Ngày Báo chí Việt Nam 21.6: Tác nghiệp "trong bão Chanchu"

20/06/2006 22:26 GMT+7

Thảm nạn bão Chanchu đúng là một sự kiện báo chí lớn, không chỉ ở mức độ tang thương của nó, mà hơn thế là từ đó phát sinh những vấn đề nhạy cảm liên quan đến nhiều khía cạnh của xã hội. Tuy thế, trong chúng tôi, không ai muốn, không bao giờ muốn một lần nữa lại tác nghiệp trong bối cảnh tương tự...

Sống cùng... tin dữ

Sáng ngày 20.5, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, có nhiều người chết và nhiều tàu thuyền của ngư dân miền Trung mất tích trên biển do bão Chanchu (bão số 1), nhưng hầu hết, đó là những bản tin ngắn, chỉ duy nhất Thanh Niên đăng một phóng sự dài một trang với tựa đề 200 ngư dân miền Trung gặp thảm nạn trong bão Chanchu. Trở lại với ngày hôm trước, chúng tôi thấy đây là một vấn đề lớn, không chỉ ở mức độ tang thương của nó, mà còn liên quan đến vô vàn chuyện khác như dự báo thời tiết, đánh bắt xa bờ, quản lý ngư dân, tìm kiếm cứu nạn... nên quyết định huy động toàn bộ anh chị em phóng viên có mặt tại các tỉnh miền Trung lập tức triển khai các biện pháp nghiệp vụ để có thông tin cho số báo ra ngày mai. Điều khó khăn nhất là cho đến lúc đó, hầu hết các cơ quan chức năng chưa hề có thông tin cụ thể, không ai đứng ra phát ngôn và hầu như cũng chưa nhận thấy hết mức độ của thảm nạn này. Vậy lấy thông tin từ đâu?

Hội ý nhanh, chúng tôi quyết định cử phóng viên đến các gia đình là chủ thuyền để cùng họ theo dõi qua ICOM, phương tiện duy nhất liên lạc được với ngoài khơi. Tại Đà Nẵng, Vũ Phương Thảo, Đặng Ngọc Khoa, Hữu Trà, Trương Điện Thắng; ở Quảng Nam có Hứa Xuyên Huỳnh, Hồ Trọng; Quảng Ngãi có Thái Anh; Bình Định có Đình Phú; Thừa Thiên Huế có Bùi Ngọc Long... Càng về chiều, các phóng viên liên tục điện về càng lúc càng nhận được nhiều tin dữ. Nhiều phóng viên lần đầu tiên chứng kiến cảnh các gia đình ngư dân ngồi bên máy ICOM bỗng nhiên đổ sụp khi nghe đến tên người thân của mình. Đến lúc chị Huệ - một chủ tàu ở Thanh Khê (Đà Nẵng) hét lên: "Cố gắng tìm cho hết anh em đi!" thì phóng viên cũng... đổ sụp luôn xuống. Do tin tức nhận qua ICOM, lại ở nhiều nơi khác nhau nên có nhiều chồng chéo, người trực phải xâu chuỗi vấn đề, chọn lọc và loại trừ để cuối cùng đưa ra một con số thiệt hại chung trên cả mức tưởng tượng, nhưng đó lại là sự thật.

0 giờ 15 phút ngày 20.6, anh Huỳnh Kim Sánh, Phó tổng thư ký tòa soạn còn điện thoại trao đổi thêm một số vấn đề và chúng tôi đi đến quyết định viết lời kêu gọi bạn đọc cả nước đóng góp giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Để cuối cùng, số báo ra ngày 20.6 mang đến cho bạn đọc lượng thông tin đầy đủ như đã biết.

Tấm lòng bạn đọc

 Sau một đêm dài chờ đợi với biết bao điều day dứt về một thảm nạn khó tin vừa xảy ra, hàng nghìn người đã đổ ra cảng sông Hàn và bãi biển Thanh Khê để ngóng tin từ vùng bão dữ, dù họ biết rằng, ra biển cũng chỉ để ngóng nhìn.

Cũng trong tâm trạng ấy, từ sáng sớm, một giáo viên của Trường PTTH Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) đã đến Văn phòng Đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung để hưởng ứng lời kêu gọi của Báo Thanh Niên chia sẻ nỗi đau với ngư dân vùng biển miền Trung.

Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung làm việc sớm hơn thường lệ, dù đêm trước đã thức đến rất khuya, bạn đọc cũng đến sớm hơn thường lệ.

Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng như ngày hôm đó. Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi báo phát hành, tại tòa soạn và đặc biệt là ở Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung, chị Tuyết Nhung và anh Đỗ Việt Dũng đã không thể nào ghi kịp phiếu thu cho bạn đọc đến đóng góp cứu trợ gia đình các nạn nhân.

