(iHay) Chuyến tàu cứ lướt đi, còn tôi như người mộng du, lao từ cửa sổ bên này sang bên kia của toa tàu, cố chụp cho được những tấm hình phong cảnh đồng quê đẹp như tranh thoắt ẩn thoắt hiện, trong lần đầu đặt chân đến Thụy Sĩ.
>> Du hí Thuỵ Sĩ: Ghé Neuchatel
|
Chuyến xe đò xuyên châu Âu đưa tôi từ Hà Lan, qua Bỉ rồi đến thành phố biên giới Basel (Thụy Sĩ) một sáng mùa xuân. Ngoài trời lất phất mưa, trên các cành cây khẳng khiu, nhiều mầm xanh đã đâm chồi nẩy lộc, hoặc nở hoa kín cả lùm cây. Nhiệm vụ tiếp theo của tôi là đến nhà ga Basel mua vé tàu về làng Le Landeron tại vùng Neuchatel, nơi dừng chân đầu tiên trong hành trình khám phá Thụy Sĩ.
|
Xếp hàng chờ mua vé ở ga Basel, tôi như bị hút vào những bức họa lớn vẽ cảnh những ngọn núi ở Thụy Sĩ treo trên cao. Hình ảnh những ngọn đồi phủ tuyết, những lâu đài nằm cheo leo trên vách đá trong bộ phim Sherlock Holmes cứ hiện ra trong đầu.
Thụy Sĩ là một trong những đất nước nổi tiếng nhất thế giới về những ngọn núi phủ tuyết dành cho giới yêu thích môn trượt tuyết.
|
Đưa cho tôi tấm vé, người phụ nữ bán vé khoảng 40 tuổi mỉm cười hỏi tôi có cần giúp đỡ gì thêm. Đáp lại mong muốn của tôi không bị lạc khi đón tàu, cô in thêm một tờ giấy nhỏ, cầm cây viết, khoanh vào những dãy số và chữ giải thích cặn kẽ giờ, nhà ga và sân ga nơi tôi phải chuyển tàu khác để về đến đúng nơi.
Quen dùng tàu ở Hà Lan, tôi nhanh chóng nắm được cách tìm và đón những chuyến tàu chuyển tiếp. Chưa rõ người Thụy Sĩ thế nào, nhưng cái cảm giác được nhận sự giúp đỡ tận tình tại nhà ga Basel khiến tôi có thiện cảm với con người ở đây.
|
Vé tàu từ Basel về Neuchatel khoảng 100 km giá 34 franc Thụy Sĩ (khoảng 1 triệu đồng VN), đối với một kẻ đi du lịch bụi như tôi là quá đắt.
Hệ thống đường tàu được xem như giao thông chính, len lỏi khắp nơi tại Thụy Sĩ. Tại bất cứ ngôi làng nào dù lớn hay nhỏ cũng có một nhà ga, nhưng không phải chuyến tàu nào cũng dừng tại các ga. Những chuyến tàu tốc hành thì luôn bỏ qua các ga nhỏ, chỉ dừng lại ở những nhà ga trung tâm tại các vùng hoặc thành phố lớn.
|
Đoàn tàu lăn bánh ra khỏi ga, cảnh vật hai bên đường như nhà ảo thuật, thôi miên tôi ngay từ những phút đầu tiên. Sau vài phút bị cuốn vào cảnh đồi núi, sông suối và những ngôi làng ngoài cửa sổ, tôi chợt nhớ đến chiếc máy ảnh và bắt đầu nhận ra tôi đã bỏ qua nhiều khung ảnh đẹp.
Vội vàng lao hết từ bên này sang bên kia thành tàu, tôi bấm máy lia lịa, ghi lại cho được những hình ảnh phía ngoài mà con tàu đang lướt qua. Những hành khách cùng toa chắc phải mắc cười lắm khi nhìn thấy một đứa nhà quê lên tỉnh như tôi thấy thứ gì cũng thích thú và lạ lẫm.
|
Nhưng cũng không chỉ riêng tôi, nhiều hành khách cũng ngước mắt ra cửa sổ, ngắm khung cảnh thơ mộng bên ngoài. Toa tàu đông khách, nhưng dường như mọi người rất tôn trọng không gian yên tĩnh bên trong toa tàu, khó có thể nghe thấy tiếng hành khách nói chuyện hay gây ồn ào.
Dường như ai cũng ngại làm ảnh hưởng giây phút thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên của hành khách trên tàu.
|
Những ngôi làng ven hồ, những dòng suối luồn lách dưới chân đồi hoặc vách đá, những đường hầm xuyên qua núi, rừng, rồi xuyên qua thành phố, những đồng cỏ bát ngát với những con bò nhởn nhơ gặm cỏ. Tôi thấy mình như lạc vào thế giới của truyện cổ tích từng được đọc đâu đó.
|
Tôi đã nhìn thấy nhiều hành khách đi tàu ở Đức, ở Pháp hoặc ở CH Czech luôn mải miết, chăm chú vào các cuốn sách hoặc điện thoại di động. Nhưng ở đây, hành khách có xu hướng nhìn ra ô cửa ngắm cảnh vật. Và tất nhiên, điểm khác biệt hơn là hành khách trên những con tàu ở Thụy Sĩ này có nhiều người trung niên và cao tuổi hơn là người trẻ tuổi.
|
Thụy Sĩ, với tôi, đẹp đến nghẹt thở. Là một đất nước không có biển, nhưng Thụy Sĩ dường như biết tận dụng hết thế mạnh địa hình của mình về đồi núi, suối, hồ phục vụ cuộc sống của con người. Cây trồng cũng được canh tác trên mô hình đồng bằng hoặc đồi núi phù hợp địa hình, tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của đất nước trung Âu này.
Và thưởng lãm cảnh thiên nhiên bên ngoài khung cửa sổ khi ngồi trên những con tàu đi qua các vùng của đất nước này cũng là một trải nghiệm không dễ quên.
|
Phượt ký của Kim Dung
>> Lang thang trong rừng già Thụy Sĩ
>> Đến Thụy Sĩ, dự lễ hội đồ cổ Le Landeron
>> Geneva, dấu vết lịch sử của Thụy Sĩ và Pháp
Bình luận (0)