Ngày vị Chúa của bóng đá qua đời

27/11/2020 09:38 GMT+7

Có một thời đại trước Diego và một thời đại Diego trong bóng đá , giống như người ta lấy thời điểm Chúa Jesus ra đời để đặt làm mốc công lịch.

Nếu Pele là Vua bóng đá thì Maradona là Chúa của bóng đá, ông qua đời ở tuổi 60, để lại rất nhiều nỗi buồn và tiếc nuối trong lòng những tín đồ túc cầu giáo, những người đã yêu mến ông, tôn thờ ông và dù có thể có lúc từng hờn dỗi ông vì những sai lầm và thất bại Maradona đã mắc phải, thì xét cho cùng, ngày ông qua đời cũng là ngày họ cảm thấy trong lòng mình đã chết đi một điều gì đó quý giá nhất.

Argentina tổ chức quốc tang 3 ngày

Ngày 25.11, Tổng thống Argentina, ông Alberto Fernandez quyết định tổ chức tang lễ cựu danh thủ Maradona theo nghi thức quốc tang kéo dài trong 3 ngày. Ngày 26.11 (giờ VN), linh cữu của Maradona đã được đưa đến Casa Rosada, Dinh tổng thống Argentina ở thủ đô Buenos Aires, để người hâm mộ tới viếng và từ biệt người hùng của họ trong hai ngày 26 và 27.11.
Trong khi đó, theo thông báo của Văn phòng công tố San Isidro, qua khám nghiệm tử thi đã kết luận nguyên nhân cái chết của Maradona là do bị “suy tim cấp, cơ tim giãn, suy tim sung huyết mãn tính sinh ra phù phổi cấp” nên dẫn tới tử vong.    
Giang Lao
Bởi những ai yêu Diego và hâm mộ bóng đá đều có thể cảm thấy hình ảnh của chính mình bên trong số 10 vĩ đại ấy. Ông là một thiên thần trên sân cỏ, là một người lạc lối trước những cám dỗ và những điều tầm thường của cuộc sống thực. Ông là hiện thân của những điều tuyệt vời nhất mà ta có thể cảm nhận được từ thứ bóng đá mà ông thể hiện, nhưng cũng là những gì thấp hèn, tầm thường và đầy bản năng trong cuộc sống ở bên ngoài sân cỏ. Ông vĩ đại bao nhiêu với trái bóng thì ông yếu đuối, thậm chí dễ sa ngã và trên thực tế đã sa ngã vào vòng tay của ma túy, doping và sex khi không có bóng trong chân. Nhưng cũng vì thế mà tôi, cũng như rất nhiều người khác yêu ông. Maradona là trắng và đen, là cao thượng và tầm thường, là vinh quang và gục ngã. Không có cái gì nhờ nhờ trung gian ở giữa, Maradona luôn là hai thái cực trái ngược cùng song song tồn tại.
Ông là ông, luôn là chính ông trên sân cỏ và cuộc sống. Ông đánh bại các đối thủ trên sân cỏ bằng những pha đi bóng như nhảy tango và ông để cuộc sống đời thường đánh bại mình đơn giản vì ông không chống lại nó. Nhưng Diego vĩ đại là vì thế, chấp nhận chơi với xã hội đen và cả những nhà lãnh đạo cánh tả của Mỹ Latin hơn là gần gũi với giới tư bản, với các cỗ máy marketing và đứng về phía thế giới của những người giàu, phát ngôn như những người ngoại giao hoặc giới lắm tiền nhiều của có địa vị cao trong xã hội. Ông vĩ đại cũng bởi vì dù có đôi lần thể hiện sự tiếc nuối vì không thể thoát khỏi những cám dỗ của cuộc đời, ông vẫn muốn sống và đã sống như một kẻ nghiện ngập và bản năng hơn là trở thành một ngôi sao của giới showbiz. Trong cuốn tự truyện bất hủ Yo soy el Diego (Tôi là Diego), ông đã chẳng tuyên bố “Tôi luôn là tôi, là chính tôi. Tôi là Diego” đó sao?

