Thời tiết nắng nóng ở các tỉnh miền Trung khiến TS thấm mệt - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Đề thi kèm một phần đáp án?
Có thông tin tại Hội đồng thi (HĐT) trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) một TS nhận được đề môn địa kèm một phần đáp án. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Thông tin trên do TS ngồi cạnh TS nhận tờ đề bị lỗi phản ánh nên không chính xác và chúng tôi đã đến HĐT kiểm tra. Thực tế không bao giờ có việc đề thi gửi chung với đáp án vì sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD-ĐT mới gửi đáp án về Sở để chuyển đến hội đồng chấm”. Ông Sơn khẳng định thêm: “Đây thuộc về lỗi in sao do Sở sử dụng máy in siêu tốc nên đã có những tờ giấy dính với nhau, vì vậy dễ bị chồng chữ. Sở cũng phải rút kinh nghiệm trong công tác in ấn ở những kỳ thi sau".
Các TS tại TP.HCM trải qua ngày thi thứ hai trong tâm trạng khá thoải mái. Nhận định về đề thi môn địa lý, TS Minh Khoa (trường THPT Gia Định), cho hay: “Đề dễ nên làm rất nhanh, có nhiều câu sử dụng Atlat nên nếu đọc Atlat nhuần nhuyễn và học bài thì dễ dàng kiếm điểm 7. Với bài làm của môn thi này, em chỉ tốn nhiều thời gian cho phần vẽ biểu đồ thôi”. TS Ngọc Hân (trường THPT Bùi Thị Xuân) nhận xét: "Cả 4 môn thi đề không khó, dễ hơn nhiều so với đề thi của Sở cho nên em rất hài lòng".
Nhiều TS bị ốm, tai nạn không thể dự thi Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sau 2 ngày thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả nước có 3.740 TS bỏ thi, tỷ lệ TS bỏ thi so với số đăng ký là 0,36%. Trong số TS bỏ thi, có tới 965 trường hợp bị ốm, 80 TS bị tai nạn giao thông, 30 TS đến chậm quá thời điểm tính giờ làm bài. Cả nước có 30 TS vi phạm quy chế bị đình chỉ thi, trong đó hệ GDTX chiếm tới 28 TS. Có 14 giám thị vi phạm quy chế thi, trong đó có 10 giám thị bị lập biên bản và đình chỉ coi thi, 4 giám thị chịu hình thức cảnh cáo. Bộ GD-ĐT cho biết, ngày thi thứ hai không xảy ra sự cố đặc biệt nào. Tuệ Nguyễn |
Ông Trần Văn Quang - Tổ trưởng tổ địa lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM, nhận xét: "Đề thi không có sự đột biến, kiến thức không đa dạng về các ngành kinh tế. Tuy nhiên, đề đòi hỏi HS phải vừa thuộc bài vừa biết vận dụng kỹ năng, bao quát và suy luận để làm bài. Nếu HS có học lực trung bình cũng đạt được 6 điểm".
Nhiều TS nhận định đề thi môn sinh dễ và rất tự tin vào bài làm môn này. Tại HĐT trường THPT Tân Lập (xã Tân Lập, H.Đan Phượng, Hà Nội) nhiều TS chỉ mất hơn một nửa thời gian để hoàn thành bài thi trắc nghiệm 40 câu hỏi. Đa số TS ở HĐT trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đều cho rằng đề môn sinh dễ nhất và kỳ vọng đạt điểm cao nhất trong số 4 môn đã thi. Trong khi đó, nhiều TS tại Đà Nẵng cho biết không đủ thời gian làm bài. TS Phương Chi, HS giỏi của trường THPT Phan Châu Trinh, nhận định: “Đề thi có quá nhiều tính toán về tần số nên sẽ rất dễ có sai số về kết quả và không đủ thời gian làm bài. Nhưng với đề này, một TS có sức học trung bình cũng sẽ đảm bảo có được điểm trên trung bình cho bài thi của mình”.
