Ngân hàng nhanh chân lên tàu cách mạng 4.0

06/12/2017 12:19 GMT+7

Sáng 6.12, Hiệp hội Ngân hàng và Tập đoàn Dữ liệu Quốc IDG tổ chức Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017, với chủ đề “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đánh giá các ngân hàng hiện đang có sự chuyển động tích cực theo các xu hướng công nghệ mới. Đó là sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng với những sản phẩm, giải pháp dịch vụ mới về nghiệp vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, quản lý dữ liệu trong điều kiện sử dụng dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo.

Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cũng nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của một loạt các công nghệ mới đột phá như công nghệ robotic, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây dữ liệu lớn… đang làm thay đổi mạnh mẽ các ngành và lĩnh vực. “Thực tế này đã đặt các ngân hàng đứng trước những thách thức rất lớn trong việc thu hút khách hàng thân thiết và gia tăng doanh số”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trao giải thưởng ngân hàng tiêu biểu 2017

Trước đó, tối 5.12 đã diễn ra Lễ trao giải giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2017 (Vietnam Outstanding Banking Awards 2017) do Tập đoàn Dữ liệu Quốc Tế IDG và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.

Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) giành được Giải thưởng “Ngân hàng Bán lẻ tiêu biểu nhất 2017”. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) giành Giải thưởng “Ngân hàng Điện tử tiêu biểu nhất 2017” và ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giành được giải thưởng “Ngân hàng An ninh thông tin tiêu biểu 2017”.


Theo đánh giá của các chuyên gia tại diễn đàn, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa trong dịch vụ ngân hàng cá nhân cùng sự trưởng thành của các đơn vị Fintech tại thị trường Việt Nam đang đặt các ngân hàng trước những cơ hội cũng như thách thức lớn của cách mạng 4.0. Các ngân hàng phải số hóa để lên tàu nếu không muốn bị bỏ rơi lại phía sau.

E-banking ngày càng phổ biến

Trong khi đó, “Báo cáo về dịch vụ ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” do IDG Vietnam thực hiện năm 2017 cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% theo khảo sát năm 2015.

Các giải pháp Fintech cũng đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam bởi tính tiện lợi và các giải pháp bảo mật hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các giải pháp e-banking tại Việt Nam vẫn còn những nhược điểm như phí giao dịch cao, lỗi giao diện còn xảy ra khá thường xuyên; dịch vụ chăm sóc khách hàng dành cho các giao dịch ngân hàng trực tuyến vẫn chưa thực sự làm hài lòng khách hàng.

Nói về ngành ngân hàng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phân tích, Việt Nam được đánh giá có khoảng 54% người dùng internet, 1 trong 3 nước có tốc độ số người dùng internet lớn nhất hiện nay cho thấy Viêt Nam có tiềm năng rất lớn để đón công nghệ 4.0.

Hiện nay, 40% ngân hàng bán lẻ sẽ cung cấp trực tiếp cho khách hàng. Dự báo, trong năm tới, doanh thu từ ngân hàng số chiếm 44% trong doanh thu của các ngân hàng song thách thức cũng rất lớn. Những thách thức đó là sự thay đổi mô hình kinh doanh và văn hóa kinh doanh sẽ bị thay đổi; đầu tư công nghệ thông tin và rủi ro công nghệ.

tin liên quan

Làn sóng fintech
Ngày 4.10, Bloomberg đưa tin ứng dụng Ualá dùng cho điện thoại di động thông minh (smartphone) chính thức ra mắt vào cùng ngày. 

Theo ông Lực, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 7 nước có rủi ro công nghệ cao, ngoài ra là thách thức về nguồn nhân lực. Hàn Quốc, Đài Loan đã chuẩn bị lực lượng chất lượng cao. Trong khi ở Việt Nam nguồn nhân lực phân khúc này vẫn hạn chế.

Ông Lực cho rằng, 3 vấn đề cần quan tâm thời gian tới là nhân lực 4.0; cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khuôn khổ hành lang pháp lý. Hiểu biết của khách hàng và khuôn khổ pháp lý là rất quan trọng. Việt Nam đã bị chậm để hỗ trợ cho công nghệ 4.0. Đơn cử như đối xử với tiền ảo thế nào khi hiện nay thế giới có 850 loại tiền ảo, tổng giá trị vốn hóa gần 300 tỉ USD, riêng Bitcoin khoảng gần 200 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.