đảm bảo sự công bằng. “Nhà tôi có ti vi, xe máy thì nhà các chú, các cô cũng phải có đủ những thứ ấy. Bọn trẻ thì tùy theo cấp học mà được chu cấp số tiền khác nhau, cụ thể: cấp 1 nhận mức 6 - 7 trăm ngàn, cấp 2 và cấp 3: 1 triệu đồng, đại học: 2 triệu đồng mỗi tháng. Quần áo may đo theo hạn mức đã quy định...” - bà Huệ bật mí.

Lạ một điều, chưa bao giờ ông Chuật họp đại gia đình để công bố công khai số tiền cả nhà kiếm được nhưng chưa hề có bất kỳ một lời ra tiếng vào liên quan đến chuyện tiền nong. Đem điều này hỏi ông Trần Minh Khoa, người em út của ông Chuật, tôi nhận được câu trả lời: “Bác cả thay cha quán xuyến mọi công to việc nhỏ, lo cho anh em con cháu đủ đầy. Túi tiền cả nhà tiêu chung, bác giữ của nhưng không tư lợi nên chúng tôi tin tưởng tuyệt đối. Thi thoảng bác Chuật cũng đem sổ sách ra định liệt kê các khoản chi tiêu nhưng anh em chúng tôi đều gạt đi”.

Bữa cơm của đại gia đình ông Chuật cũng rất đặc biệt. Hằng ngày, cứ đến trưa, chiều tối là cụ Nguyễn Thị Ừ (mẹ ông Chuật), các con, cháu chắt lại về nhà ăn nằm phía trước ngôi nhà cổ để dùng bữa. Đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn, ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau.

“Ông bà, cha mẹ như cái gốc, con cháu như cái cành. Gốc có vững, cành lá mới xanh”. Nghe ông nhắc nhở tôi thấy mình quá ích kỷ và tự hứa phải chung tay, góp sức cùng với anh em nhà chồng vươn tới một cuộc sống đủ đầy hơn.

Đặng Thị Huệ, dâu trưởng của đại gia đình

Sáng 20.1, khi tôi đến thăm, “nội tướng” Đặng Thị Huệ cùng cô em dâu vừa đi chợ về đến đầu ngõ, tay xách nách mang tới hai chục bó rau cải, 5 - 6 kg thịt lợn, 1 rổ cá... “Giá cả dạo này đắt đỏ quá chú ơi. Mỗi ngày tiền cơm nước cũng mất đứt trên dưới 1,5 triệu đồng rồi” – bà Huệ nhanh nhảu. Tại xưởng mộc sát bên nhà, trên chục người đang hí húi đục, cưa, bào. Ông Chuật đứng quán xuyến mọi việc. Tầm 9 giờ 30, cháu gái Trần Thị Thu Hiền (con của người em thứ 4 trong gia đình) chạy đến khu nhà bếp phụ các cô nhặt rau, vo gạo... Lát sau, trên bếp lửa hồng, 2 chiếc nồi kho cá và kho thịt to tướng bốc khói nghi ngút. 

11 giờ 45, tiếng chân người lê dép lẹp kẹp, tiếng xe máy nổ phịch phịch ngoài khoảng sân rộng đang trưng một “rừng” cây cảnh đủ loại. Từng tốp, từng tốp người bước vào nhà ăn. 6 người làm thành một mâm.

Nếp nhà

“Ăn cơm một nồi, tiêu tiền một túi” được ông Trần Minh Thảo (bố ông Chuật) lúc sinh thời gây dựng thành nếp nhà và dày công gìn giữ, vun đắp trong suốt cuộc đời. Ông Chuật nhớ lại: “Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ làm lụng quần quật, thậm chí ngửa tay nhận đồ cứu tế nhưng vẫn không kiếm đủ cái ăn cho 9 đứa con. Để thoát kiếp nghèo, cả nhà đã phải xoay đủ nghề từ mượn đất chân mạ của dân làng tiến hành cuốc cày, hốt phân trâu bò ủ để trồng rau, bí; mua lưới mành về dầm mình xuống sông bắt cá; trồng sen để “cân” hạt sen cho “ngoại thương” nhận về mì chính, đường và phân bón bán lại cho dân làng ăn chênh lệch; buôn tre đến làm thợ xây, thợ mộc, đúc gạch... Suốt quá trình đó, ông cụ luôn tâm niệm, sức mạnh tổng lực của tất cả thành viên trong gia đình cùng nỗ lực miệt mài lao động mới đem lại cơm no, áo ấm. Vì thế, sau này các con khôn lớn, lấy vợ sinh con, ông đều vận động họ không ra riêng, sống quây quần bên nhau, cùng có chung một túi tiền, cùng ăn chung một nồi cơm”.

