(TNO) Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin so sánh việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga như sự chào đón một người thân đi xa lâu năm trở về nhà. Tuy nhiên, niềm vui đoàn tụ bắt đầu căng thẳng khi 2/3 số tiền mà Moscow gửi đến Crimea “biến mất”.
Bán đảo Crimea từ người thân biệt tích trở thành "con hư" đẩy Moscow vào thế khó - Ảnh: AFP
|
Theo Bloomberg, Dịch vụ An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở cuộc điều tra hình sự 3 quan chức chính phủ cấp cao của bán đảo Crimea với cáo buộc tham nhũng và nhiều sai phạm khác. Vài tháng qua, bốn thành viên nội các khu vực đã bị buộc phải từ chức vì các cáo buộc tham nhũng.
Hồi tháng 6, các kiểm toán viên của điện Kremlin cho hay 2/3 số tiền mà Moscow gửi đến Crimea năm ngoái đã “không cánh mà bay”.
Thống đốc Crimea Sergey Aksyonov, người nhận chức từ tháng 4 năm ngoái với sự hậu thuẫn của Tổng thống Putin, đã phản ứng gay gắt trước những cáo buộc trên. Hôm 7.7, ông Aksyonov cáo buộc Moscow tìm cách “gây bất ổn” ở Crimea, dùng những bằng chứng “ngụy tạo” để chống lại những người đang bị điều tra.
Robert Orttung, giáo sư tại Trường Quan hệ quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington (Mỹ) cho hay vào thời điểm ông Aksyonov lên nắm quyền, lo ngại về tham nhũng và quản lý yếu kém ở Crimea không phải là những vấn đề hệ trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Putin. Lúc đó, Moscow đơn giản chỉ muốn đảm bảo rằng các lãnh đạo mới ở Cirmea sẽ ủng hộ điện Kremlin. Song giờ đây, theo Giáo sư Orttung, “những người lãnh đạo bán đảo Crimea đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.
Chính quyền Aksyonov đã tiến hành một chiến dịch cưỡng chế quốc hữu hóa thông qua một bộ luật cho phép chính quyền có quyền hạn thâu tóm các công ty, bất động sản và nhiều tài sản tư nhân khác. Công dân Nga nằm trong số những người bị thu tài sản và hiện tòa án đang ngập trong số đơn kiện của những người muốn đòi lại tài sản.
Chính quyền Crimea nói việc cưỡng chế tịch thu tài sản kết thúc vào tháng 3. Song đến thời điểm đó, các nhà đầu tư đã “ra đi”, nền kinh tế vùng này rơi vào tình trạng hỗn độn.
Những gì diễn ra ở Crimea đặt Nga vào thế khó, vì Moscow đã bơm đến 75% số ngân sách của chính quyền Crimea, trợ cấp lương hưu và cung cấp nhiều lợi ích khác cho người dân khu vực. Các cáo buộc tham nhũng đặt ra nghi vấn: Điện Kremlin sẽ duy trì cam kết viện trợ 18 tỉ USD cho Crimea trong vòng 5 năm tới ra sao?
Bloomberg nhận định những cáo buộc về nạn tham nhũng tràn lan ở Crimea cũng có thể mở cho Moscow cái cớ, cắt giảm một phần khoản viện trợ 18 tỉ USD đã cam kết. Hiện tại, giữ lời hứa trên không phải là việc nhẹ nhàng với đất nước có kinh tế đã rơi vào suy thoái và đồng nội tệ (RUB) đã tuột giá đến 50% so với USD.
Trước đây, Điện Kremlin từng thất bại trong việc giữ cam kết viện trợ cho các vùng khác, đơn cử là vùng Viễn Đông. Moscow chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ trong lời hứa viện trợ cho vùng này là 23 tỉ USD trong thời gian từ năm 2007-2013.
Nghị sĩ Sergei Shuvaynik ở Crimea phát biểu trước nghị viện vùng: “Chúng ta không sáp nhập vào Nga để chịu những điều mà chúng ta đã từng trải qua”. Song theo Andrew Foxall - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga tại tổ chức Henry Jackson Society (Anh), quan chức Crimea cuối cùng cũng phải lựa chọn hoặc nghe theo Điện Kremlin, hoặc chịu mất việc. “Đây là nguyên tắc của cuộc chơi mà Crimea đã đăng ký”, Foxall nói.
Bình luận (0)