Nga trục vớt các tàu ngầm, lò phản ứng hạt nhân ở Bắc Cực

06/08/2020 14:14 GMT+7

Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom của Nga đang lên kế hoạch loại bỏ các tàu ngầm và lò phản ứng chứa chất phóng xạ nguy hiểm khỏi thềm lục địa của nước này ở Bắc Cực.

Hãng thông tấn TASS hôm 5.8 dẫn thông tin từ Rosatom về dự án trục vớt 6 vật thể phóng xạ nguy hiểm nhất khỏi thềm lục địa Bắc Cực trong vòng 8 năm nữa.
Những vật thể nằm trong nhóm cần phải xử lý bao gồm các bộ phận của một tàu phá băng, các lò phản ứng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và các tàu ngầm hạt nhân.
Đài Fox News cùng ngày dẫn báo cáo do Ủy ban Châu Âu tài trợ ghi nhận khoảng 18.000 vật thể phóng xạ trên các thềm lục địa của Biển Kara và Biển Barents.
“Sáu trong số này – cụ thể là các lò phản ứng của tàu ngầm K-11, K-19 và K-140, hai tàu ngầm K-27 và K-159 ở trạng thái nguyên vẹn, và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của một tàu phá băng lớp Lenin – chứa hơn 90% lượng phóng xạ tổng hợp của toàn bộ vật thể”, theo giải thích Rosatom.
Tập đoàn Nga bổ sung “một vụ rò rỉ phóng xạ, dù xác suất rất thấp, nhưng vẫn mang đến mối đe dọa không thể chấp nhận được cho các hệ sinh thái của Bắc Cực”, vì thế họ quyết định triển khai dự án đầy phức tạp và chưa từng có này.
Trên website, tổ chức xử lý tàu ngầm hạt nhân của Nga dự kiến kế hoạch trục vớt toàn bộ 6 vật thể trên phải cần đến 278 triệu euro.

Xác tàu ngầm hạt nhân Nga lại rò rỉ chất phóng xạ

Quỹ Bellona, một tổ chức môi trường, gần đây cho biết các quan chức hạt nhân của Na Uy và Nga đã hội đàm qua mạng và thảo luận về dự án trục với các tàu ngầm hạt nhân ở thềm Bắc Cực.
Đa số các tàu ngầm được quân đội Liên Xô đánh đắm trong thời Chiến tranh lạnh. Còn tàu ngầm K-159 gặp sự cố và bị chìm xuống Biển Barents vào ngày 30.8.2003, khiến 9 thủy thủ thiệt mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.