Honduras chìm trong xung đột quyền lực

30/06/2009 00:01 GMT+7

Honduras đang bị giằng xé giữa một tổng thống được quốc tế công nhận dù đã bị lật đổ và một tổng thống khác được quốc hội, tòa án và quân đội nước này hậu thuẫn.

Hành động lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya hôm 28.6 là đỉnh điểm của những căng thẳng xung quanh kế hoạch sửa đổi hiến pháp tại đất nước Honduras ở eo đất Trung Mỹ. Theo hãng tin BBC, ông Zelaya, người nắm quyền kể từ năm 2006, muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm cho phép các tổng thống giữ chức vụ thêm một nhiệm kỳ, thay vì chỉ một nhiệm kỳ kéo dài 4 năm như quy định của hiến pháp hiện hành. Nhiệm kỳ của ông Zelaya sẽ kết thúc vào ngày 27.1.2010 và cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra vào ngày 29.11.2009. Ông Zelaya muốn tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Cả quốc hội lẫn tòa án đều phản đối kế hoạch trưng cầu dân ý của ông Zelaya. Căng thẳng xung quanh vấn đề này không ngừng gia tăng trong vài ngày qua, và quân đội từ chối hỗ trợ công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu. Vào sáng sớm 28.6, ngay trước cuộc trưng cầu, binh lính đã bắt giữ Tổng thống Zelaya tại tư dinh ở thủ đô Tegucigalpa và đưa ông sang Costa Rica bằng máy bay quân sự. Hãng tin AFP dẫn lời một cựu quan chức chính phủ cho biết ít nhất 8 thành viên nội các của ông Zelaya cũng bị bắt giữ, trong đó có Ngoại trưởng Patricia Rodas. Chỉ vài giờ sau khi ông Zelaya bị lật đổ, Quốc hội Honduras đã bỏ phiếu chấp nhận cái mà họ cho là thư từ chức của ông Zelaya, và bầu Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti làm tổng thống lâm thời để hoàn tất nhiệm kỳ của ông Zelaya. Ông Micheletti thuộc đảng Tự do của ông Zelaya nhưng phản đối kế hoạch trưng cầu dân ý.

Ngay sau khi được bầu, nhà lãnh đạo mới của Honduras đã ban bố lệnh giới nghiêm trong vòng 48 giờ bắt đầu từ khuya 28.6. Ông Micheletti cũng phủ nhận có cuộc đảo chính lật đổ ông Zelaya, khẳng định ông Zelaya đã bị phế truất "đúng trình tự pháp luật". Theo hãng tin AFP, Tòa án Tối cao Honduras hôm 28.6 cho biết đã ra lệnh cho quân đội nước này lật đổ ông Zelaya nhằm bảo vệ luật pháp và trật tự tại quốc gia có khoảng 7 triệu dân này. Ông Micheletti cũng đe dọa sẽ bắt giam ông Zelaya và đem ra xét xử nếu ông này trở về, đồng thời phản đối bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài.

Về phần mình, khi đến Costa Rica, ông Zelaya tuyên bố vẫn là tổng thống hợp pháp của Honduras. Sau đó, khi đến Nicaragua để tham dự hội nghị khẩn cấp của Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), ông Zelaya khẳng định sẽ trở về Honduras để "giành lại chức vụ". Ông kêu gọi những người ủng hộ tại Honduras phản kháng hòa bình. Ngay sau khi có tin ông Zelaya bị lật đổ, những người ủng hộ ông đã dựng chướng ngại vật ở trung tâm thủ đô Tegucipalga và chặn đường vào dinh tổng thống.

Việc phế truất ông Zelaya ở Honduras đã vấp phải sự phản đối tại khu vực Mỹ La-tinh và toàn thế giới. Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) hôm 28.6 đã ra nghị quyết yêu cầu đưa tổng thống hợp hiến Zelaya về nước "ngay lập tức, an toàn và vô điều kiện". TTK LHQ Ban Ki-moon ra tuyên bố bày tỏ mong muốn ông Zelaya sẽ được phục chức. Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Honduras "tôn trọng quy định pháp luật " và một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington công nhận ông Zelaya là tổng thống dân cử hợp pháp. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, một đồng minh của ông Zelaya, thì đe dọa hành động quân sự nếu Đại sứ Venezuela tại Honduras bị tấn công.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.