>> Hạ lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm
>> Yêu cầu các NH giảm lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm
>> Giảm lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, xuất khẩu
>> Lãi suất giảm thêm 2%/năm
Nhiều khoản vay được điều chỉnh thấp hơn 15%
Ngay sau chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN), sau Vietcombank, chiều nay (11.7), NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tiên phong cho nhóm cổ phần ra quyết định từ 11.7 rà soát lại toàn bộ các hợp đồng tín dụng, để xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay xuống còn tối đa 15%/năm.
Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết sẽ không cào bằng ở mức 15%, SHB sẽ căn cứ trên hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách hàng, dựa vào khả năng trả nợ để điều chỉnh. “Tối đa 15%/năm, nhưng sẽ có những khách hàng được điều chỉnh thấp hơn ở mức 14%, 13% và thậm chí là 12%/năm”, ông nói.
Trước đó, lãnh đạo SHB cũng cho biết, từ 24.4 đến nay, thực hiện chỉ đạo của NHNN tại công văn 2506/NHNN-CSTT, SHB cũng đã điều chỉnh cho 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỉ đồng với mức lãi suất dao động từ 13%-16% theo “sức khỏe” của từng doanh nghiệp (DN). SHB cũng đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho khoảng 600 khách hàng, dư nợ là 3.242 tỉ đồng. Hiện tại, số dư nợ cũ có lãi suất trên 15%/năm của SHB chiếm 35% tổng dư nợ hơn 33.000 tỉ đồng.
“Không chỉ khách hàng DN, kể cả các khách hàng cá nhân, tức tất cả các hợp đồng tín dụng cũ, kể cả chưa đến kỳ trả nợ cũng sẽ được SHB điều chỉnh lãi suất”, ông Lê nói.
Cũng trong sáng nay, Vietinbank thông báo, từ ngày 15.7 sẽ điều chỉnh lãi suất cho tất cả các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm theo chỉ đạo của NHNN. Theo số liệu từ Vietinbank, 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay 4 lĩnh vực kinh tế ưu tiên đạt 60% dư nợ. Riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 25% dư nợ. Con số này cuối năm 2011 tương ứng là trên 40% và 18%.
Tuy nhiên, hiện nợ xấu của Vietinbank chiếm 2,1% tổng dư nợ, tín dụng mới tăng trưởng được 8% so với chỉ tiêu 17% được cấp. Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT của Vietinbank khẳng định NH sẽ đẩy tín dụng tăng nhanh, kéo nợ xấu xuống còn 1,5%/năm. Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn nói: “NH cũng là DN, yếu tố sống còn rất quan trọng nên không thể cho vay đối với các DN không phục hồi dù có bỏ vốn nhiều hơn nữa. Nếu các DN không thể cứu thì nên cho khai tử”.
Chấp nhận lãi ít
Không có sự hỗ trợ trực tiếp nào từ NHNN cho đợt giảm lãi suất lần này, các NH đều cho biết, chấp nhận giảm lãi để chia sẻ với DN. Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê đánh giá, về cơ bản dư nợ tiền gửi với lãi suất 14%/năm từ đầu năm hầu hết đã đáo hạn do cơ cấu kỳ hạn ngắn, vì vậy, các NH sẽ không quá chịu áp lực trong hoạt động kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế, một số khoản tiền lãi suất 14%/năm gửi với kỳ hạn dài hơn tại một số NH, sắp tới nếu điều chỉnh lãi suất cho vay xuống tối đa 15%/năm, chắc chắn lợi nhuận sẽ sụt giảm.
“Tuy nhiên, các NH đang chấp nhận thu hẹp tỷ lệ lãi biên ròng - NIM ở mức cao hơn 2% xuống còn 2%, không chạy theo lợi nhuận, chấp nhận chia sẻ với DN vì rõ ràng, nếu DN không sống được thì NH cũng chết. Vì vậy các cổ đông cũng nên chia sẻ những khó khăn này với NH và DN”, ông nói.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Huy Hùng cho biết, năm nay Vietinbank sẽ không có NIM cao như năm trước ở mức 4%-5% mà chỉ ở khoảng 2%. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi của cổ đông bằng cách tiết giảm tối đa các chi phí, đồng thời cơ cấu lại nợ, thậm chí bán nợ để đạt hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Đặc biệt là kiểm soát được nợ, khống chế được nợ xấu, quản lý được rủi ro trong hoạt động, ông Hùng nói.
Anh Vũ
Bình luận (0)