Ngừa loãng xương không dùng thuốc

20/12/2009 09:19 GMT+7

(TNTT>) Ngoài việc sử dụng các loại thuốc chuyên dùng để phòng tránh loãng xương thì bạn cũng có thể bảo vệ xương thông qua chế độ dinh dưỡng, thể dục và thay đổi lối sống

Loãng xương (hoặc xốp xương) là một căn bệnh xảy ra khi khối lượng xương thấp và mất mô xương dẫn đến xương yếu và dễ vỡ. Loãng xương thường không có triệu chứng gì đặc biệt và tiếp tục trầm trọng hơn cho đến khi xương bị gãy. Hông, cột sống, cổ tay là những nơi thường bị gãy xương.

Nguyên nhân của loãng xương do cơ thể không hình thành được xương mới bên cạnh các xương cũ. Phụ nữ có nguy cơ mắc chứng loãng xương cao hơn nam giới đặc biệt là người cao tuổi, gầy, nhỏ người. Các nhân tố khác gây loãng xương gồm không hấp thụ đủ lượng canxi, vitamin D, cơ thể ít vận động, sử dụng nhiều corticosteroid, tuyến giáp có vấn đề, ung thư xương, người da trắng hoặc người châu Á, hút thuốc lá, rối loạn ăn uống và nghiện rượu. Tuy nhiên, loãng xương không chỉ xảy ra ở phụ nữ mà còn là chứng bệnh của cả nam giới ở mọi lứa tuổi. Ở phụ nữ, chứng loãng xương có thể xuất hiện sớm, thậm chí vào độ tuổi 25. Tại Mỹ, loãng xương là nguyên nhân của hơn 1,5 triệu ca gãy xương hằng năm (300.000 gãy xương hông, khoảng 700.000 trường hợp gãy xương sống, 250.000 gãy cổ tay và hơn 300.000 gãy xương ở bộ phận khác). Chi phí điều trị loãng xương và thương tích do gãy xương tại đây ước tính khoảng 14 tỉ USD mỗi năm.

Dinh dưỡng 

Loãng xương có thể phòng tránh thông qua chế độ ăn uống các loại thực phẩm có nhiều vitamin và khoáng chất bổ dưỡng cho xương đặc biệt là hấp thụ đủ lượng canxi, vitamin D giúp xương chắc khỏe và đảm bảo cho tim, cơ bắp và hệ thần kinh hoạt động tốt. Việc thiếu hụt canxi sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Các nguồn thực phẩm giàu canxi gồm có: sản phẩm sữa ít béo như yaourt, phô mai, kem, rau lá xanh, súp lơ xanh, rau bina, rau cải xoong, cá mòi, cá hồi có xương, đậu hũ, hạnh nhân, các loại thực phẩm có bổ sung canxi như nước cam, ngũ cốc, đậu nành, bánh mì….

Vitamin D cần thiết cho cơ thể trong việc hấp thụ canxi từ chế độ ăn uống. Nếu không có đủ vitamin D, cơ thể không thể hấp thụ canxi từ các loại thực phẩm khiến cho hệ xương trở nên yếu. Vitamin D được tổng hợp do da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và vitamin D còn có nhiều thông qua các nguồn thực phẩm như các loại sữa có bổ sung vitamin, lòng đỏ trứng, cá, gan…

Những người ít ra khỏi nhà, ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng thường xuyên thì việc hấp thụ vitamin D tự nhiên từ ánh nắng mặt trời sẽ hạn chế.

Tập thể dục

Tập thể dục giúp ngăn ngừa loãng xương hiệu quả. Mặc dù xương có cấu trúc cứng nhưng cũng giống như cơ bắp, thể dục có thể giúp cho xương trở nên chắc khỏe, dẻo dai hơn. Những người thường xuyên hoạt động thể chất khi trẻ sẽ giúp tăng mật độ và sức mạnh của hệ xương (mật độ xương đạt tối đa vào khoảng 30 tuổi). Những người ít vận động có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn người thường xuyên tập thể dục và vận động cơ thể. Các bài tập thể dục phòng chống loãng xương rất đa dạng  như đi bộ, leo núi, chạy bộ, leo cầu thang, tennis, nhảy dây, khiêu vũ… Ngoài ra tập thể dục còn giúp săn chắc các cơ bắp và nâng cao sức khỏe tổng quát.

Tuy nhiên những người cao tuổi, bị loãng xương, bị bệnh tim hoặc phổi cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi tập thể dục. 

Hút thuốc lá và uống rượu sẽ làm hạn chế việc hấp thụ canxi.

Lượng canxi cần thiết mỗi ngày cho các giới

Phụ nữ và nam giới 9-18 tuổi: 1.300mg

Phụ nữ và nam giới 19-50 tuổi: 1.000mg

Phụ nữ và nam giới 51-70 tuổi: 1.200mg

Phụ nữ và nam giới> 70 tuổi: 1.200mg

Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con 14-18 tuổi : 1.300mg

Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con 19 tháng tuổi trở lên: 1.000mg

Lượng Vitamin D cần thiết/ngày

Nam giới và phụ nữ 9-50 tuổi, tiếp xúc ánh nắng hạn chế : 1.300 IU

Đàn ông và phụ nữ 51-70 tuổi, tiếp xúc ánh nắng hạn chế : 1.000 IU

Đàn ông và phụ nữ> 70 tuổi, tiếp xúc ánh nắng hạn chế : 1.300 IU

(Theo Học viện quốc gia khoa học Mỹ)

Thy An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.