Ngày chết chóc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán

31/01/2020 06:00 GMT+7

Hôm qua 30.1, có đến 38 người tử vong vì vi rút Corona chủng mới giữa lúc dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng toàn cầu.

Hy vọng le lói trong ngày chết chóc

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận có 38 trường hợp tử vong ngày 30.1 và đây là số người chết cao nhất trong một ngày kể từ khi vi rút Corona chủng mới được phát hiện vào cuối năm ngoái. Ngoài ra, còn có 81.000 người khác đang được theo dõi vì bị nghi nhiễm bệnh, theo NHC. Tính đến hôm qua, tổng số người chết vì dịch này đã lên 170 người và tổng số ca nhiễm lên đến gần 8.000.
Trong bối cảnh đó, tín hiệu đáng mừng duy nhất có lẽ là thông tin xuất hiện trên tờ Hồ Bắc Nhật báo ngày 30.1. Theo đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra 3 loại thuốc chống vi rút Corona mới khá hiệu quả là Remdesivir, Chloroquine, Ritonavir và đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng.

[VIDEO] Thêm 3 người Việt Nam mắc virus corona gây bệnh viêm phổi Vũ Hán

Khắp nơi lo sợ

Không riêng tại Trung Quốc, vi rút trên đang gây lo ngại tại nhiều nước. Ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có ca nhiễm vi rút Corona mới. Ấn Độ trở thành quốc gia mới nhất xác nhận một trường hợp nhiễm bệnh là du học sinh từ Đại học Vũ Hán.
Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc, trong khi một số nước cấm nhập cảnh đối với công dân từ Vũ Hán. Riêng Nga đóng cửa biên giới ở vùng Viễn Đông giáp với Trung Quốc. CHDCND Triều Tiên tạm dừng giao thương với Trung Quốc và cấm cửa du khách nước ngoài.
Nhiều hãng hàng không bắt đầu hủy chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc kể từ ngày 29.1. Cùng ngày 29.1, Nhật Bản và Mỹ là hai nước đầu tiên tổ chức chuyến bay giải cứu công dân khỏi ổ dịch Vũ Hán. Úc, New Zealand, Singapore cũng lên kế hoạch tương tự.

[VIDEO] Nhật Bản xác nhận 3 ca nhiễm vi rút corona mới

Ngày 30.1, Chính phủ Nhật Bản xác nhận 3 công dân trên chuyến bay sơ tán đầu tiên được xác định nhiễm vi rút, trong đó 2 người không có bất kỳ triệu chứng nào. Theo luật, chính phủ Nhật không thể ép buộc người dân xét nghiệm hoặc cách ly và hai người không có triệu chứng đã từ chối kiểm tra sức khỏe khi về nước. Đáng lo ngại hơn, Nhật Bản đã sơ tán hơn 400 người trong chuyến bay thứ hai hạ cánh ở Tokyo ngày 30.1 và để cho họ “tự cách ly”.
Sự tức giận và sợ hãi lan tỏa khắp thế giới, dẫn đến cuộc biểu tình ở Hàn Quốc và đội ngũ nhân viên y tế Hồng Kông đe dọa đình công nếu chính quyền đặc khu không “cấm cửa” người Trung Quốc đại lục.

WHO bị lên án chậm trễ

Thời gian qua, cộng đồng quốc tế lên án gay gắt Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi tổ chức này hồi tuần rồi quyết định không tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến ngày 27.1, báo cáo của WHO mới thừa nhận mối đe dọa toàn cầu từ vi rút Corona mới là “cao”, nhận thiếu sót “trong cách diễn đạt” khi đánh giá ở mức “trung bình” tuần rồi.

[VIDEO] Úc bảo vệ kế hoạch cách ly người nhiễm vi rút Corona trên "đảo tị nạn"

Trước những gì xảy ra ngày càng nghiêm trọng, WHO hôm qua tiến hành cuộc họp để xem xét về việc tuyên bố “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”.
Mọi ánh mắt đang đổ dồn vào quyết định của WHO. Nếu tổ chức này tuyên bố “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu” thì sẽ giúp thúc đẩy chia sẻ thông tin và phối hợp dập dịch chặt chẽ hơn, nhưng điều đó có thể khiến Bắc Kinh thất vọng vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố ông tự tin sẽ đánh bại “vi rút ác quỷ", theo Reuters.
Dịch xuất hiện tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ
Đến tối 30.1, theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 7.824 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona mới (nCoV), trong đó có 170 trường hợp tử vong (đều tại Trung Quốc). Riêng Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 7.716 trường hợp mắc tại 30/31 tỉnh, TP.
Ngoài Trung Quốc đại lục, thế giới ghi nhận 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm nCoV, cụ thể có 109 trường hợp nhiễm bệnh, gồm: Thái Lan 14; Nhật Bản 11; Hồng Kông 10; Singapore 10; Đài Loan 8; Ma Cao 7; Úc 7; Malaysia 7; Mỹ 5; Pháp 5; VN 5; Đức 4; Hàn Quốc 4; Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất 4; Canada 3; Campuchia 1; Nepal 1; Sri Lanka 1; Ấn Độ 1 và Phần Lan 1. 
Liên Châu
Mối lo ngại về kinh tế
Thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 30.1 và các doanh nghiệp lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ gây thất thu, gián đoạn hoạt động kinh doanh sản xuất tại “đại công xưởng thế giới” Trung Quốc, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Toyota, IKEA, Starbucks, Tesla, McDonald’s và Foxconn là những công ty lớn tạm ngừng dây chuyền sản xuất hoặc đóng cửa số lượng lớn cửa hàng tại Trung Quốc.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết: “Dịch bệnh là nguy cơ mới đối với nền kinh tế thế giới, sẽ gây ra tác động đối với sản lượng của Trung Quốc ít nhất là trong tương lai gần và cả những nước láng giềng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.