Sau khi thi xong môn sinh, đa số TS Bình Định đều cảm thấy hài lòng. TS Thái Thị Sinh Hà (trường Quốc học Quy Nhơn) cho biết làm bài tốt, trên 70%. Theo Hà, đề môn sinh năm nay đối với HS không thi khối B thì hơi khó, nặng về lý thuyết. Tuy nhiên, nếu ôn kỹ sách giáo khoa thì sẽ làm được.
Nhờ cháu thi hộ
Trong buổi thi thứ nhất (môn văn sáng 2.6) có một trường hợp thi hộ tại HĐT Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cầm Thanh Hải - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Sau khi đối chiếu danh sách TS trong phòng thi với ảnh thẻ dự thi của TS, giám thị phát hiện có độ vênh giữa các thông số niêm yết (TS dự thi sinh năm 1972) với người thực dự thi (1992).
Bằng cảm quan, giám thị nhận thấy TS đến thi quá trẻ so với người sinh năm 1972. Sau khi hội ý nhanh, HĐT đã lập biên bản TS này và cách ly TS, đồng thời phối hợp với công an để xác minh.
Thông tin ban đầu cho biết TS nhờ thi hộ học chương trình GDTX tự học có hướng dẫn, TS này đã nhờ cháu đi thi hộ. Ông Hải cho biết: TS thi hộ cũng đã thành thật khai báo trong bản tường trình.
Vất vả với nắng nóng miền Trung, mưa lớn miền Bắc Bình Định, Quảng Trị và các tỉnh miền Trung: Thời tiết trong hai ngày thi vừa qua nắng nóng. Vào buổi chiều, các TS làm bài khá vất vả. Ông Trương Hoài Chính, Trưởng thanh tra do Bộ GD-ĐT ủy quyền tại Bình Định cho biết: “Thời tiết không ủng hộ các sĩ tử cho lắm”. Hà Tĩnh: Chiều qua trời mưa to nên một số điểm thi ở huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh đã mất điện đột ngột giữa giờ thi. Khoảng 15 giờ 30, thông báo từ HĐT trường THPT Minh Khai cho biết do mưa to gió lớn nên đã mất điện lưới trên toàn huyện. Lãnh đạo HĐT đã đề nghị các giám thị coi thi mở tất cả các cửa sổ để đảm bảo ánh sáng cho TS trong lúc làm bài. Hà Nội: Do sự cố mất điện từ đêm nên trong buổi thi môn địa lý, sáng 3.6 tại HĐT trường THPT Lê Quý Đôn (Q.Hà Đông) đã phải sử dụng đến 3 máy phát điện dự phòng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều TS do nguồn điện máy phát không ổn định nên đã xảy tình trạng thiếu ánh sáng trong một số phòng thi. Quảng Nam: Nhiều TS vẫn mang điện thoại di động vào khu vực thi, quên mang thẻ dự thi… Tại HĐT trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ), một TS bị đình chỉ thi khi sử dụng tài liệu trong giờ thi môn địa. ĐBSCL: Nhiều TS vắng không lý do. Trong môn thi địa lý tại An Giang, riêng hệ THPT vắng 16 TS, hơn phân nửa không có lý do, hệ GDTX vắng 77 TS không lý do. Tại Hậu Giang, hệ GDTX vắng 17 TS. Cần Thơ có 40 TS bỏ thi không có lý do. Quảng Ngãi: Hai trong 84 TS vắng mặt trong ngày thi thứ hai bị thương do tai nạn giao thông trong khi đang trên đường đến địa điểm thi. Trong đó, có một TS dự thi tại HĐT trường THPT Sơn Mỹ bị thiệt mạng do tai nạn giao thông vào tối 2.6. Nhóm PVGD |
T.Nguyễn - B.Thanh - P.Loan - T.T.Duyên - D.Hiền - L.Quân
Bình luận (0)