Ngã ở đâu, đứng lên ở đó

13/01/2018 06:09 GMT+7

Đến thời điểm này, 'đường tạm lui' 1 tháng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cho việc giải quyết vấn đề Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã đến đoạn kết.

Bây giờ là thời điểm cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư BOT phải cho người dân một câu trả lời.
Đây sẽ không phải là lối ra của riêng BOT Cai Lậy mà là chung cho toàn bộ các “điểm nóng” BOT đang lan rộng ở nhiều địa phương.
Trong thế kẹt của câu chuyện này, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: Vì sao lại thế?
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Bộ GTVT, luôn có một lý lẽ rằng, tất cả các dự án BOT đã được làm đúng pháp luật. Đúng pháp luật, tại sao người dân lại phản đối? Khoảng cách giữa pháp luật và lòng dân sinh ra từ đâu?
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có câu trả lời cho câu hỏi này: “Vì anh đúng pháp luật nho nhỏ - là Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, nhưng anh sai cái pháp luật to hơn, đó là những nguyên tắc cơ bản của bộ luật Dân sự và đòi hỏi của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Những văn bản đó yêu cầu đối tượng bị tác động, là những người dân hằng ngày phải móc hầu bao trả phí, phải được hỏi ý kiến khi một trạm BOT được dựng lên, chứ không phải nghiễm nhiên đưa họ vào thế đã rồi.
Bởi vậy, TS Nguyễn Sĩ Dũng đã từng nói rằng: “Làm đúng nghị định thì nên nói là đúng nghị định, đừng nói là đúng pháp luật”.
Quyền lựa chọn của người dân, một quyền hiến định, đã bị tước đoạt, vì thế họ phản kháng.
Nhiều người nghĩ rằng BOT là một thế tiến thoái lưỡng nan. Đường đã xây. Tiền đã đổ xuống. Đó là hàng trăm nghìn tỉ đồng, trên 80% là vay ngân hàng, nghĩa là chịu thiệt cuối cùng chính là người dân. BOT đổ bể chính là sự thiệt thòi của tất cả.
Thế nhưng đường ra vẫn có. Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó.
Hãy hỏi ý kiến người dân và hãy cho họ một câu trả lời thuyết phục. Đồng thuận sẽ chỉ có được khi có lòng tin. Lòng tin cũng sẽ chỉ có bằng công khai, minh bạch.
Hàng trăm năm giảm trừ thu phí mà Kiểm toán Nhà nước đã kết luận rơi vào túi ai? Ai chịu trách nhiệm cho việc đó? Số tiền phí mà người dân bỏ ra có xứng đáng không, và họ được lợi gì?
Trở lại với câu chuyện BOT Cai Lậy, phương án đã được Bộ GTVT trình lên và đang đợi Chính phủ quyết định.
Phương án được chọn sẽ thuyết phục hơn khi kết quả kiểm toán được công bố cùng với nó (tất nhiên, cùng với người phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, nếu có). Người dân cũng đang chờ đợi Tổng kiểm toán Nhà nước hồi đáp mong mỏi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.