Nga giới thiệu chiến hạm Gepard 3.9 với 3 dàn phòng không Palma

15/07/2019 19:45 GMT+7

Mô hình chiến hạm Gepard 3.9 nâng cấp về khả năng phòng không được Tập đoàn đóng tàu Thống nhất (USC, Nga) giới thiệu tại Triển lãm hải quân quốc tế 2019 (IMDS-2019) ở St.Petersburg, Nga

Triển lãm này diễn ra từ 10 - 14.7, thu hút 353 doanh nghiệp, trong đó có 28 công ty từ 19 nước tham gia.

Đoàn Việt Nam tham dự IMDS-2019

Theo TTXVN, Đoàn Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu tham dự Triển lãm IMDS-2019. Đoàn đã tham dự lễ khai mạc IMDS-2019, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Xuất khẩu Vũ khí quốc gia Nga (Rosoboronexport), Nhà máy đóng tàu Almaz thuộc Tập đoàn đóng tàu Almaz, Tập đoàn đóng tàu Thống nhất (USC), Trung tâm công nghệ đóng và sửa chữa tàu, Tập đoàn vũ khí Kalasnikov.

Đoàn cũng có chuyến thăm tàu tàu khu trục Đô đốc Kasatonov (lớp tàu Dự án 22350), tàu tên lửa loại nhỏ Karakurt-E (lớp tàu Dự án 22800), Hệ thống tên lửa bờ di động Rubezh - ME (đặt trên khung xe tải Kamaz, sử dụng tên lửa diệt hạm Kh-35 Uran).

Tàu tên lửa Mytischi lớp 22800 Karakurt tại St.Petersburg, tham dự triển lãm IMDS-2019

Diễn đàn airbase

Theo bộ phận báo chí của Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky tại Zelenodolsk (CH Tatarstan, Nga) ngày 12.7, nhiều đoàn quân sự nước ngoài từ UAE, Ả Rập Xê Út, Thái Lan, Việt Nam đã ghé thăm gian hàng của Nhà máy tại triển lãm IMDS-2019. Các đoàn khách này đặc biệt quan tâm các sản phẩm tàu chiến của Nhà máy bao gồm chiến hạm Gepard-3.9, tàu tên lửa cỡ nhỏ Karakurt (Dự án 22800), tàu tuần tra lớp Dự án 22160, tàu tuần tra chống khủng bố Dự án 21980, tàu đổ bộ hạng nhẹ Dự án A223.

Các vị khách còn tỏ ra quan tâm các tàu tên lửa cỡ nhỏ Dự án 21631 của Nhà máy, theo thông cáo báo chí.

Nhà máy cũng công bố tấm ảnh đoàn khách hải quân Việt Nam thăm gian hàng.

Tàu tên lửa Mytischi lớp 22800 Karakurt nhìn từ trên cao

Hải quân Nga

Tàu tên lửa cỡ nhỏ Karakurt (Dự án 22800) do Tập đoàn Almaz tại St.Petersburg thiết kế, dài 67 m, ngang rộng nhất 11 m, lượng choán nước 800 tấn, dùng động cơ diesel, tốc độ 30 knot (55,5 km/giờ), hoạt động liên tục trên biển 15 ngày với tầm hoạt động 2.500 hải lý (4.600 km).

Tàu vũ trang hệ thống 8 ống phóng thẳng đứng dùng phóng tên lửa loại Oniks (bản xuất khẩu gọi là Yakhont) hoặc tên lửa Klub; 1 pháo AK-176MA (76,2 mm) đằng mũi và 2 pháo bắn nhanh tầm gần AK-630M (loại 30 mm). Các nhà máy đóng tàu ở Nga đang đóng 18 chiếc loại này cho Hải quân Nga, tối đa lên 23 chiếc.

Chiến hạm Gepard 3.9 nâng cấp: mạnh về phòng không, có thể mang tên lửa Klub

Ngoài mô hình chiến hạm Gepard 3.9 mà Nhà máy Gorky trưng bày tại gian hàng của mình, dựa trên mẫu tàu đã đóng cho Hải quân Việt Nam (4 chiếc), lớp tàu chiến này còn được trưng bày tại gian hàng của Tập đoàn đóng tàu Thống nhất (USC) nhưng có khác biệt.

Mô hình chiến hạm Gepard 3.9 cải tiến do tập đoàn USC đưa ra

Tài khoản twitter iren_maxx

Theo hình ảnh của tài khoản twitter iren_maxx,  mô hình lớp chiến hạm Gepard 3.9 cải tiến mà USC giới thiệu (được ghi là phiên bản số 1) có hình dáng thân tàu tương tự tàu Gepard 3.9 mà Nhà máy Gorky đã đóng cho Hải quân Việt Nam. Cơ bản tàu cũng trang bị hệ thống vũ khí tương tự các tàu Gepard của Việt Nam, như hệ thống tên lửa đặt ở giữa tàu với 8 ống. Tuy nhiên điểm cải tiến là hệ thống ngư lôi được bố trí phóng từ hông tàu thay vì phần ở khoang trên, nơi đặt hệ thống tên lửa.

