Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 18: Củi mục hóa rồng

14/05/2013 03:40 GMT+7

Trong khi nhiều người dốc tiền tỉ để phục vụ thú chơi, thì ông Lương Đức Thắng (80 tuổi, trú đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng) đã dùng công sức tạo nên bộ sưu tập hoành tráng mà nhiều nghệ nhân Đà thành phải phục lăn.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 17: Ông Tuấn bình vôi
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 16: Chơi với... gai
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 15: Những tuyệt phẩm trên gốc tre

Chơi với củi mục

Ông Thắng đã từng có nhiều thú chơi với những bộ sưu tập tốn kém, như đồng hồ cổ, tự chế khung sườn xe đạp, chơi bonsai… Nhưng cách đây 20 năm, khi ông về hưu, rời vị trí của một trạm trưởng trạm y tế phường ở Đà Nẵng, ông lại bắt gặp cơ duyên từ những khúc củi mục. Những khúc củi mà không ai bận tâm đến vì chỉ còn trơ khung sau khi chết khô, hoặc ngâm mình dài ngày trong nước được gọi là “lũa”, còn ông gọi là lõi cây. Khi người ta chuẩn bị đem làm củi đốt, hoặc vứt rác, ông lụi cụi tới xin, thuê xe chở về nhà và bắt đầu chế tác thành những tác phẩm đẹp mê hồn.

 Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 18: Củi mục hóa rồng
Tác phẩm Củi mục hóa rồng - Ảnh: Diệu Hiền

Ông giới thiệu bộ rễ mà ông đặt tên là Hòn non bộ được đóng khung gương trang trọng, với độ dài rộng chừng 2 x 1,5 m. Những gốc rễ cây đâm ngang dọc nhưng qua bàn tay khéo léo của ông đã trở thành núi non trùng điệp, núi rừng chim chóc rất phong phú, và cả cảnh thầy trò Đường Tăng đang trên đường thỉnh kinh. Ông kể nó ra đời từ năm 1995. Khi đó, cây đa có tuổi đời hàng mấy trăm năm nằm ở đường Yên Bái (Đà Nẵng) bị chết dần, người ta đốn hạ vì nó nằm quá sát bờ tường, làm hư hại cảnh quan. Bộ rễ đốn ra, không ai biết dùng làm gì. Một kỹ sư nông nghiệp thấy bộ rễ là lạ, mang về nhà để chơi, nhưng rồi cũng vứt lăn lóc vì không biết phải làm gì với nó. Ông nghe được, đến thuyết phục để mang về. Suốt hơn 1 tháng đục đẽo, mài dũa quên ăn ngủ, khúc rễ vô tri trở thành bức tranh sống động mà ai thấy cũng đều tặc lưỡi khâm phục đôi bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế của ông.

 

Không phải mình có tiền, dư dả không cần đến, mà vì đây là những thứ làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa, lý gì bán nó đi. Ăn rồi cũng hết, nhìn ngắm nó mỗi ngày mới thỏa lòng

Ông Lương Đức Thắng

Ông còn có 2 bộ Tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng), bộ nào cũng được chạm khắc vô cùng tinh tế. Trong bộ tứ, hình hài của một con rồng uốn lượn công phu, với ánh mắt, râu rồng, thân rồng… hiện được thần thái oai hùng. Một trong hai bộ, một bộ cao 2 m và rộng 1 m, ông nói đó là một gốc cây rất có cơ duyên với mình. Nguyên gốc đó là một cây bonsai từ năm 2000, đã được trả giá đến 15 triệu đồng nhưng người chủ không bán. Sau do thời tiết, sâu bọ, cây chết, người chủ vứt nó sau vườn nhà. Ông Thắng tình cờ đến chơi, vừa nhìn thấy đã ưng ý gốc cây chết khô. Không cần năn nỉ, ông vừa ngỏ lời người bạn đã đồng ý vì họ cũng có ý định vứt bỏ. Cũng một gốc cây khác mà ông vô tình mua lại của mấy đứa trẻ quê ông đi nhặt củi mục trôi sông, ông về biến khúc gỗ thành một con rồng mạnh mẽ và oai lực. Ông gọi nó là Củi mục hóa rồng.

Chỉ chơi, không bán

Đến giờ, bộ sưu tập củi mục của ông từ lớn đến nhỏ đã có hơn 80 tác phẩm. Từ những khúc củi đồ sộ đến những mảnh củi mảnh mai, qua tay ông đều thành những tác phẩm tuyệt vời như Đại Sư (đại bàng và sư tử), Tình mẫu tử, Chim công, Cúp bóng đá thế giới, Phước Lộc Thọ… Cái nào cũng được ông trưng bày hết sức trân trọng để khách có thể đến thưởng lãm. Với ông, mỗi tác phẩm đều có giá trị như nhau và ông đều yêu mến từng tác phẩm của mình.

Trong các bộ sưu tập của ông, có bộ Long Mã (đầu rồng, mình ngựa) đã từng đi dự hội thi sinh vật cảnh TP.Đà Nẵng và được huy chương bạc năm 1999. Sau ông không tham gia nữa, bởi với ông, thú vui sưu tập là phục vụ cho bản thân mình. Mỗi khi đi trưng bày, dự thi, ít nhiều các tác phẩm khi di chuyển đều bị ảnh hưởng nên ông rất khổ tâm. Với ông, mỗi tác phẩm mà ông sưu tầm được đều là tâm huyết. Rất nhiều người tìm đến xem và hỏi mua, ông đều lắc đầu thẳng thắn từ chối. “Không phải mình có tiền, dư dả không cần đến, mà vì đây là những thứ làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa, lý gì bán nó đi. Ăn rồi cũng hết, nhìn ngắm nó mỗi ngày mới thỏa lòng”, ông Thắng chia sẻ.

Năm 1995, khi chiêm ngưỡng tác phẩm Hòn non bộ, đã có người năn nỉ trả 2 chỉ vàng để mang về, nhưng ông khẳng khái từ chối. “Tất cả chỉ là củi mục thôi, cũng có cái tôi đi xin, có cái tôi phải mua vài trăm ngàn đồng rồi về bỏ cả tháng trời tạo nên nó. Cái thú ni nó kỳ lạ lắm, nó vận vô tôi 20 năm ni mà chẳng chịu rời. Ngày nào tầm được cái khúc lõi củi mục nào là tôi quên ăn, mất ngủ với nó, đến khi nó là một tác phẩm hoàn chỉnh, rõ hình hài tôi mới yên”.

Vợ ông kể cũng chính vì thú chơi đặc biệt trên mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp… mỗi khi đi đâu bắt gặp khúc củi mục cũng đều nghĩ đến ông. Họ gọi ông tới xem nó có thể trở thành tác phẩm hay không. Có cái ông vừa thấy là lập tức phác thảo trong đầu về hình hài mới cho khúc củi mục. Nhưng cũng có cái ông chỉ lắc đầu. Có nhiều khúc gỗ ông vào tận miền Nam, thấy nó bên vệ đường, liền năn nỉ chủ xe cho khiêng về cùng. Trên đường đi ông giữ khư khư khúc củi mục mà ai thấy cũng buồn cười, nhưng nếu họ biết ông mang về để tái sinh, cho nó một hình hài mới và tận mắt chứng kiến những tác phẩm ông dày công sưu tâm, hẳn tiếng cười sẽ dành chỗ cho lòng ngưỡng mộ.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.