Đây không phải là lần đầu tiên các NH rủ nhau đồng thuận khi thị trường LS thời gian qua như một cái chợ vỡ. Đập chắn LS 14%/năm được luật hóa hẳn hoi nhưng vẫn cứ bị ồ ạt tràn qua, LS huy động được trả treo như mớ rau, con cá. NH lớn nhỏ, cổ phần, nhà nước lao vào cuộc cạnh tranh LS khốc liệt, tới mức chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng phải thừa nhận không có NH nào là không vi phạm.
12 ngân hàng lớn đồng thuận không vượt trần lãi suất tiền gửi 14%/năm - Ảnh: Minh Hoa |
Chính vì vậy, lần này NHNN đã không kêu gọi suông mà có chế tài rõ ràng: Đình chỉ lãnh đạo NH vi phạm về LS 3 năm, cấm mở chi nhánh 1 năm. Luật đã rõ, các NH lớn thì vẫn lo, còn NH nhỏ thì nhìn thấy một tương lai u ám.
Khổ cho “cá con”
Lãnh đạo một NHTM cổ phần quy mô lớn ở phía Nam tỏ ra khá mạnh dạn khi khẳng định ông sẽ đứng ra nhận trách nhiệm đầu tiên nếu có bất kỳ một chi nhánh, phòng giao dịch nào vượt trần LS 14%/năm. Điều khiến ông lo hơn là các NH nhỏ, hệ thống chi nhánh yếu, uy tín chưa có, khả năng cạnh tranh duy nhất là dựa vào LS. Khi công cụ cạnh tranh này bị triệt tiêu bởi đồng thuận, các NH nhỏ liệu có “làm liều” huy động vượt trần? Một chuyên gia NH cũng lo lắng cho rằng, trong một tháng thực hiện đồng thuận LS, có thể xảy ra khả năng một vài NH nhỏ “bay” mất vài nghìn tỉ đồng vốn huy động do khách hàng chuyển sang NH lớn. Lúc đó họ sẽ xảy ra khủng hoảng thanh khoản, NHNN có sẵn sàng đứng ra giúp đỡ?
''Chỉ cần một NH khó khăn thanh khoản, vượt rào LS sẽ làm rối loạn hệ thống, rất có thể các NH khác lại phải chạy theo...'' - Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Đức Vinh |
Mặc dù tín hiệu đồng thuận LS được phát đi một cách vô cùng mạnh mẽ, mục tiêu hạ LS dường như đã nằm trong lòng bàn tay của NHNN, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, NH nhỏ tuy chiếm thị phần nhỏ nhưng có vai trò vô cùng lớn khi đồng thuận. Chỉ cần một NH khó khăn thanh khoản, vượt rào LS sẽ làm rối loạn hệ thống, rất có thể các NH khác lại phải chạy theo nếu NHNN không xử lý nghiêm, công khai, minh bạch.
Rất ái ngại khi đề cập đến hai chữ đồng thuận LS, tổng giám đốc một NH nhỏ tại Hà Nội buồn rầu chia sẻ, NH ông lực mỏng, hệ thống còn khiêm tốn, không đủ sức cạnh tranh với 12 NH lớn. Nay áp trần thì việc giữ khách thôi đã khó rồi, chứ đừng nói gì đến hút thêm khách mới. Còn lời hứa tái cấp vốn của NHNN, ông cũng chỉ mới nghe nói vậy, chứ tại cuộc họp vừa rồi chưa thấy đề cập đến, mà hiện nay việc tái cấp vốn trong bối cảnh lạm phát cao không hề dễ dàng. Trong khi đó, càng về cuối năm, nhu cầu chi tiêu, thanh toán của các DN ngày càng tăng mạnh, kể cả nhu cầu vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nếu không huy động được vốn, mà nguồn tái cấp vốn hạn chế, thanh khoản căng thẳng, các NH nhỏ khó cầm cự nổi”, lãnh đạo trên chia sẻ.
Cần thêm giải pháp ngoài đồng thuận
Câu chuyện đồng thuận LS, theo ý kiến của nhiều NH không đơn giản chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng những giải pháp kỹ thuật hiệu quả, kịp thời. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, hiện tại trong khi chưa có giải pháp nào tốt hơn, trước mắt vẫn phải áp dụng đồng thuận, ít nhất cũng phải đến hết tháng 12 năm nay. Theo ông, NHNN nên nghiên cứu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nội tệ. Giải pháp này thích hợp trong bối cảnh chống lạm phát, ngoài ra sẽ làm tăng nguồn lực tài chính cho NHNN, không phải phát hành thêm tiền. Qua đó, có thể giúp đỡ các NH gặp khó khăn thanh khoản huy động, có nguồn vốn tạm thời để không chịu áp lực phá trần LS.
Lãnh đạo một NH thừa nhận, LS cho vay trên 20% thời gian qua khiến ông vô cùng bất an vì những khách hàng là DN của ông đã không có cách nào làm ăn có lãi để trả nợ. Vì vậy, NHNN cần nhanh chóng đề xuất Chính phủ có chương trình tái cấu trúc lại nợ, nếu không muốn thanh khoản căng thẳng và mục tiêu hạ LS thất bại. Một chuyên gia có kinh nghiệm cũng kiến nghị, NHNN cần phải có cơ chế tái cấp vốn một cách linh hoạt, bình đẳng và công khai. Nếu các NH cùng một lúc xin được tái cấp vốn thì phải xử cho đều, công bằng, và phải công khai để tránh việc “anh nhiều, anh ít”, dẫn đến vi phạm về LS.
Câu chuyện trần LS chắc chắn không dừng lại ở việc đồng thuận bằng miệng, có thể NHNN đã tính tới phương án tăng dự trữ bắt buộc, cũng như phát hành tín phiếu, nhưng rõ ràng trước mắt, các NH lớn đang lo lắng NH nhỏ có thể vượt trần, NH nhỏ thì đang lo về thanh khoản khi mùa cao điểm nhu cầu vốn cuối năm đang đến gần... “Nếu có áp trần thì cũng là cực chẳng đã, áp đến khi nào thì cũng cần phải có lộ trình để rồi dỡ trần, trả LS cho thị trường. Đầu ra đã tự do hóa, đầu vào cũng không thể giữ mãi được”, lãnh đạo một NH quy mô nhỏ chia sẻ.
Một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm LS cho vay từ 1,5 - 2%/năm so với mức LS phổ biến trên thị trường. LS cho vay ngắn hạn của BIDV không quá 18%/năm, cho vay trung dài hạn không quá 19%/năm. Đối với kinh doanh chứng khoán, bất động sản, LS cho vay tối thiểu là 19%/năm (ngắn hạn) và 19,5%/năm (trung dài hạn). BIDV cũng dành 10.000 tỉ đồng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng thu mua nông thủy sản xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp, các DN vừa và nhỏ, sử dụng dịch vụ khép kín của BIDV với LS từ 15 - 17,5%/năm. NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dành 3.000 tỉ đồng với LS cho vay từ 17 - 19%/năm đối với DN sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản, y tế, giáo dục. NH TMCP Hàng hải (Maritime Bank) áp dụng LS cho vay đối với DN sản xuất từ 17,5 - 19%/năm; LS cho vay trung dài hạn từ 18,5 - 20%/năm. Thanh Xuân |
Anh Vũ
Bình luận (0)