Ngăn chặn tình trạng gia tăng đô la hóa, vàng hóa

18/02/2011 09:49 GMT+7

(TNO) Đây là một trong những giải pháp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đề xuất trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng nay 18.2.

Lạm phát tăng cao do ảnh hưởng giá thế giới

Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 vừa được Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày tại phiên họp Thường vụ QH sáng nay đưa ra nhận định tương tự các phiên họp Chính phủ gần đây về nguyên nhân dẫn tới lạm phát tăng cao, đặc biệt là mức tăng lên tới hai con số vào tháng 12.2010 vừa qua.

Theo đánh giá của Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến việc giá tăng trong những tháng cuối năm 2010 chủ yếu là do giá trên thị trường thế giới, như giá lương thực, giá vàng và một số nguyên vật liệu xây dựng… tăng mạnh đã gây áp lực tăng giá lên thị trường hàng hóa trong nước và ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Ngoài ra, hậu quả của các đợt lũ lụt tại miền Trung và nhu cầu tiêu dùng cuối năm 2010; hiệu quả đầu tư chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; sức mua tăng cao; cộng vào đó là việc tăng lương tối thiểu, tăng tỷ giá, lãi suất và tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, nước sạch… cũng được coi là nguyên nhân tác động đến sự tăng cao của chỉ số lạm phát.

Cùng với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12.2010, chỉ số giá vàng trong tháng cuối năm vừa qua so với cùng kỳ cũng tăng 30%, chỉ số giá USD tăng 9,68%. Tính chung cả năm, chỉ số giá vàng tăng tới 36,72% và chỉ số giá USD tăng 7,63% so với năm 2009.

Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ số CPI tháng 1.2011 tăng 1,74% so với tháng trước, trong đó mức tăng cao nhất là nhóm hàng hóa giáo dục (2,89%), kế đến là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (2,47%).
Báo cáo cho thấy tốc độ tăng CPI chỉ là một trong số bốn chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom; tuyển mới ĐH, CĐ và chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng) trên tổng số 21 chỉ tiêu QH giao trong năm 2010.

Bên cạnh bốn chỉ tiêu không đạt, những kết quả tích cực về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm qua trong đánh giá của Chính phủ, thể hiện ở khá nhiều con số ấn tượng, đó là thu ngân sách nhà nước vượt 21,2% so với dự toán năm và tăng 31.070 tỉ đồng so với báo cáo QH. Chi ngân sách nhà nước vượt 15% dự toán năm, tăng 27.430 tỉ đồng so với báo cáo QH.

“Với kết quả thu, chi như trên, bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 bằng 5,6%GDP, giảm 0,6% GDP so với dự toán, giảm thêm 0,2% so với báo cáo QH. Dư nợ Chính phủ đến 31.12.2010 bằng 44,1% GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP. Chính phủ đánh giá, mức dư nợ này “nằm trong giới hạn an ninh tài chính quốc gia”, báo cáo nêu.

Con số ấn tượng khác là tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2010 đạt 72,2 tỉ USD, tăng 26,4% so với năm 2009 và cao hơn số đã báo cáo QH tới 19,1%, gấp bốn lần so với chỉ tiêu kế hoạch đã được QH thông qua. Tuy nhiên, cùng với con số xuất khẩu ấn tượng thì tỷ lệ nhập siêu trong năm 2010 mặc dù giảm so với con số báo cáo QH là 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, song vẫn ở mức cao với 17,5% (12,6 tỉ USD).

Trong báo cáo, Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm vừa qua và cho rằng, “ngoài những nguyên nhân khách quan như tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước chưa ổn định sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh… thì những khuyết điểm chủ quan trong quản lý điều hành ở các cấp, các ngành là những nguyên nhân trực tiếp cần phải được xử lý khắc phục”.

Mục tiêu hàng đầu 2011: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Từ những con số báo cáo của năm 2010, cộng với dự báo sức ép lạm phát cũng như nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt trong năm 2011, Chính phủ nhấn mạnh giải pháp hàng đầu khi triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội thời gian tới là “kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý”.

Đi liền với đó là có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hiện tượng đầu cơ nâng giá, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý giá…

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của QH về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền thay mặt thường trực Ủy ban trình tại phiên họp sáng nay cũng đã đề xuất ba nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2010.

Trong đó, đáng chú ý là giải pháp chủ động điều tiết tổng cầu của nền kinh tế một cách hợp lý nhằm giảm bớt sức ép lạm phát; thu hẹp chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế để từng bước giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài; cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát nợ công và nợ quốc gia nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Đồng thời với đó là thực hiện các biện pháp quyết liệt giảm nhập siêu; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường vàng và thị trường ngoại tệ nhằm ngăn chặn tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; từng bước đưa hoạt động kinh doanh này vào khuôn khổ pháp lý; cương quyết giảm bội chi ngân sách và việc ứng chi ngân sách Nhà nước; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh…

Tại phiên họp hôm nay, Thường vụ QH sẽ thảo luận về các nội dung Báo cáo bổ sung của Chính phủ, Báo cáo đánh giá của Ủy ban Kinh tế.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.