Với khoảng hơn 200 ngàn thí sinh năm tới sẽ mang danh hiệu sinh viên, cả xã hội xin được chia vui. Mừng vì các em có thể tiếp tục con đường học tập chính quy một cách liên tục, sớm đem tuổi trẻ và tài năng cống hiến cho đời và sống hạnh phúc. Song vẫn còn những nỗi lo, không chỉ về chuyện cơm áo gạo tiền, chỗ ở, chất lượng giảng dạy mà là lo về tinh thần quyết chí đi đến mục tiêu của các em.
Trong số những tân sinh viên ấy, liệu có bao nhiêu phần trăm là vào đúng ngành mình chủ ý chọn, bao nhiêu phần trăm sẽ đành phải chọn ngành/trường mình chọn “hờ” ở nguyện vọng 2, 3 nên trúng tuyển mà không muốn gắn bó? Rồi trong số được vào ngành theo đúng nguyện vọng 1, bao nhiêu phần trăm là chọn đúng ngành phù hợp với sở thích, năng lực của mình để rồi có thể phát triển, sớm thành đạt với nghề mình chọn, bao nhiêu phần trăm sẽ xem bước vào đại học như là bước vào một cuộc “rong chơi” cho bù những ngày khổ học thời phổ thông?
Bao nhiêu em sẽ choáng ngợp trước cảnh sống đô thị rồi không hấp thụ được cái đẹp, cái văn minh mà lại đi nhiễm những thói hư tật xấu để rồi không những không thành công trong đời mà còn rơi xuống mức thấp hơn cả vạch xuất phát ban đầu? Nói trước những điều lo này để từng em cảnh giác, bởi các em đã đủ lớn để quyết định tương lai của mình, làm nên “số phận” của mình.
Ngược lại, với khoảng nửa triệu thí sinh thi rớt, phải chăng “thế là hết”? Không, ngàn lần không! Đại học cũng chỉ là một trong những con đường có thể dẫn tới thành công.
Soichiro Honda thuở nhỏ phụ cha mình vốn là thợ mộc. Đến tuổi 15, Honda không học hành bài bản gì lại dám lên Tokyo tìm việc rồi được nhận vào làm thợ sửa xe tại một gara xe hơi và đã làm ở đó trong sáu năm trước khi về quê mở một tiệm sửa xe hơi cho riêng mình ở tuổi 22. Ngày nay có ai không biết đến nhãn hiệu Honda đang làm vinh danh đất nước mặt trời mọc?
Thomas Edison, một trong những nhà phát minh lớn nhất của thời đại, là người chỉ được học tại trường vỏn vẹn có 3 tháng nhưng suốt đời mày mò tự học và làm thí nghiệm. Ông đã từng thất bại trong việc làm dây tóc bóng đèn đến trên 10 ngàn lần rồi mới thành công. Được hỏi về những lần thất bại đó, ông trả lời đó không phải là thất bại vì chúng giúp ông nhận ra hơn 10 ngàn cách để không làm ra dây tóc! Cách nhìn lạc quan và khoa học đó đã giúp ông có cả ngàn phát minh có ích cho nhân loại.
Vậy tại sao người rớt đại học lần này không xem đây là một lần giúp mình nhận ra cách mình đã làm gì để không đậu đại học? Tại sao người thi rớt đại học không xem đây là bài học cho mình để đứng dậy mà đi tiếp, hoặc vẫn theo con đường thi vào đại học hoặc một con đường khác? Tại sao không chọn con đường học một nghề nào đó để nuôi thân và nuôi gia đình rồi tiếp tục học lên bằng nhiều con đường như liên thông từ trung cấp và cả con đường tự học, học suốt đời?
Vào đại học không đồng nghĩa với chắc chắn sẽ thành công, rớt đại học không có nghĩa là thất bại. Có nhiều, rất nhiều con đường để đi đến thành công nhưng mọi con đường thành công đều phải vượt qua cửa ải ý chí.
TS Hồ Thiệu Hùng
Bình luận (0)