Ngày 30.4 không thể nào quên: Tiếng hát át tiếng bom

29/04/2015 08:21 GMT+7

(TNO) Chiến thắng 30.4.1975 lịch sử không chỉ được làm nên bởi những người lính trực tiếp cầm súng. Có những người lính dùng lời ca tiếng hát của mình để động viên tinh thần đồng đội.

(TNO) Chiến thắng 30.4.1975 lịch sử không chỉ được làm nên bởi những người lính trực tiếp cầm súng. Có những người lính dùng lời ca tiếng hát của mình để động viên tinh thần đồng đội.

ngay-30.4-khong-the-nao-quen-tieng-hat-at-tieng-bomÔng Nguyễn Hữu Hứa kể lại những ngày chống Mỹ - Ảnh: Lê Nam
Chiến tranh lùi xa 40 năm, trong cơ thể người lính văn công Nguyễn Hữu Hứa (đang sống tại thành phố Thái Nguyên) năm nào vẫn còn 2 mảnh bom - “kỷ vật” chiến trường, thi thoảng vẫn lên cơn đau nhức nhối. Trong những giấc mơ, người lính năm nào vẫn mơ thấy mình đứng hát giữa đỉnh Trường Sơn, phía dưới là những tràng pháo tay, giọt nước mắt xúc động của đồng đội.
Những lần chết hụt
Ngày Nguyễn Hữu Hứa, thanh niên thôn Tam, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam nhập ngũ, ông vừa tròn 18 tuổi. Lúc đó là năm 1965, cuộc chiến đấu khắp các mặt trận của ta đang ở giai đoạn ác liệt. Ông Hứa tập kết ở Đông Triều, Quảng Ninh sau đó hành quân ra Bắc Ninh, đi tàu hỏa vào Ninh Bình. Từ Ninh Bình, những người lính đi bộ ròng rã tới chiến trường Tây Nguyên, đây cũng chính là nơi gắn bó với ông Hứa trong suốt thời kỳ chiến tranh.
Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Hứa đánh ở tuyến 2, chứng kiến những đồng đội của mình hy sinh, đi gom thi thể đồng đội về để lo hậu sự luôn là những lần ám ảnh ông Hứa cả trong giấc ngủ. Ông Hứa vẫn nhớ một buổi chiều, sau khi kết thúc trận đánh, 13 người trong trung đoàn ông được cử đi thu vũ khí, chiến lợi phẩm của quân địch, ông là người thứ 13 trong đoàn. Tuy nhiên, lúc này ông đang đi hái măng trong rừng, một người lính trẻ khác tên Bình được cử đi thay. Không may mắn, cả 13 người vấp phải dây mìn, không còn một ai sống sót. Ông Hứa về lán trại, người bàng hoàng, không tin nổi vào những gì đang diễn ra.
Ông Bình là người bạn hết sức thân thiết của ông Hứa ngày ở chiến trường. Cùng quê Hà Nam, ông Bình rất giỏi nghề mộc. “Nhiều lần tôi nói với ông Bình, nếu sau này còn sống trở về sẽ cùng nhau mơ một xưởng mộc. Thế mà ông ấy đã chết thay tôi...”, ông Hứa khóc.
ngay-30.4-khong-the-nao-quen-tieng-hat-at-tieng-bomÔng Hứa ngâm lại bài thơ năm nào, rưng rưng xúc động. Trường Sơn năm xưa là bom rơi đạn nổ, là nơi ngã xuống của những người bạn để ông được sống - Ảnh: Lê Nam
Ông Hứa, ông Bình, ông Khóa và 4 người lính khác, 7 chàng trai thôn Tam, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam cùng chập ngũ 1 ngày, cùng vào 1 trung đoàn, sau chiến dịch Mậu Thân 1968 khốc liệt, chỉ duy nhất còn ông Hứa sống và trở về.
Chiến dịch Mậu Thân đó, ông Hứa suýt hy sinh. Bị sức ép quá lớn từ bom B52, mảnh bom văng vào người, không thể tiếp tục cầm súng, ông Hứa được cử đi học lớp viết tin cho tờ tin tức Trường Sơn, học sáng tác, ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ cổ vũ các chiến sĩ. Những người lính trên mặt trận văn nghệ nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Năm 1970, đang trên đường Trường Sơn, chiếc xe tải chở 4 người trong đoàn văn công bị cây nhiệt đới phát hiện trong đêm, giặc Mỹ ném bom, chiếc xe cháy rừng rực. Cả 4 người tức thì liều mạng, nhảy ra ngoài xe, thoát chết, nhưng toàn bộ giấy tờ tùy thân của ông Hứa bốc cháy theo xe hết.
Giọt nước mắt trên đỉnh Trường Sơn
Cô gái vót chông, Chiếc gậy Trường Sơn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn..., ông Hứa không nhớ mình đã ngâm bao nhiêu bài thơ, hát bao nhiêu bài hát, nhưng có những kỷ niệm đến bây giờ ông vẫn không thể nào quên.
Đoàn biểu diễn của ông thường đi khắp các chiến trưòng, có nơi sẽ quay lại biểu diễn sau vài tuần, hoặc vài tháng, có khi cả năm. Có những lần trở lại, những khán giả từ lần biểu diễn trước đã hy sinh.
“Tôi không nhớ là mình đã hát bài gì, chỉ nhớ là vừa dứt lời, một cô gái từ dưới bỗng chạy nhào đến, gọi lớn, “Hứa ơi Hứa ơi, chị Thuần đây”. Đó chính là chị Nguyễn Đình Thuần, con nhà bác tôi, cũng là hàng xóm nhà tôi. Hai chị em cứ thế ôm nhau khóc trên đỉnh Trường Sơn. Sau đó 1 tháng, tôi quay lại hát đúng nơi đấy, chị Thuần đã hy sinh rồi", ông Hứa bùi ngùi.
Người này ngã xuống đã có người kia đứng lên, chiến đấu đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 30.4 hàng năm là dịp để những người lính như ông Hứa đoàn tụ, khóc cho người đã khuất, bắt chặt tay đồng đội, ngâm lại những câu thơ, khúc hát từng vang trên đỉnh Trường Sơn năm nào.
“Tôi là người chiến sĩ giải phóng quân
Vượt núi, băng sông, xuyên rừng lội suối
Còn trẻ lắm năm nay 16 tuổi
Trăng tròn hò hẹn biết bao xuân
Có những ngày thiếu áo hành quân, thiếu từng viên thuốc đắng
Có những ngày tôi đi trong nắng, chân không giày, đầu đội cả trời mây
Nhưng quân thù giày xéo cỏ cây
Họng súng của tôi ngắm vào từng tên Mỹ, ngụy
Để cho quê hương tôi bớt từng dòng nước mắt
Để cho nụ cười em bé nở trên môi
Để cho lúa vàng Đồng Tháp Mười
Mẹ ơi! Đó là những điều con mong ước”
Bài thơ ấy đến bây giờ ông Hứa vẫn ngâm lại cho vợ nghe, bà lại gật gù vậy mà thời gian trôi nhanh quá. Chiến tranh lùi xa 40 năm, chàng trai 18 tuổi năm nào nay đã lên chức ông nội ông ngoại. Trong người ông Hứa vẫn còn 2 mảnh bom, nỗi đau nhức nhối trong cơ thể nhiều lần hành hạ ông. Có nỗi buồn ám ảnh ông Hứa đến tận bây giờ, ông vẫn chưa có điều kiện để tìm mộ ông Bình, ông Khóa, trong đó đã có người hy sinh để ông được sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.