Đỉnh cao và sụp đổ

Trong những năm công lịch của Chúa Diego, hóa ra cũng có những thời kỳ trước và sau, trước doping 1994 và sau doping 1994, giống như kỷ nguyên Diego 1 - đỉnh cao, và Diego 2 - sụp đổ. Kỷ nguyên 1, ông là người vĩ đại nhất và thế là đủ. Kỷ nguyên 2, ông là người lạc lối trong chính cuộc đời mình và cuối cùng ra đi chưa đầy một tháng sau ngày sinh nhật lần thứ 60. Nhưng xét cho cùng, khi viết bài này, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Nếu bạn đã là Maradona, bạn còn muốn trở thành gì nữa? Bản thân số 10 vĩ đại ấy đã sống một cuộc đời không hoàn hảo với đầy tì vết như ông vẫn thế, nhưng xem ra, ông hạnh phúc vì như thế. Hạnh phúc vì đã yêu mọi người và được yêu lại. Hạnh phúc vì được sống như là mình muốn hướng tới, trong đỉnh cao và vinh quang, trong cao thượng và tội lỗi, trong mạnh mẽ và yếu đuối.
Những mặt đối lập ấy tồn tại trong Diego, trong tính cách của ông, cuộc sống của ông, nhưng cũng thể hiện luôn ở trên sân cỏ, nơi mà ông là Chúa, đa phần là thế, nhưng cũng có những khoảnh khắc ông là kẻ tội đồ, kẻ tầm thường xấu xa, hoặc có lúc ông đóng vai của một kẻ tuẫn đạo chống lại cường quyền. Những ai đã sống qua những năm 1980 và đã từng xem Mexico 1986 chắc chắn không thể quên những khoảnh khắc trái ngược như thế cùng tồn tại trong một vài phút. Đấy là phút 51 của trận tứ kết với Anh trên sân Azteca, một pha lao vào cấm địa và trong cuộc đối đầu trên không với thủ môn Peter Shilton, ông đã chiến thắng bằng một nắm đấm, không phải vào thủ môn đội Anh mà vào trái bóng và đưa nó vào lưới. Ông đã bao biện một cách trắng trợn cho việc ghi bàn bằng tay ấy là “bàn tay của Chúa”. Và chỉ 4 phút sau đó là một khoảnh khắc thiên tài, với “đôi chân của Chúa” khi đi bóng từ giữa sân qua 5 cầu thủ áo trắng trước khi đánh bại Shilton một lần nữa. Đấy là bàn thắng được bầu là đẹp nhất thế kỷ 20, cũng là đẹp nhất trong lịch sử các vòng chung kết World Cup. Không nghi ngờ gì nữa, Maradona là như thế, rõ ràng, hiển nhiên, dưới ánh sáng ban ngày và không hề giấu giếm cả sự thiên tài và gian manh của mình chỉ cách nhau mấy phút.
Ngày vị Chúa của bóng đá qua đời

Pha solo qua 5 cầu thủ tuyển Anh để ghi bàn của Maradona trong trận tứ kết World Cup 1986

Ảnh: Reuters

Nhưng những người yêu mến ông chẳng quan tâm lắm về sự gian manh ấy. Họ yêu ông, bất chấp tất cả, không quan trọng chuyện ông tầm thường thế nào. Ngày ông mất, ở Napoli, người ta thắp nến cho ông. Những bức tường rêu phong ở các khu ngoại ô của thành phố lớn thứ 3 nước Ý ấy đã có nhiều tranh vẽ Maradona cao như tòa nhà 5 tầng, rồi đây sẽ có thêm nhiều bức tranh khác ở những nơi khác nữa. Ở Buenos Aires cũng thế. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng thế. Như một sự tri ân và ngưỡng mộ dành cho ông, người mà họ thần tượng, yêu mến, nhưng có thể sẽ không muốn sống và chết giống như ông, người mà phần đời đầu tiên của ông, cho đến khi kết thúc bởi scandal doping ở World Cup 1994 trên đất Mỹ là bất tử. Sẽ không ai quên hình ảnh ông gào lên trước một camera sau bàn thắng vào lưới Hy Lạp. Cũng sẽ không ai quên hình ảnh ông mấy ngày sau đó trên khắp các mặt báo với tư cách là kẻ bị doping đánh bại.
Dù thế nào đi chăng nữa, ông sẽ luôn được nhớ mãi. Ông chính là người đã khiến chúng ta yêu bóng đá hơn, người mà sự nghiệp và cuộc sống luôn chông chênh giữa các bến bờ thái cực đối lập chính là một bài thơ đẹp cho tất cả. Bài thơ về một con người luôn nhảy múa trên một sân khấu đời đa diện, nhiều màu sắc và có cả sự nên thơ lẫn chết chóc.
Ông chính là người viết nên bài thơ ấy. Ông là thi sĩ, người có tên Diego Maradona...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.