Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 11: 15 năm sưu tầm đá cảnh

06/05/2013 00:00 GMT+7

Là nông dân nhưng ông Võ Hiệp (53 tuổi, ở Tuy Hòa, Phú Yên) lại có “máu” nghệ sĩ. Hơn 15 năm nay, ông đã dày công tìm kiếm, sưu tầm và hiện đang sở hữu một bộ sưu tập đá cảnh tầm cỡ.

Với gia tài đá cảnh khổng lồ này, tên tuổi của Võ Hiệp đã được giới sành chơi đá cả nước biết đến như một hiện tượng.

Nằm mơ thấy đá

Võ Hiệp từng đi sưu tầm đá cảnh từ Bình Định đến Đồng Nai nhưng chính thức mê đá từ năm 2004, khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ nằm trên địa bàn các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) khởi công, tích nước hồ chứa. Theo ông Hiệp, nếu nói về đá tự nhiên, chưa thấy nơi nào có đá độc đáo như dưới phần hạ lưu đập chính thủy điện Sông Ba Hạ. Nơi đây đúng là một bãi kỳ thạch. Sở dĩ nói những điều trên là vì ông căn cứ vào chất lượng và giá trị của từng viên đá so với nhiều loại đá ở các nơi khác trong thị trường đá cảnh rộng lớn ngày nay.


Võ Hiệp bên tác phẩm Cây gió trầm hóa đá - Ảnh: Đ.T.T
 

Những ngày đầu mê đá, dù đoạn đường từ TP.Tuy Hòa đến bãi đá xa trên 70 km, qua nhiều đèo dốc nhưng Võ Hiệp vẫn hăm hở như lần đầu được đi du lịch. Ông tâm sự: “Tôi đến sông Ba bao nhiêu lần không nhớ nữa. Mê đến nỗi đêm nằm mơ thấy đá. Có lần rủ không ai đi, một mình tôi cũng liều nên anh em trong giới thường gọi tôi là Sáu cô đơn”. Ông Hiệp “khai thác” đá bằng phương pháp thủ công. Đi đến nơi rồi phải lội bộ ra bãi đá, săm soi, coi hòn đá nào ưng ý thì nhặt. Nhặt tự do. Có hôm được “lộc trời”, sáng đi, chiều đèo “cục vàng” trên yên xe máy tà tà về xuôi.

 Phát hiện đá đẹp rồi nhưng vì lý do nước lớn hòn đá bị kẹt trong hang dưới lòng sông, lấy không được nên ông phải ở lại qua đêm. Nếu đá to, khó lấy, thì ông nhờ người địa phương hoặc ngày sau dùng cẩu nâng lên rồi thuê ô tô đưa “nàng” về “dinh”. Khó mấy thì khó, tuyệt đối ông không bao giờ dùng đục, chạm can thiệp. Vì làm thế sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên, hòn đá không còn giá trị. Có lần ông phải mất cả tuần cùng ăn ở, chờ đợi, khi nào lấy được “hàng” mới chịu về. Theo ông Hiệp, đi tìm đá cảnh vui, hấp dẫn nhưng có lúc rất nguy hiểm. “Có lần tôi theo đá, vớt rồi mang trên người lội vào bờ, đến đoạn nước xiết hổng chân, đá ghìm, người gượng không lại suýt chút nữa mất mạng”, Võ Hiệp kể.

Cho đá lên đời

Lấy đá đã công phu, để chơi được đá lại cần cả một quá trình. Đá đem về, Võ Hiệp phải chà rửa, kỳ cọ nhiều lần cho sạch, bóng lên. Theo ông, nguyên tắc vàng là phải giữ đá nguyên hình dạng tự nhiên. Một tác phẩm đá cảnh xuất sắc phải có bố cục hoàn chỉnh, sắc sảo, mềm mại, thể hiện rõ nét qua các yếu tố hình - thể - vân - sắc - chất và hài hòa giữa hai phần đế và thân. Vì vậy, sau việc chọn đá, công đoạn tạo đế đôn cho viên đá khá công phu và tốn kém. Đế được làm bằng các loại gỗ quý như lim, gụ, muồng, ké... Gỗ càng quý giá trị viên đá càng cao, vì chiếc đế góp phần tạo linh hồn và thể hiện giá trị của tác phẩm.

Nói về nghệ thuật chơi đá, Võ Hiệp cho biết: “Về góc độ phong thủy, đá có tính âm, viên đá đẹp phải hòa hợp cả đôi đường âm dương mới trở thành sản phẩm tinh thần”. Cũng theo ông Hiệp, tùy theo bố cục, ông đặt cho nó mỗi cái tên khác nhau. Mà muốn đặt tên hay, đúng, người chơi phải thả hồn, trầm lặng đồng thời phải sáng ý. Võ Hiệp thường tưởng tượng những hình thể quen thuộc như anh bộ đội, núi mẹ bồng con hoặc liên tưởng những con vật trong bộ tứ linh, những dáng hình kỳ vĩ núi non, đời sống lao động sản xuất của con người.

Một gia tài đá

Công phu và cần mẫn suốt 15 năm với đá, hiện nay Võ Hiệp sở hữu một bộ sưu tập đá mi ni và một bộ đá khổng lồ lên đến vài trăm tác phẩm đẹp, nhiều giá trị. Bộ sưu tập đá mi ni với những tác phẩm “đỉnh” như: Ông rùa đeo dây chuyền vàng, Ban mai, Nhà rông...; bộ đá khổng lồ độc đáo như: Cặp khủng long ngự phủ, Cây gió trầm hóa đá... Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là khối đá granit có hình tượng Phật bà Quan m cao chừng 1 m, nặng khoảng 500 kg. Mặt trước khối đá này giống tượng Phật Quan Thế m tay cầm bình nước cam lồ và cành dương liễu.

Mỗi tác phẩm đá cảnh có giá trị từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Những tác phẩm này đã được Võ Hiệp giới thiệu tại các kỳ triển lãm ở Đà Lạt, TP.HCM, Bình Định, Huế cùng các đợt triển lãm sinh vật cảnh trong nước và đoạt được nhiều giải thưởng. Tất cả “gia tài” đó đều được lấy từ lòng sông Ba của quê hương xứ Nẫu dấu yêu.

“Trong bộ sưu tập đá của mình, có những tác phẩm trở thành vật kỷ niệm đáng nhớ, gia bảo. Vì thế, tiền cũng quý nhưng tôi không bao giờ bán nó đi”, Võ Hiệp bảo.

Mới đây, Võ Hiệp đã thể hiện ý tưởng độc đáo của mình bằng việc mở quán cà phê với tên gọi Đá và cây ở xã An Phú, TP.Tuy Hòa. Quán được thiết kế, bài trí đơn sơ chỉ có đá cùng những gốc cây mai tứ quý già nua nhưng thu hút sự chú ý của nhiều người. Khách đến quán có thể ngồi nhâm nhi đặc sản cà phê Tuy Hòa, thưởng thức, tưởng tượng hình hài những khối đá kỳ dị của chủ nhân.

Đào Tấn Trực

>> Nghệ nhân dệt vải bên bờ sông Hương
>> Lão nghệ nhân làng mộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.