Tôi đã gặp vị bác sĩ này tại Việt Nam và cuối năm ngoái, trong chuyến đi Mỹ do một trường Anh ngữ quốc tế mời, tôi lại gặp ông ở Trung tâm Y khoa Orange Coast Memorial Medical tại California do ông sáng lập. Tại đây, vị bác sĩ đã kể cho tôi những công việc thú vị của mình. Đặc biệt, tôi đã tận mắt chứng kiến phương pháp chữa bệnh qua webcam kết nối toàn cầu mà bác sĩ Việt kiều này đang thực hiện.
Thông qua webcam, bác sĩ Daniel Trương chẩn bệnh và điều trị khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân parkinson với chi phí rất thấp
|
|
Với gia đình tôi, bác sĩ Daniel Dũng Trương là một ân nhân. Tôi dùng cụm từ “người – cứu – giúp” có lẽ chính xác hơn. Chính ông đã chữa bệnh cho cha tôi từ một bệnh nhân parkinson rất nặng, không thể tự ăn uống, tắm rửa… và cũng đã điều trị nhiều nơi mà bệnh vẫn không thuyên giảm được phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn. Điều cảm động là khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, ông đã khám bệnh rồi dùng thuốc cho cha tôi mà không lấy một đồng nào. Phương pháp khám chữa bệnh cho cha tôi của bác sĩ rất độc đáo. Trừ một lần duy nhất là gặp trực tiếp cha tôi tại Việt Nam, còn những lần sau này, bác sĩ đều chẩn bệnh qua những đoạn phim ngắn mà tôi tự quay về cha tôi rồi gửi qua mạng để bác sĩ nghiên cứu...
Chữa bệnh qua webcam
Các tạp chí Y khoa ở Mỹ đã đăng nhiều bài viết về phương pháp chữa bệnh rất đặc biệt này của bác sĩ Trương. Những bệnh nhân parkinson của ông khắp toàn cầu chỉ cần ngồi trước máy tính, mở webcam để vị bác sĩ tham vấn, chẩn bệnh và chọn phác đồ điều trị. Hiện nay, phương pháp này đã được ông áp dụng cho bệnh nhân ở Mông Cổ và Việt Nam. Ngoài cha tôi, bệnh nhân điển hình tại Việt Nam là đạo diễn lão thành 77 tuổi, cụ Thanh An ở Hà Nội. BS Trương cho tôi biết, trong thời gian qua ông đã áp dụng phương pháp chữa bệnh qua webcam cho cụ An và bệnh tình cụ đã thuyên giảm rất nhiều. Nửa đêm bác sĩ Trương còn dán mắt vào màn hình để nhìn hình ảnh của cụ An truyền qua mạng. Bác sĩ bảo cụ ngọ nguậy ngón tay và nhờ cậu con trai đỡ dậy từ đằng sau. BS Trương giải thích “Nếu khi thực hiện những thao tác theo chỉ dẫn này mà bệnh nhân bị ngã tức tình trạng bệnh không ổn”. Cụ An loạng choạng nhưng không té. Sau khi quan sát cụ An trên màn hình máy tính BS Trương nhận định “Cụ không sao”.
Bác sĩ Daniel Dũng Trương -Tốt nghiệp ngành thần kinh học tại trường Đại học South Carolina và tốt nghiệp đại học Y khoa ở Đức |
Nếu chỉ trò chuyện qua điện thoại, trao đổi dưới dạng chat, dẫu có kèm hình ảnh tĩnh đi nữa, một thầy thuốc cũng không thể thấy bệnh nhân mình cử động, đó chính là điểm thiếu sót. BS Trương phân tích thêm: “Với các bệnh nhân parkinson, cử động là một yếu tố then chốt. Khi có ai kể cho tôi nghe là họ đang run rẩy hay loạng choạng tôi vẫn muốn nhìn thấy chính xác hình ảnh họ đang kể. Mà muốn thực hiện điều đó chỉ có thể nhờ thiết bị thu chuyển hình ảnh qua công cụ webcam”. Nhờ phương thức giao tiếp này BS Trương đã thuyết phục được cụ An dùng thuốc mà trước đây cụ đã ngưng uống vì bị phản ứng phụ. Hai năm trước cụ không thể lê gót bước đi mà phải nhờ vào xe lăn. Thế mà chỉ nhờ quá trình điều trị bằng tham vấn qua webcam, BS Trương không những đã làm cho cụ chịu uống thuốc mà còn có thể theo dõi được các phản ứng phụ cũng như nắm được từng bước tiến triển của con bệnh. Bác sĩ Trương phấn chấn kể: “Cụ An vừa cười vừa nói rằng, cả nhà tôi cứ cằn nhằn là tôi đã bắt đầu sưu tập quá nhiều loại hoa, chứng tỏ bây giờ càng ngày tôi càng thấy khá hơn”.