 

Ông Trần Minh Chuật - Ảnh: B.T

Tuy nhiên, theo bà Huệ, có lúc trong nhà cũng có người và ngay cả bản thân bà cũng muốn ra riêng, nhưng ông Thảo vẫn răn dạy con cháu giữ lấy nếp nhà. Bà Huệ nhớ lại: “Năm 1976, tôi có ý xin tách hộ ra ở riêng. Biết chuyện, trong bữa ăn tối, bố chồng tôi cầm cả nắm đũa lấy hết sức bình sinh để bẻ nhưng ông không thể làm gãy một cái đũa nào, rồi ông bỏ nắm đũa xuống mâm, nhặt từng cái một và bẻ gãy rất dễ dàng. Tối ấy, ông cho gọi riêng tôi đến và nói: Ông bà, cha mẹ như cái gốc, con cháu như cái cành. Gốc có vững, cành lá mới xanh. Nghe ông nhắc nhở tôi thấy mình quá ích kỷ và tự hứa phải chung tay, góp sức cùng với anh em nhà chồng vươn tới một cuộc sống đủ đầy hơn”. Cũng từ đó, lần lượt những đứa em của ông Chuật xây dựng gia đình, mỗi người đều được lo cho một mái nhà nhưng tuyệt nhiên không ai tính chuyện ra riêng.

Ông Chuật tâm sự: “Tách chén còn có lúc va nhau sứt vòi, mẻ quai huống chi là con người. Nhà có 4 thế hệ với mấy chục con người, già - trẻ - trai - gái có cả, mỗi người một tính, mỗi thế hệ có quan niệm sống riêng nên đôi lúc cũng xảy ra chuyện này chuyện nọ, thậm chí là to tiếng với nhau. Những lúc ấy, tôi phải đảm nhiệm vai trò của một người cầm còi, tìm hiểu rõ ngọn ngành rồi đưa ra phán quyết cuối cùng. Được cái, tất cả đều răm rắp nghe theo; mấy đứa em, các con, các cháu đều sống chan hòa, yêu thương nhau nên chín bỏ làm mười, chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”. Nhờ thế, đại gia đình ông Chuật vẫn giữ được trong ấm ngoài êm, vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen “Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc”.

Giờ thì đại gia đình của ông Chuật đã rất nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam khi mà một số đài truyền hình nước ngoài đã làm phim và phát sóng về giới thiệu với đông đảo khán giả về sự thuận hòa hiếm thấy cộng với cách tổ chức sinh hoạt độc đáo ở gia đình tứ đại đồng đường này.

Món ăn hạnh phúc

Bữa tiệc tất niên, thường mẹ hầm một nồi bông actisô. Món bông actisô hầm giò heo là món ăn cao cấp nhưng rất dễ nấu: chẻ tư bông actisô, bỏ nhụy cứng, cắt ngắn cành hoa, hầm nửa giờ rồi đổ giò vào (giò đã được nấu sơ với chút đường, muối, hành tím và hớt bọt cho trong), hầm thêm nửa giờ nữa, nêm chút xíu bột ngọt là xong. Khi ăn chỉ cần gỡ từng bẹ hoa, nhấm nháp hết phần bột mềm và nhai kỹ phần còn lại như ăn mía. Phần nước canh và giò có thể ăn cùng cơm hoặc bún.

Đơn giản vậy thôi mà mẹ lại gọi đây là "món ăn hạnh phúc". Tôi thường tròn xoe mắt gật gù, nhưng chỉ đến khi thật trưởng thành tôi mới hiểu hết những lý giải của mẹ. Có lẽ chẳng loài hoa nào phải nấu lâu như bông actisô, để chất bổ dưỡng tiết ra dần dần từ hoa và thịt quyện vào nhau. Hạnh phúc cũng vậy, phải được chắt chiu dài lâu mới ngọt ngào đằm thắm. Khi nấu đã không thể vội vàng, khi ăn càng không thể hấp tấp. Cũng chẳng mấy ai ăn actisô một mình, vì sẽ phải sẻ chia những tiếng xuýt xoa chắc chắn sẽ bật lên khi càng ăn càng thấy ngon, cảm nhận từ vị đăng đắng nhần nhận thoáng qua lúc đầu đến dư vị ngọt bùi độc đáo dài lâu nơi cuống họng, mà bất giác nhớ rằng: có trải qua đắng cay mới thấm thía sâu sắc những ngọt bùi của cuộc sống.

Một ngày cuối năm, quây quần về bên cha mẹ trong buổi trưa gió se se lạnh mà nắng lại rất vàng, tôi thỏ thẻ: "Con đi xa, nhớ nhất vẫn là món ăn hạnh phúc này của mẹ đó!". Mẹ cười: "Thực ra, món ăn nào cũng là món ăn hạnh phúc cả, khi chúng ta biết vui vẻ làm và thưởng thức bằng cả tấm lòng bên nhau"!

Diệp Thu Hải

Phóng sự của Bùi Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.