“Nghe” bắn pháo hoa

29/03/2009 00:45 GMT+7

Tan cuộc thi bắn pháo hoa đêm thứ nhất, trong lúc chờ dòng người đông hơn một trận đấu bóng đá có đội tuyển quốc gia Việt Nam tản về, tôi chợt để ý một đoàn trẻ em đi trên phố theo kiểu “rồng rắn”: em đi sau bám vào vai em đi trước thành một chuỗi.

Các em đi rất nhẹ nhàng hòa giữa dòng người đông đúc, luôn giữ một cự ly và cách đi bộ mà “người sau dẫm lên vết chân người trước”. Đó là các em học sinh khiếm thị của một trường khiếm thị Đà Nẵng. Các em được cô giáo dẫn đi “nghe” bắn pháo hoa. Dĩ nhiên không chỉ nghe tiếng nổ từ các loạt bắn, tiếng lép bép của pháo hoa khi tung “hoa cà hoa cải” giữa trời đêm. Các em còn chủ ý lắng nghe phần âm nhạc trong mỗi bài thi của các đội. Phần âm nhạc ấy với các em khiếm thị chính là “âm thanh của pháo hoa”. Nó không chỉ diễn tả vẻ rực rỡ nhiều màu của pháo hoa, những phối màu ngoạn mục của từng loạt bắn pháo hoa, mà có thể nghe qua âm nhạc những “giai điệu của pháo hoa” những màu âm liên tục thay đổi và lung linh. Nói các em khiếm thị “nghe” pháo hoa là như vậy! Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế “m vang sông Hàn” năm nay bất ngờ có được, phục vụ được những vị khách đặc biệt như các em bé khiếm thị, theo tôi, đó là một trong những thành công lớn nhất của những nhà tổ chức. Và khi nhìn vẻ mặt hân hoan của các em học sinh khiếm thị, tôi hiểu các em đã “nghe” được những gì từ đêm bắn pháo hoa này. Đó chính là niềm vui, sự an bình và hân hoan của một thành phố, của mỗi cư dân thành phố, không kể họ tập trung về hai bên bờ sông Hàn này để “xem” hay “nghe” pháo hoa.

Và phải nói thêm, thành công của mỗi màn trình diễn pháo hoa cũng tùy thuộc rất nhiều vào âm nhạc dẫn nhịp và làm nền. Mỗi đội thi đều chọn từ kho âm nhạc dân tộc và hiện đại của mình những hòa âm đặc sắc để không chỉ những màu sắc của pháo hoa bung nở trên bầu trời, mà những âm thanh đẹp, những giai điệu quyến rũ, sức thu hút của những dòng âm thanh cũng khiến dòng sông Hàn như đầy lên vì âm nhạc, trôi chảy như âm nhạc. Tôi chắc sau một bữa tiệc âm thanh phong phú và đầy màu sắc như thế, các em bé khiếm thị của chúng ta đã thực sự nhìn ngắm những-bầu-trời-pháo-hoa, bầu trời của ước mơ và tưởng tượng, của khát vọng vượt lên trên những mất mát thiệt thòi để vui chơi, vui học và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời. Dù cuộc đời không phải lúc nào cũng là pháo hoa, nhưng “pháo hoa cũng là một phần tất yếu của cuộc sống”.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.