Bác sĩ Trương (trái) đang kiểm tra các cử động của một bệnh nhân |
Theo BS Trương chuyện ông lần đầu khám phá ra những lợi thế của kỹ thuật webcam hoàn toàn ngẫu nhiên. Khoảng hai năm trước, lúc đang ở Tây Ban Nha thì ông được mời tham vấn chữa bệnh cho một nhà làm phim ở Việt Nam. Ông nói: “Nhà làm phim nổi tiếng ấy cho biết muốn thực hiện trao đổi bằng kỹ thuật video hội nghị. Thế là tôi ra cửa hàng tìm mua một webcam loại rẻ gắn vào laptop mang theo ngay trong phòng khách sạn. Thiết bị hoạt động tốt. Từ đó đến nay tôi cứ vậy mà dùng.”
Môt bệnh nhân khác ở thành phố Hồ chí Minh cho tôi biết, cũng nhờ bác sĩ Trương mà anh ta như được tái sinh. Anh không cho tôi đưa tên lên bài viết này vì anh đang là giám đốc của một công ty mà theo anh "nếu biết được tiền sử bệnh parkinson của tôi thì không tốt cho công việc". Anh nói thêm: “Chẳng bao giờ tôi có thể nghĩ một thiết bị nhỏ nhắn giản đơn như thế lại có lợi và tạo ra sự khác biệt to lớn đến vậy. Tôi cảm giác như có bác sĩ ngay cạnh bên mình”.
Vị cứu tinh của nhiều người
Không chỉ riêng việc áp dụng webcam để chữa bệnh parkinson, bác sĩ Trương còn điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn cử động trên khắp nước Mỹ và một số quốc gia khác. Ông đã mang lại giọng nói bình thường cho nhiều phát thanh viên, diễn viên tại Mỹ khi họ mắc chứng bệnh này. Đã có hơn 20.000 người trên thế giới là bệnh nhân của vị bác sĩ gốc Việt này. Trong đó có những người rất nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh, chính khách. Khâm phục tài năng và đức độ của ông có một bệnh nhân đã sẵn sàng tặng ông 1 triệu USD hoặc Giám đốc nhân sự của cựu Tổng thống Bill Clinton khi Bill Clinton còn là Thống đốc bang Arkansas thì đề nghị tặng bộ óc sau khi qua đời để bác sĩ Daniel Dũng Trương dùng trong nghiên cứu. Trong các bài báo tiếng Anh viết về người bác sĩ biết làm phép lạ này đã ghi lại những câu chuyện hết sức xúc động. Deadmond là một bệnh nhân điển hình. Một hôm cô thức dậy và cứ ngỡ rằng mình bị viêm thanh quản. Ai ngờ chứng bệnh kéo dài suốt 7 năm và ngày càng trầm trọng hơn. Khi đến phòng mạch bác sĩ Trương, cô Deadmon thổ lộ: “Ông ấy là hy vọng cuối cùng”. Và đúng là như vậy, bác sĩ Trương đã chữa khỏi cho cô gái. Susan Becraft, một bệnh nhân khác của bác sĩ, nói: “Đối với chúng tôi, ông ấy là một siêu anh hùng”. Bác sĩ Trương đã chữa lành cho Becraft chứng cứng cơ đòn gánh, một rối loạn vận động ở cổ. Còn Barbara Rood nhờ bác sĩ Trương mà sau hai năm đã lấy được giọng nói đã mất, phát biểu: “Tôi tưởng tượng như mình trồi lên từ đêm đen, như người mù được sáng mắt”.
Nổi tiếng khắp thế giới và được đồng nghiệp nghiêng mình kính nể, nhưng ở nước Mỹ xa xôi, vị bác sĩ tài hoa này vẫn đau đáu hướng về cội nguồn. Nhiều bệnh nhân người Việt có hoàn cảnh khó khăn được ông tặng thuốc để chữa trị mặc dù có những loại thuốc rất đắt. Ông đang ôm ấp một dự định là xây dựng một bệnh viện thần kinh hiện đại tại Việt Nam để chữa trị cho đồng bào của mình. Sát cánh bên bác sĩ là người vợ giỏi giang hiện đang là giám đốc một đài truyền hình tại Mỹ kiêm thành viên ban giám sát ở Trung tâm Orange Coast Memorial Medical. Bà thường xuyên vận động phụ nữ Việt kiều tham gia vào xã hội. Bên cạnh đó, bà cũng giúp họ duy trì mối liên hệ với cội nguồn đất Việt. Họ cùng sống, làm việc và giúp người khác bằng sự tài hoa và tinh thần nhân bản. Các bệnh nhân có thể liên hệ với bác sĩ theo e-mail: dtruongpmdi@yahoo.com.
Quang Viên - Trung Nghĩa
Bình luận (0)