Đại diện của Công ty cổ phần Vinaconex 25 (Tổng công ty Vinaconex) mang đến 20 triệu đồng theo thông báo từ chiều hôm trước. Tiếp đó, ông Lưu Văn Hạnh, Trưởng đại diện Vietnam Airlines tại miền Trung và các đồng sự mang món quà 100 triệu đồng của cán bộ công nhân viên Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đóng góp ủng hộ đồng bào bị nạn. Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam là đơn vị tiếp theo với 200 triệu đồng, đây là số tiền do cán bộ công nhân viên tập đoàn đóng góp. Cùng đi, đại diện của Công ty cổ phần than miền Trung cũng đã chuyển đến 10 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị nạn... Cán bộ, công nhân viên Công ty xây dựng công trình 507 chi nhánh tại Quảng Ninh: 50.000.000đ; Công ty TNHH Đức Mạnh - BQL dự án Khu thương xá Vĩnh Trung Đà Nẵng): 10.000.000đ... danh sách cứ thế dài ra. Suốt ngày hôm đó, văn phòng liên tục đón bạn đọc đến để chia sẻ. Có em học sinh học lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, lớp 12 Trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) dù đang bận ôn thi cũng tranh thủ đến đóng góp ít tiền dành dụm được rồi mới chịu về học; một nữ sinh viên giấu tên chỉ xưng là bạn đọc Thanh Niên, một chị bán hàng chuối ở chợ Hàn; các chị công nhân, ban từ thiện chùa Bát Nhã... và rất rất nhiều người dân bình thường khác, dù cuộc sống chưa thật dư dả, đôi lúc vẫn còn gặp khó khăn vẫn đến với đồng bào bị nạn với một tấm lòng đồng cảm sâu sắc.

Ngay trong sáng cùng ngày, đại diện của Báo Thanh Niên và Vietnam Arlines đã đến thăm hỏi, chia sẻ và trao cho UBND TP Đà Nẵng 60 triệu đồng. Thay mặt UBND TP và bà con thân nhân người bị nạn, Phó chủ tịch Trần Phước Chính đã "cám ơn tấm lòng của bạn đọc, của Báo Thanh Niên, tờ báo đầu tiên đưa thông tin cụ thể nhất, chi tiết và sớm nhất về thảm nạn này đến bạn đọc, cũng là tờ báo đầu tiên phát động bạn đọc chia sẻ nỗi đau cùng ngư dân vùng biển miền Trung".

 Những ngày tiếp theo, các đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên tiếp tục mang tấm lòng bạn đọc đến chia sẻ với bà con, gia đình những người bị nạn ở các tỉnh miền Trung.

Phải nói, chưa bao giờ bạn đọc lại tiếp sức và chia sẻ với người bị nạn nhanh chóng và lâu dài như lần này. Đến hôm nay, danh sách đó ngày một dài ra...

Kế sách lâu dài

Không chỉ phản ánh về những mất mát do bão Chanchu gây ra, Báo Thanh Niên là đơn vị đầu tiên đề xuất và phối hợp với các chính quyền, Hội LHTN tổ chức tuyên dương những thuyền trưởng, người chỉ huy và các ngư dân ở lại tàu tham gia công tác cứu hộ và gọi họ là những anh hùng trong bão Chanchu. Ngày 1.6, Báo Thanh Niên phối hợp với Hội LHTN VN tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi cho hơn 200 con em nạn nhân ở tỉnh Quảng Nam. Các em đến để tưởng niệm những người đã khuất, để đối chọi với một sự thật khốc liệt nhưng để từ đó mà đứng lên, nhìn về tương lai của mình. Trong cuộc gặp mặt đó, Báo Thanh Niên đã trao quà bạn đọc cho các em, giúp các em có tiền mua quần áo, đồ dùng học tập cho năm học mới. Đó cũng là một cách cứu trợ rất thiết thực.

Ngay từ đầu, chủ trương của Ban biên tập vừa cứu trợ khẩn cấp nhưng cũng phải tính đến kế sách lâu dài. Vì thế, Báo Thanh Niên đã liên hệ với các trường dạy nghề và được các trường đồng ý cho các em tốt nghiệp THCS và THPT vào trường miễn học phí, nhưng tiền đâu để các em theo học 2 năm và 4 năm? Ban biên tập đã quyết định xây dựng một quỹ học bổng cho các em trong độ tuổi đi học. Chủ trương này đã được các đơn vị, các nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng. Bây giờ thì những suất học bổng đầu tiên đã đến tay các em và còn tiếp tục nâng bước các em đến trường.

Công việc trước mắt vẫn còn bề bộn, nhưng với tấm lòng của bạn đọc cả nước, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục suy nghĩ để làm thế nào tấm lòng bạn đọc được cụ thể hóa trong cuộc sống của mỗi gia đình ngư dân...

Quả thật "qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau", tấm lòng bạn đọc là không thể gì so sánh được, đó là điều quý giá nhất, ân nghĩa nhất mà mỗi người làm báo chúng tôi và tất cả mọi người đều cảm nhận được...

Thế nhưng, dù sao, chúng tôi vẫn không muốn, không bao giờ muốn tác nghiệp lại lần thứ hai trong một sự kiện như đã tác nghiệp "trong bão Chanchu".

N.T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.