Ngân hàng ghim vốn đóng tàu vỏ thép

21/07/2016 07:04 GMT+7

Do các ngân hàng thương mại và chủ tàu đều không có kinh nghiệm trong việc chọn thiết kế, xác định giá trị thực tế của tàu vỏ thép nên rất khó khăn trong việc thẩm định mức đầu tư, hiệu quả sản xuất.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản kiến nghị với các bộ, ngành T.Ư liên quan tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản tại Quảng Ngãi, trong đó khó khăn chủ yếu từ phía ngân hàng thương mại.
Theo ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 18 tàu đánh cá và dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi (7 tàu vỏ thép, 11 tàu vỏ gỗ), đã hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó, đa phần tàu đánh cá vỏ gỗ hành nghề có hiệu quả, còn các tàu vỏ thép sau khi ra khơi đều bị hư hỏng. Điển hình, tàu đánh cá vỏ thép QNg 90999 TS của ngư dân Võ Văn Hân (ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn), từ khi đưa vào hoạt động đến nay đã khai thác 3 chuyến biển nhưng đều bị hư hỏng, sản lượng khai thác đạt thấp, lỗ chi phí. Riêng chuyến biển thứ 3 mới hành nghề được 16 ngày phải đưa tàu quay vào bờ sửa chữa.
Từ chối tàu vỏ thép
Cũng theo ông Thọ, trong số 103 tàu đã được tỉnh phê duyệt có đến 25 trường hợp ngư dân xin rút lui không tham gia vì gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, suất đầu tư đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 quá cao... Ngoài ra, các ngân hàng thương mại (NHTM) từ chối cho vay 6 trường hợp đóng tàu vỏ thép.
Trường hợp của ngư dân Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, xã Nghĩa An) và Phạm Văn Cu (48 tuổi, xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi) là ví dụ. Tháng 9.2015, sau khi được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đơn xin vay vốn đóng tàu vỏ thép, ông Tuấn và ông Cu bỏ ra hàng trăm triệu đồng chi phí cho việc đi lại tìm hiểu các cơ sở đóng tàu, chi phí thiết kế, hồ sơ thẩm định giá… Tuy nhiên, dù đã hoàn tất mọi thủ tục nhưng lấy lý do hai ngư dân trên không có kinh nghiệm nghề lưới rê do chưa từng hoạt động nghề này, dự án không khả thi và không hiệu quả, không bảo đảm khả năng trả nợ nên ngân hàng từ chối cho vay.


Giám đốc NHTM phải chịu trách nhiệm với chủ tàu, với nhà nước, nếu để tình trạng tồn đọng hồ sơ làm mất cơ hội đóng tàu của chủ tàu, đồng thời NHTM cần công khai trình tự giải quyết và hồ sơ phải nộp cho chủ tàu biết chủ động thực hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị



“Thời gian NHTM xem xét, ký hợp đồng tín dụng cho từng chủ tàu quá lâu, nhất là tàu vỏ thép. Một số chủ tàu đã lập đầy đủ hồ sơ, đã nộp tiền đối ứng nhưng NHTM từ chối cho vay hoặc chờ xem các tàu đã hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả mới triển khai tín dụng với các chủ tàu mới. Đây là những trở ngại lớn trong việc thực hiện Nghị định 67”, ông Thọ nói và khẳng định: “Việc làm này đã ảnh hưởng đến tiến độ đóng tàu, kế hoạch sản xuất, công việc làm ăn, thời gian đi lại, tiền bạc… gây bức xúc cho chủ tàu, ảnh hưởng đến chỉ tiêu đóng mới tàu cá của tỉnh và giảm sút lòng tin của ngư dân vào chính sách của nhà nước”.
Do các NHTM và chủ tàu đều không có kinh nghiệm trong việc chọn thiết kế, xác định giá trị thực tế của tàu vỏ thép nên rất khó khăn trong việc thẩm định mức đầu tư, hiệu quả sản xuất. Đáng lưu ý, trong phương án trả nợ của một số chủ tàu, ngoài nguồn thu nhập từ khai thác hải sản, còn cơ cấu trả nợ từ nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)... Tuy nhiên, hiện nay một số tàu sắp đến hạn trả nợ nhưng việc hoàn thuế GTGT vẫn chưa giải quyết được trường hợp cụ thể nào, gây bức xúc và ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ tàu. Ngư dân Đồng Hoàng Vũ cho biết, danh mục trang thiết bị vật tư, vật liệu, máy móc để đóng mới tàu cá là rất nhiều nhưng cơ quan chức năng không có hướng dẫn cụ thể loại nào được miễn thuế GTGT. Vì thế, NHTM đã trừ toàn bộ phần thuế GTGT trong tổng mức đầu tư đóng tàu để xác định mức cho vay, gây khó khăn và thiệt thòi cho chủ tàu. “Ngư dân chúng tôi mong mỏi được hoàn thuế để trả nợ ngân hàng, bởi số tiền mấy trăm triệu đồng là quá lớn”, ngư dân Vũ đề nghị.
Theo nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi, hiện các cơ sở đóng tàu chưa có kinh nghiệm trong việc đóng tàu cá vỏ thép nên một số tàu cá bị sự cố khi đưa vào sản xuất, nhất là công tác bảo hành khi bị hư hỏng không kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, đời sống của ngư dân đi trên tàu.
Kiến nghị truy trách nhiệm ngân hàng
Trong văn bản kiến nghị với các bộ, ngành T.Ư liên quan, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các NHTM cần xem việc thực hiện Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, điều chỉnh các điều kiện vay vốn, đơn giản thủ tục cho vay, tiến độ giải ngân hợp lý, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đóng tàu. Các NHTM không được kéo dài thời gian ký hợp đồng tín dụng đối với các chủ tàu đã nộp đủ hồ sơ vì lý do chờ khẳng định hiệu quả khai thác của các tàu đã đóng xong, bởi lẽ từng chủ tàu có kinh nghiệm, kỹ năng, giải pháp, trình độ tổ chức khai thác khác nhau. “Giám đốc NHTM phải chịu trách nhiệm với chủ tàu, với nhà nước, nếu để tình trạng tồn đọng hồ sơ làm mất cơ hội đóng tàu của chủ tàu, đồng thời NHTM cần công khai trình tự giải quyết và hồ sơ phải nộp cho chủ tàu biết chủ động thực hiện”, văn bản của UBND tỉnh nêu.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT hướng dẫn và giải quyết cụ thể các trường hợp đã đóng tàu để xử lý dứt điểm chính sách thuế GTGT; giám sát chặt chẽ quá trình đóng mới tàu cá vỏ thép tại các cơ sở đóng tàu nhằm hạn chế tối đa các hư hỏng khi vận hành; có cơ chế hỗ trợ chủ tàu chi phí thiết kế theo mẫu riêng lẻ (khi đã được cơ quan đăng kiểm phê duyệt) nhằm hạn chế phần nào thiệt hại của chủ tàu khi đã trả tiền cho đơn vị tư vấn thiết kế nhưng bị các NHTM từ chối cho vay. Đối với các cơ sở đóng tàu đánh cá vỏ thép phải kịp thời bảo hành theo hợp đồng đã ký để tạo thuận lợi cho chủ tàu nhanh chóng tham gia sản xuất, đảm bảo cuộc sống và trả nợ ngân hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.