Chênh lệch quá cao
Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc các NH phải áp dụng mức LS huy động đầu vào 14%/năm. Mới đây nhất, việc NHNN quy định LS huy động 6%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng cũng đã thể hiện rõ quyết tâm không để bất kỳ NH nào “vượt rào” trần LS đầu vào. Trong khi đó, LS đầu ra dù đã được các NH thông báo cho vay ở mức từ 17 - 19% nhưng số lượng các gói tín dụng giá thấp này chỉ như “muối bỏ biển”. Đa số các DN vẫn đang phải vay vốn từ NH với LS phổ biến từ 20 - 21%/năm (chỉ giảm từ 1 - 1,5%/năm so với trước đó). Theo giải thích của một số NH, dù LS huy động giảm về mức 14%/năm nhưng vẫn còn đó những khoản vốn đã được huy động có LS cao 17-18%/năm trước đó chưa đáo hạn nên chưa thể hạ LS cho vay nhanh hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết hoàn toàn có thể tách phần vốn huy động với LS cao trước đó với các phần vốn huy động với LS 14%/năm để xác định phần vốn nào cho vay với LS cao, phần vốn nào cho vay với LS từ 17-19%/năm chứ không thể gộp chung như vậy.
Ngân hàng dễ dàng thu lợi Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, trong tuần qua, sau khi NHNN ban hành Thông tư số 30 quy định mức LS huy động tối đa cho kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm thì LS trên thị trường liên NH lại tăng lên đến 15%/năm. Chỉ cần các NH huy động tiền từ dân cư kỳ hạn ngắn và cho vay lại trên thị trường liên NH cũng đã hưởng lợi lớn. Những chính sách này chưa đồng bộ đã tạo ra kẽ hở mà phần thiệt lại thuộc về đa số người dân. |
TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (ĐH Mở TP.HCM), cho rằng chênh lệch giữa LS huy động và LS cho vay của các NH trong điều kiện kinh tế bình thường của VN chỉ dao động trong mức 3 - 3,5% là hợp lý. Nhưng với mức chênh lệch lên đến 5-6% như hiện nay thì quả là bất hợp lý. “NHNN phải quyết liệt hơn để giảm LS cho vay xuống như đã công bố mà không đợi sự tự nguyện của các NH. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, vô hình trung đã mang lại việc hưởng lợi cho các NH. Điều này gây thiệt hại cho cả người gửi tiền lẫn người đi vay tiền”, TS Thuận nói.
Đồng quan điểm trên, TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), cũng cho rằng trong điều kiện kinh tế của VN thì mức chênh lệch LS đầu vào và đầu ra của các NH tối đa chỉ ở mức 4%. Trong khi đó, mức chênh lệch lên đến 5-6% đã được duy trì nhiều tháng qua vì nếu tính LS huy động ở mức cao lên 17 - 18%/năm trong những tháng trước thì LS cho vay cũng lên đến 23 -24%/năm. TS Khánh phân tích: Trong khi nền kinh tế VN đang gặp nhiều khó khăn thì tất cả các chủ thể đều phải chịu sự tác động đó. Không có lý gì mà khi nhiều DN đang bị thua lỗ nặng nề thì các NH lại hưởng lợi nhiều hơn bình thường. Chúng ta chấp nhận độ trễ của chính sách nhưng không thể để kéo dài tình trạng này. Đa số những khoản tiền được NH huy động với LS cao trước đây chỉ ở kỳ hạn 1 tháng và tối đa 3 tháng. Vì vậy, dù không có con số thống kê cụ thể nhưng có thể nói tỷ trọng vốn huy động LS cao đó không còn nhiều trong tổng vốn huy động của NH.
|
Cần thực hiện đồng bộ
Các DN đang trông chờ vào động thái kéo giảm LS cho vay của NHNN để chuẩn bị nguồn vốn cho mùa vụ sản xuất kinh doanh cuối năm. Vì vậy theo các chuyên gia kinh tế, NHNN cần phải quyết liệt hơn với LS đầu ra tương tự như đối với LS đầu vào. Theo TS Nguyễn Văn Thuận, để tạo niềm tin cho người dân, NHNN có thể kiểm tra lại cấu trúc nguồn vốn huy động của các NH. Từ đó có thể công bố con số chung về tỷ lệ nguồn vốn huy động với LS đầu vào bao nhiêu? Sau đó NHNN nên công bố lộ trình thực hiện để kéo giảm LS cho vay từ nay đến cuối năm… TS Thuận nhấn mạnh: “Số liệu công bố báo cáo tổng nguồn vốn huy động với cơ cấu LS huy động từ hệ thống NH có thể thuyết minh được cho việc áp trần LS mà người gửi tiền chấp nhận được. Bản thân người đi vay có thể chấp nhận trả thêm LS cao trong 1-2 tháng tới nhưng chắc chắn họ phải biết nguồn vốn giá thấp sẽ được giải ngân gia tăng theo thời gian. Điều này sẽ tạo được niềm tin cho người dân và thể hiện được sự quyết tâm trong việc kéo giảm LS cho vay xuống thấp như đã công bố của Thống đốc NHNN”. Theo TS Hoàng Công Gia Khánh, nếu NHNN đã chấp nhận sử dụng giải pháp hành chính trong việc áp trần LS đầu vào thì có thể sử dụng luôn biện pháp này cho LS đầu ra và LS liên NH để tạo sự đồng bộ. Mặc dù biện pháp hành chính trong lâu dài không tốt nhưng chấp nhận sử dụng trong một thời điểm nhất định và song song đó phải sử dụng công cụ điều tiết LS theo thị trường. TS Khánh nhấn mạnh: NHNN phải tạo sự đồng bộ trong các chính sách để thị trường tin tưởng LS đầu vào chỉ dừng ở mức 14%/năm. Từ đó với sự cạnh tranh bình thường, chính các NH sẽ giảm LS đầu ra. Nếu tiếp tục duy trì mức LS cho vay cao như hiện nay sẽ khiến tình trạng đảo nợ, nợ xấu đến cuối năm gia tăng cũng là tình trạng đáng lo cho hệ thống NH.
Mai Phương
Bình luận (0)