Đường về gian nan của ông Zelaya

14/07/2009 00:16 GMT+7

Dù được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn, nhưng Tổng thống bị lật đổ của Honduras Manuel Zelaya xem ra khó có thể trở lại cầm quyền.

Đảo chính hay thực thi quyền lực hiến định?

Cho đến nay, thế giới vẫn lên án vụ lật đổ ông Zelaya, coi đó là một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu. Cách đây 2 tuần, vào sáng 28.6, dân chúng Honduras thức dậy mới biết nước mình có 2 nguyên thủ. Một vị - ông Zelaya - bị quân đội xâm nhập vào Dinh Tổng thống lúc tinh mơ, bắt đưa tới một căn cứ quân sự và ép lên máy bay sang Costa Rica bắt đầu cuộc sống lưu vong. Vị kia là Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti được các vị dân cử bầu làm tổng thống lâm thời.

Là một nước nghèo ở Trung Mỹ và từng trải qua nhiều thập niên bị cai trị bởi chính quyền quân sự, Honduras nay đã có một cơ chế chính trị khá hoàn chỉnh với “tam quyền phân lập” phân định rõ ràng trong Hiến pháp. Điều đáng nói là khi soạn thảo bản hiến pháp hiện hành, các nhà làm luật Honduras đã cố đưa vào điều khoản cơ bản, vốn quyết định là Hiến pháp có thể được điều chỉnh, bổ sung, với 2/3 nghị sĩ Quốc hội đồng thuận trong 2 khóa họp liên tiếp. Tuy nhiên, có một số vấn đề hết sức quan trọng đối với Honduras và được quy định chặt chẽ là không thể sửa đổi, không được đụng chạm tới. Đó là biên giới quốc gia, và việc quy định Tổng thống chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ 4 năm và duy nhất một nhiệm kỳ mà thôi. Ngoài ra, có một điều khoản đặc biệt là bất cứ vị tổng thống nào tìm cách tái ứng cử sẽ bị ngưng chức tức khắc, và những ai vi phạm quy định chuyển giao quyền lực sẽ bị kết tội bội phản.

Vào đầu năm nay, ông Zelaya ra lệnh cho tổ chức trưng cầu dân ý để xem có nên triệu tập một hội nghị lập hiến để viết lại hiến pháp hay không. Vì chỉ có cách đó mới có thể sửa đổi những điều khoản hạn chế nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, việc này chỉ được tiến hành khi có 2/3 nghị sĩ ủng hộ, nhưng Quốc hội đã bác bỏ, cho đó là hành động vi hiến. Theo đúng trình tự, Bộ Tư pháp đã đề nghị và Tối cao Pháp viện ra phán quyết không cho tổ chức trưng cầu dân ý. Thế nhưng, Tổng thống Zelaya lại có bộ phận tham mưu, tư vấn cho ông để đổi danh từ “trưng cầu dân ý” (referendum) thành một cuộc “thăm dò ý kiến” (opinion survey). Song Tối cao Pháp viện cũng bác bỏ. Đến đây, ông Zelaya bèn ra lệnh cho Tổng tham mưu trưởng quân đội Romeo Vasquez cứ cho tiến hành trưng cầu dân ý. Tướng Vasquez sau khi hội ý các tướng tư lệnh đã từ chối, thế là Tổng thống Zelaya cách chức tất cả các tướng, và luôn cả Bộ trưởng Quốc phòng. Khi Tối cao Pháp viện yêu cầu phục chức cho tướng Vasquez, ông Zelaya đã từ chối. Hậu quả là quân đội dưới quyền điều hành của tướng Vasquez vào sáng sớm 28.6 đã tấn công tư dinh và bắt ông Zelaya như đã xảy ra theo án lệnh của Tòa án Tối cao.

Hiến pháp Honduras đã quy định rõ “nhiệm kỳ tổng thống” là điều không được thay đổi. Thế nên khi ông Zelaya cho tiến hành trưng cầu dân ý thì cả Quốc hội, Tối cao Pháp viện, quân đội và Bộ trưởng Tư pháp đều xem hành động này là vi hiến và có quyền phế truất ông. Có điều, nếu ông Zelaya vẫn bị giữ ở thủ đô Tegucigalpa, rồi bị đưa ra luận tội trước Quốc hội thì mọi sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế có lẽ sẽ giảm đi rất nhiều.

