Ngày 26.11: Xét xử vụ "chạy" điểm tại Bạc Liêu

25/11/2007 23:55 GMT+7

Ngày 26.11, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử 26 bị cáo trong vụ án "chạy" điểm lớn nhất từ trước tới nay tại Bạc Liêu. Có nhiều bị cáo từng giữ trọng trách của ngành giáo dục Bạc Liêu (Giám đốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, giáo viên, nhân viên kỹ thuật thuộc sở này), đã bằng mọi cách nâng điểm cho 1.740 thí sinh được tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT trong kỳ thi tốt nghiệp năm học 2005 -2006.

Thiếu bao nhiêu điểm cũng đậu

Được biết, trong hai ngày 12 và 15.6.2006, Sở GD-ĐT Bạc Liêu thông báo tỷ lệ tốt nghiệp của hệ THPT đạt 79,04% (4.344 thí sinh đậu tốt nghiệp) và tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT đạt 47,28% (531 thí sinh đậu tốt nghiệp). Trên kết quả thông báo đó, ngày 7.11.2006, cơ quan điều tra (Công an tỉnh Bạc Liêu) đã thành lập tổ công tác để tiến hành nhập lại toàn bộ điểm thi  của 6.619 thí sinh dự thi tốt nghiệp của hai hệ THPT và bổ túc THPT của kỳ thi này thì cho ra kết quả khiến mọi người choáng váng: đối với hệ THPT chỉ có 3.034 thí sinh đủ điểm đậu tốt nghiệp (tỷ lệ 55,20%), chênh lệch tới 1.310 thí sinh so với thông báo của Sở GD-ĐT Bạc Liêu; đối với hệ bổ túc THPT chỉ có 101 thí sinh đủ điểm đậu tốt nghiệp theo quy chế của Bộ GD-ĐT (tỷ lệ 8,99%), chênh lệch 430 thí sinh so với báo cáo của Sở GD-ĐT.

Sở dĩ Công an Bạc Liêu tiến hành rà soát lại toàn bộ điểm thi vì trước đó, ngày 15.6.2006, công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Quốc Nghiêm (giáo viên trường Nguyễn Văn Đẩu, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) do Nghiêm đã nhận tiền của cha, mẹ các em học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm học đó. Nghiêm khai đã nhận 88 triệu đồng của 11 người sau đó đưa cho Phạm Minh Cảnh (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi) 65 triệu đồng và danh sách 11 thí sinh để nhờ ông Cảnh giúp cho đậu tốt nghiệp.

Qua điều tra của cơ quan công an, ông Nguyễn Văn Tấn (Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu), ông Ngô Đoàn Nguyễn (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu) và các cán bộ tại sở này đã thừa nhận: sau khi được báo cáo tỷ lệ đạt tốt nghiệp ở hai hệ THPT và BT THPT đạt quá thấp, lãnh đạo sở đã chỉ đạo cho cán bộ tiến hành nâng điểm đồng đều cho tất cả các môn thi, mỗi môn từ 0,5 đến 1,5 điểm để nâng tỷ lệ tốt nghiệp chung trên toàn tỉnh. Về hành vi này, ông Nguyễn Văn Tấn trong một văn bản gửi các cơ quan chức năng đã thú nhận ông chỉ đạo nâng điểm là do "bệnh thành tích".

Tuy nhiên, vụ việc không chỉ dừng lại ở đó, từ chủ chương "thả cửa" cho việc nâng điểm, nhiều giáo viên, cán bộ công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu đã cấu kết nhau tạo thành một đường dây mua bán điểm lớn chưa từng có. Đáng ngạc nhiên hơn, giữ vai trò then chốt trong đường dây “buôn" điểm này không phải người có trọng trách gì lớn mà lại là một nhân viên vi tính tại sở GD-ĐT Bạc Liêu, Nguyễn Hoàng Huy. Từ lãnh đạo sở đến cán bộ, giáo viên bình thường cũng đều "nhờ" Huy nâng điểm cho các thí sinh theo danh sách riêng. Huy "cho" tốt nghiệp hay không chỉ bằng... một cú gõ phím! Thí sinh thiếu bao nhiêu điểm để đậu tốt nghiệp cũng chẳng sao, qua Huy là đậu. Vì vậy mà có trường hợp thí sinh thiếu đến 16 - 17 điểm cũng được nâng điểm để đậu. Đơn cử như Giám đốc Sở Nguyễn Văn Tấn "gửi" 18 thí sinh để Huy nâng điểm, trong số này thí sinh được nâng thấp nhất 7,5 điểm, thí sinh được nâng cao nhất đến 16 điểm. Phó giám đốc Ngô Đoàn Nguyễn gửãi 79 thí sinh, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 17 điểm. Cá biệt có thí sinh thiếu đến... 22 điểm nhưng cũng được Huy nâng cho đủ điểm đậu.

Đường dây "buôn" điểm

Ngoài hành vi nâng điểm đồng loạt cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chỉ đạo của lãnh đạo sở, Huy còn nhiều lần nhận tiền của các đối tượng khác để nâng điểm thi, đảm bảo đủ điều kiện tốt nghiệp cho các đối tượng dự thi. Sau khi nhận tiền và hồ sơ của các đối tượng này, Huy đã lập trình sẵn với tổng kết quả điểm thi tốt nghiệp đủ điều kiện xét tốt nghiệp, không phụ thuộc vào kết quả chấm thi. Ngoài ra, Huy còn nâng điểm cho 10 trường hợp do Trần Thanh Lâm, em ruột của Phó giám đốc sở GD-ĐT Ngô Đoàn Nguyễn gửi.

Viện KSND tỉnh Bạc Liêu truy tố các bị can ra tòa với 5 nhóm tội danh: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; "Nhận hối lộ"; "Làm môi giới hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong quá trình điều tra, các bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng. Riêng với các đối tượng đưa hối lộ có dấu hiệu của tội phạm, Viện KSND tỉnh Bạc Liêu nhận định "không gì khác ngoài mục đích là muốn cho con em mình được đậu tốt nghiệp sau nhiều năm học và nhận thức không đúng pháp luật nhưng quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, góp phần tích cực cho công tác điều tra" nên chỉ xử lý hành chính các đối tượng này.

Dư luận tỉnh Bạc Liêu đang hết sức chú ý vào vụ việc các bị cáo trong đường dây "chạy" điểm bị đưa ra xét xử. Vụ việc không chỉ tạo một sự khủng hoảng nhân sự đối với ngành giáo dục Bạc Liêu, mà còn tạo ra một vết đen khó phai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh tốt đẹp của ngành giáo dục và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn thí sinh được "cho" tốt nghiệp từ hành vi gian dối, vụ lợi của các cán bộ trong ngành giáo dục Bạc Liêu và những người liên quan.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.