TNO

Ngày Tết, lại bàn về chuyện ăn uống

19/02/2015 11:54 GMT+7

Mọi người vẫn rủ nhau ‘về quê ăn tết’, ‘ăn tết ở đâu?’, ‘ăn tết thế nào?’… đủ thấy vai trò của ẩm thực trong dịp trọng đại nhất của người Việt.

Thiên hạ chỉ nói nghỉ tết hoặc nghỉ lễ, duy nhất Việt Nam dùng từ nghỉ lễ nhưng ‘ăn tết’. Mọi người vẫn rủ nhau ‘về quê ăn tết’, ‘ăn tết ở đâu?’, ‘ăn tết thế nào?’… đủ thấy vai trò của ẩm thực trong dịp trọng đại nhất của người Việt.

 Ngày Tết, lại bàn về chuyện ăn uống 1

Những người nước ngoài đến Việt Nam nhiều lần hoặc tìm hiểu sâu hơn đều có chung kết luận “Ẩm thực Việt Nam cực kỳ phong phú”. Nhận định này càng được củng cố khi Philip Kotler, cha đẻ và là huyền thoại Marketing hiện đại thật lòng gợi ý “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”. Có dịp ngao du qua nhiều nước, thấy cảnh đẹp mỗi nơi một vẻ nhưng ẩm thực thì Việt Nam ăn đứt về sự đa dạng. Từ màu sắc đến hương vị, từ chất liệu đến chế biến.

Ăn uống quanh năm, thế nào cũng được, nhiều khi chỉ cần no bụng. Nhưng tết thì phải khác. Nhìn mâm cơm ngày tết, đố ai nghĩ Việt Nam là nước nghèo. Phải dùng cả ngũ giác để tận hưởng. Mỗi vùng đều có những khác biệt. Từ kiểng, hoa cho tới trái, củ. Từ bánh trái cho tới những món đặc trưng và thức uống. Có bạn nước ngoài đã ngạc nhiên bảo: “Ăn tết ở Việt Nam không chỉ là văn hóa. Mọi người tham gia hết sức thành tâm, như một thứ tín ngưỡng dân gian trong cuộc sống”. Chưa ai liệt kê được các loại hoa, quả, xôi, chè, bánh, trái, món ăn, thức uống… trong dịp tết của người Việt. Con số chắc không dưới vài trăm?.

Mạn đàm về chuyện ăn của người Việt, thấy rất lạ và không giống ai. Càng tự hào về ẩm thực nước nhà lại càng ngại ngùng khi bàn về văn hóa ẩm thực Việt bởi luật bù trừ đã được tạo hóa thể hiện trái ngược.
Người Việt, làm việc thường lề mề, tùy hứng nhưng khi ăn luôn vội vã, cứ như sợ ai giành mất phần. Nhà hàng và nhân viên phục vụ thường bị khách Việt phàn nàn do đem thức ăn lên chậm. Nhiều người, khi ăn thường “cắm đầu cắm cổ”, tập trung và hùng hục dứt điểm, chẳng cần biết trời đất. Ăn xong, ngẩng đầu, chùi mép, xuýt xoa khen ngon. Hỏi lại: “Cái gì ngon?” thì xởi lởi: “Không biết, nhưng rất ngon!”. Ngồi chung bàn, khách nước ngoài rất dị ứng khi thấy người Việt dùng muỗng riêng dính đầy nước miếng vô tư hòa vào tô canh chung. Cứ như hôn tập thể. Có người dí dỏm: “Hèn gì, người Việt hôn nhau không phê như nước ngoài vì thấy mùi quen quen!”.

Đũa riêng, cứ thoải mái chọc gắp thức ăn chung nên thiên hạ ái ngại. Dù rằng, mỗi đĩa thức ăn và cả tô hay lẩu canh đều có muỗng, giá, đũa để sớt thức ăn chung. Thói quen ăn uống ồn ào, từ việc nhai nhóp nhép, nói chuyện rổn rảng, cụng ly ầm ĩ, có thể văng cả đồ ăn thức uống và nước miếng cũng làm người khác rùng mình.

Tai hại nhất là thói quen gắp đồ ăn cho người khác. Xuất phát từ lòng hiếu khách, sự trân trọng, muốn chăm sóc khách nhưng lại thường “ép phê”ngược. Bởi nhu cầu và sở thích của khách, nhất là khách lạ, thường khác biệt với chủ nhân. Món mình khoái khẩu lắm khi lại là món khách dị ứng. Lần đầu được mời, vì phép lịch, ráng nhắm mắt ăn. Lần thứ hai vẫn cố chịu trận, nhưng đến lần thứ 3 thì bỏ của chạy lấy người. Thói quen này lậm vào văn hóa kinh doanh phổ biến của người Việt. Nhiều khách sạn, nhà hàng hay khu vui chơi chẳng giống ai. Hỏi ra thì “Tui thích vậy!”, “Tui khoái kiểu đó”… Một số người Việt ăn xong còn dùng tay, dùng áo quần và cả đôi đũa để chùi miệng. Kiểu ăn uống này không thể đại diện cho người Việt được vì vừa mất vệ sinh, vừa mất lịch sự.

Trong thời đại mở cửa, hội nhập, văn hóa ẩm thực Việt cần gạn đục khơi trong để hòa mình vào biển lớn. Nên điều chỉnh văn hóa ẩm thực Việt sao cho phù hợp, độc đáo nhưng không dị biệt. Thói quen uống bia rượu xả láng rất nguy hại cho sức khỏe cá nhân và ảnh hưởng đến cộng đồng. Khi ăn không dùng muỗng và đũa riêng để lấy thức ăn chung. Không tự ý gắp đồ ăn cho khách. Ăn uống cần từ tốn, thưởng thức từng món, sử dụng cả ngũ giác để cảm nhận. Tránh ồn ào, xô bồ trong lúc ăn lẫn chen lấn khi dùng buffet. Từ xưa, người Việt đã nâng ăn uống thành nghệ thuật, thể hiện tính cách và văn hóa dân tộc vậy tại sao chúng ta không biết gìn giữ và nâng tầm nghệ thuật ẩm thực đó ở tầng mức cao hơn mà lại làm nó méo mó đi?.

Cần lắm sự thay đổi những thói quen ẩm thực nguy hại cho sức khỏe và không văn hóa. Cần lắm sự báo động về những biến tướng tiêu cực của văn hóa ẩm thực Việt. Tết về, là dịp ăn uống thỏa thuê, vui chơi thỏa thích, bồi bổ cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng ăn chơi tết sao cho khỏe, lành mạnh, không làm phiền người khác mà vẫn vui tới bến là việc mà mỗi người có thể chọn lựa cách phù hợp. Đừng để “tạp khẩu hại xác phàm”, vui miệng mà khổ bụng và hại thân thì thật đáng buồn.

Nguyễn Văn Mỹ
Ảnh: Khắc Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.