Kế hoãn binh của chính quyền lâm thời

Ban đầu, ngay sau khi có tin ông Zelaya bị lật đổ, lãnh đạo các nước láng giềng mạnh mẽ lên tiếng, nhất là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, thậm chí ông này còn nói bóng gió việc đưa quân đội hậu thuẫn ông Zelaya trở lại cầm quyền. Sau đó, có tin Nicaragua động binh tiến gần biên giới Honduras, nhưng tất cả chỉ là những động thái gây áp lực. Đại hội đồng LHQ ngày 30.6, rồi Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) ngày 1.7 đều lên án hành động lật đổ ông Zelaya và yêu cầu phục chức ngay lập tức và vô điều kiện cho ông. Đặc biệt, OAS còn ra “tối hậu thư” rằng trong 72 tiếng đồng hồ nếu không chấm dứt cuộc khủng hoảng thì sẽ ngưng tư cách thành viên OAS của Honduras.

Sau phiên họp của Đại hội đồng LHQ, nhiều lãnh đạo đã hăm hở tuyên bố sẽ cùng ông Zelaya trở về Honduras, trong đó có các tổng thống của Argentina và Ecuador, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và Tổng thư ký OAS. Về phía chính phủ lâm thời Honduras, ông Micheletti cảnh cáo rằng cách duy nhất mà Tổng thống bị lật đổ Zelaya có thể trở về là theo chân một đạo quân xâm lăng. Tuyên bố của ông Michelleti được xem là một thách thức của chính phủ lâm thời Honduras đối với cộng đồng quốc tế, và làm chùn chân một số nguyên thủ. Tân chính phủ Honduras đã tuyên bố sẽ bắt ông Zelaya ngay khi ông trở về. Ông Zelaya bị cáo buộc 18 tội danh hình sự, kể cả tội phản quốc và không thi hành hơn 80 đạo luật đã được Quốc hội thông qua kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2006.

Vào chiều 5.7, chuyến bay từ Venezuela đưa ông Zelaya trở về Honduras phải đổi hướng bay đi El Salvador. Quân đội Honduras đã cho quân xa sắp hàng đậu kín phi trường và bật đèn sáng trưng, khiến phi cơ chở ông Zelaya không thể hạ cánh. Cuộc “hồi hương” của ông Zelaya xem như thất bại, và OAS đã có một nỗ lực khác, đó là vận động Tổng thống Costa Rica Oscar Arias đứng ra làm trung gian hòa giải. Tuy nhiên, ông Arias, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1987, cũng chỉ mới gặp riêng rẽ hai ông Micheletti và Zelaya vào tuần qua, và tiếp theo đó là các cuộc đàm phán giữa phái đoàn hai bên mà không có 2 vị thủ lĩnh. Ông Micheletti về nước, còn ông Zelaya đang đi vận động các nước Mỹ La-tinh.

Các nước đã gia tăng sức ép lên chính quyền Honduras. Mỹ ngưng khoản viện trợ quân sự 16,5 triệu USD cho Honduras. Venezuela cũng quyết định ngưng cấp dầu thô cho Honduras. Honduras đã bị OAS đình chỉ tư cách thành viên, có nghĩa là Honduras sẽ phải đối diện với các lệnh trừng phạt về mậu dịch.

Một điểm đáng chú ý nữa là tiếng nói của Giáo hội La Mã mà đại diện là Đức Hồng y Oscar Rodriguez, một nhân vật có ảnh hưởng lớn tại Honduras. Hồng y Rodriguez nhận xét rằng, tiến trình dân chủ ở Honduras vẫn được thực thi đầy đủ theo đúng pháp luật, và việc ông Zelaya trở về vào thời điểm hiện nay có thể gây nên một cuộc tắm máu cho đất nước. Chưa kể việc Tổng thống Venezuela cáo buộc Mỹ đứng sau vụ lật đổ ông Zelaya để làm suy yếu lực lượng cánh tả ở Mỹ La-tinh, dù cá nhân ông Obama đã nhanh chóng lên án hành động của quân đội Honduras. Thế nên, tuy đến nay chưa quốc gia nào công nhận chính phủ lâm thời của ông Micheletti, nhưng xem ra, việc đưa ông Zelaya trở lại nắm quyền khó có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chính phủ ông Micheletti dùng bàn thương thuyết như là kế hoãn binh, kéo dài đàm phán cho đến kỳ bầu cử vào tháng 11 tới, khi cử tri Honduras bầu ra một tân tổng thống.

Tuyết Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.