Chiến hạm Gepard 3.9 cơ bản trang bị hệ thống tên lửa diệt hạm với 8 ống phóng giữa thân tàu, ngư lôi bố trí hai bên sườn tàu

Tài khoản twitter iren_maxx

Đặc biệt tàu Gepard này có đến 3 hệ thống pháo - tên lửa phòng không Palma, gồm 1 dàn đặt phía trước tàu và 2 dàn đặt phía sau, thay thế cho 2 pháo bắn nhanh tầm gần AK-630 (30 mm) như thiết kế của các tàu Gepard 3.9 trước đó.

Các tàu Gepard hiện tại của Việt Nam chỉ có 1 dàn Palma phía trước tàu.

Còn RT thông tin chi tiết hơn, theo đó USC dự kiến sẽ trang bị cho Gepard 3.9 hệ thống tên lửa sử dụng loại tên lửa diệt hạm Kh-35 (Uran) hoặc hệ thống tên lửa Klub phiên bản xuất khẩu (phóng tên lửa diệt hạm 3M-54TE1 và tên lửa tấn công mục tiêu đất liền 3M-14TE). Pháo hạm của tàu có thể là loại A-190-01 (100 mm) hoặc AK-176MA (76,2 mm).

Chiến hạm Gepard 3.9 trang bị đến 3 dàn pháo - tên lửa phòng không Palma, trong đó 2 dàn bố trí phía sau tàu

Tài khoản twitter iren_maxx

Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Palma gồm 2 pháo bắn nhanh 30 mm kèm 8 tên lửa Sosna-R (trên 1 dàn). Ngư lôi sẽ dùng hệ thống Paket-E nhỏ gọn hơn (dùng ngư lôi loại 324 mm thay vì 533 mm của 2 tàu Trần Hưng Đạo và Quang Trung).

Còn hangar trực thăng phía sau tàu vẫn thuộc loại nửa kín nửa hở như các tàu Gepard trước đó.

Palma, nhỏ mà có võ

Trưởng bộ phận đối ngoại của Tập đoàn cơ khí chính xác mang tên A.E. Nudelman (trụ sở tại Moscow), ông Sergey Verba trả lời phỏng vấn RT về hệ thống pháo - tên lửa phòng không 3M89 Palma thế hệ mới nhất được trưng bày tại IMDS-2019.

Ông cho biết hệ thống này được bố trí trên phần lớn các tàu chiến của hải quân Nga (có lượng choán nước từ 500 tấn trở lên) cũng như xuất khẩu. Một dàn Palma bao gồm 2 pháo bắn nhanh 6 nòng loại 30 mm (tốc độ bắn lên tới 10.000 phát/phút) và 8 tên lửa tầm gần Sosna-R (nặng 42 kg mỗi quả). Palma được thiết kế để tiêu diệt máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa diệt hạm của đối phương ở khoảng cách tối đa 10 km, độ cao tối đa 5 km.

Dàn pháo – tên lửa phòng không Palma mới nhất tại IMDS-2019

Twitter iren_maxx

Không những thế, Palma còn có thể sử dụng để bảo vệ bờ biển, bảo vệ căn cứ hải quân, diệt mục tiêu trên bộ như xe bọc thép. Ông Verba tự tin cho rằng Palma rất hữu hiệu trong phòng không, nhất là khả năng bắn hạ tên lửa hành trình thường bay tầm thấp vốn khó bị đánh chặn bằng các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung.

Dàn pháo – tên lửa phòng không Pantsir-ME tại IMDS-2019

RIA

Khi được đề nghị so sánh Palma với hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir, ông Verba cho hay Pantsir có radar gắn kèm, còn Palma sử dụng hệ thống điều khiển quang điện tử, tự dò tìm và khóa mục tiêu. Ông cũng lý giải radar là thành phần dễ bị đối phương tấn công áp chế điện tử nhất, nên Palma gần như miễn nhiễm trước các đòn tấn công này.

Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Palma trên chiến hạm Trần Hưng Đạo

twitter F 15 j _ryo

“Mối đe dọa lớn nhất của tàu chiến là tên lửa diệt hạm. Palma đảm bảo tiêu diệt mối đe dọa này trong thời gian ngắn nhất nhờ có hệ thống hướng dẫn độc đáo và khóa mục tiêu. Palma đang phục vụ trong Hải quân Việt Nam trên các chiến hạm lớp Gepard 3.9 mua của chúng ta. Nay Indonesia và nhiều nước Đông Nam Á khác cũng quan tâm đến Palma”, ông Alexei Leonkov của tạp chí Vũ khí tổ quốc nói với RT.

[VIDEO] Hải quân Nga nhận thêm tàu hộ tống Ingushetia lớp Buyan-M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.