Ngân hàng đòi nợ kiểu 'khủng bố khách hàng': Thu hồi nợ cũng cần có văn hóa

24/08/2016 10:45 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Ngân hàng đòi nợ kiểu “khủng bố khách hàng” đăng trên Thanh Niên ngày 23.8.

Hành xử quá đáng !
Mối quan hệ giao dịch giữa ngân hàng (NH) với khách hàng (KH) là quan hệ dân sự. KH có nhiệm vụ trả nợ khoản vay khi đến hạn, còn NH thiếu gì cách thu hồi nợ, hoặc thiếu gì hướng xử lý các khoản nợ, mà lại hành xử như kiểu xã hội đen vậy. Nếu cứ đối xử với KH quá đáng như vậy thì ai còn muốn giao dịch. Đành rằng NH bị áp lực thu hồi nợ, nhưng không phải vì thế mà đẩy nhiều KH vào tình thế lo sợ như trong bài báo đã mô tả.
Ngọc Thiên
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Tại sao phải thuê đòi nợ ?
Các thủ tục vay thế chấp, tín chấp tại các NH đều rất chặt chẽ, nên rất ít trường hợp có thể “xù nợ”. Vậy tại sao phải thuê các công ty đòi nợ và trả phí cao như vậy? Chả lẽ các NH không biết có rất nhiều công ty đòi nợ thuê sẵn sàng làm mọi cách, kể cả sử dụng bạo lực để gây sức ép, “khủng bố” KH hay sao? Tôi nghĩ rằng, nếu NH xem người vay là KH thì phải có cách xử sự khác, còn nếu xem người vay là “con nợ” như kiểu trong giới tín dụng đen vẫn thường quan niệm, thì hãy xem lại văn hóa kinh doanh của mình.
Nguyễn Văn Thọ
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Vi phạm pháp luật
Các dịch vụ của NH, kể cả thu hồi nợ, cũng phải được chú trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín NH. Khi xã hội tẩy chay vì một số NH hành xử thậm tệ như vậy, thì làm sao tồn tại được. Chưa kể, nếu “đẩy” hết cho các công ty đòi nợ thuê (mà không có biện pháp giám sát hoặc buộc họ không làm ảnh hưởng đến uy tín NH) thì rất dễ vi phạm pháp luật. Theo tôi, ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu là rất xác đáng, bởi một khi các công ty được ủy quyền đòi nợ vi phạm pháp luật thì NH cũng không thể không liên can!
Phan Vinh
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Phí kiểu gì ?
Tính phí đòi nợ theo kiểu của các NH như vậy, rồi “lột” của KH trả cho các công ty đòi nợ thuê với mức phí cao gấp nhiều lần so với lãi suất vay, mà một số NH đang áp dụng như trong bài báo, thì chẳng khác gì đẩy KH vào bước đường cùng. Phí kiểu gì mà ghê vậy? Họ khó khăn mới tìm đến NH. Nhưng xử sự như vậy khác gì đi vay nóng bên ngoài. Tính phí cao, đe dọa, khủng bố người vay là không thể chấp nhận được. Thiết nghĩ, NH Nhà nước phải có động thái cấm các NH làm ăn kinh doanh theo kiểu như vậy, nếu không uy tín của ngành NH sẽ bị ảnh hưởng.
Lê Thị Lệ
(Q.12, TP.HCM)
Thương hiệu là quan trọng !
Chỉ vì một số món nợ nhỏ lẻ mà đánh mất thương hiệu, hình ảnh của mình đối với KH thì các NH đã quá nông nổi, trả giá quá đắt. Thực sự, áp lực nợ rủi ro, nợ khó đòi thì NH nào cũng gặp phải. Nhưng nếu các khoản nợ ấy nằm trong phạm vi cho phép, thì nên hành xử mềm mỏng hơn. Bởi, hầu như không có NH nào lại để khoản nợ rủi ro vượt phạm vi cho phép. NH là một ngành đặc thù, do vậy sự tính toán rủi ro cho một khoản vay là rất kỹ lưỡng. Còn nếu như cho vay vô tội vạ thì không còn gì để nói nữa!
Hà Dũng
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Võ Kim Yến
NH cho vay, nếu khách chậm hoặc không trả lãi và gốc quá lâu thì NH sẽ bằng cách này hay cách kia để lấy lại tiền, miễn nó hợp pháp. Nhưng cũng tùy vào đối tượng, hoàn cảnh của KH mà NH nên có cư xử phù hợp, văn minh. NH nên tìm hiểu hoàn cảnh của KH trước khi dùng các biện pháp, trong đó có cả khởi kiện ra tòa. Nếu KH rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn thì cần có biện pháp mở để họ có cơ hội trả nợ.
Võ Kim Yến
(TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Cao Văn Nhân
Các NH nên có trách nhiệm nhắc nhở, kiểm soát các đơn vị thu hồi nợ. Đừng để xảy ra những trường hợp như báo phản ánh, làm khổ sở KH, ảnh hưởng đến uy tín của NH. Một cá nhân cũng không thể có những hành vi khủng bố, lời lẽ đe dọa khó nghe khi đòi nợ một cá nhân, nếu như cá nhân vay nợ có thiện chí trả nợ, huống chi với một tổ chức, hoạt động theo pháp luật.
Cao Văn Nhân 
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.