Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 20: Người mê tem

16/05/2013 00:00 GMT+7

Năm nay đã bước vào tuổi 63 nhưng ông Trần Hữu Huệ vẫn "máu lửa" với từng con tem và bì thư cũ. Hơn 48 năm đeo đuổi, hiện ông Huệ sở hữu nhiều bộ tem quý và đắt giá.

Năm nay đã bước vào tuổi 63 nhưng ông Trần Hữu Huệ vẫn "máu lửa" với từng con tem và bì thư cũ. Hơn 48 năm đeo đuổi, hiện ông Huệ sở hữu nhiều bộ tem quý và đắt giá.

Con tem trị giá 5.000 USD

Nhà ông Huệ (ở thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) luôn là điểm hẹn của những người quan tâm đến tem, bì thư cũ. Trên căn gác nhỏ đầy các bao thư đã ám màu thời gian vàng ố, hai tấm bản đồ được dán từ hàng ngàn con tem gồm bản đồ thế giới và bản đồ Đông Dương luôn tạo sự thú vị cho người quan tâm. Bản đồ thế giới thì ông dùng các con tem cùng màu để diễn tả châu lục, vùng núi, vùng biển..., còn bản đồ Việt Nam ông thể hiện sinh động từng vùng miền bằng những con tem riêng như thủ đô Hà Nội là con tem cờ đỏ sao vàng, quần đảo Trường Sa có tem Trường Sa...

 Con tem quý Hải Đội Hoàng Sa phát hành năm 1988
Con tem quý Hải Đội Hoàng Sa phát hành năm 1988 - Ảnh: Thanh Dũng

 

Chơi tem là thú chơi thư giãn nhẹ nhàng cho đủ lứa tuổi. Đối với học sinh, nó có thể giúp trẻ nhận thức được quá trình lịch sử, nhận thức được sự vật xung quanh, trui rèn ý thức quốc gia dân tộc qua từng thời kỳ

Ông Trần Hữu Huệ

Trong bộ tem của ông Huệ có nhiều con tem quý như bộ tem phát hành năm 1951-1952 in hình Bác Hồ, có người trả ông 2.000 USD một con tem sống, 5.000 USD cho tem chết còn dấu bưu điện trên bao bì nhưng ông không bán. Ông nói: “Tem đó do Sở Bưu điện Liên khu 5 in và phát hành, nhưng đến nay vẫn chưa xác định đã phát hành được bao nhiêu con. Đấy là con tem phổ thông in bằng thủ công, bốn cạnh góc tem chưa có dấu răng như tem thường nên giá trị lịch sử rất quý. Đây là tem sự vụ dành cho cơ quan công vụ, giá 1 con tem thời đó là 300 gr thóc, phát hành rất hạn chế”.

Ông Huệ còn sở hữu được bộ tem Hoàng Sa và Trường Sa do họa sĩ Trần Lương thực hiện, bộ này in vào năm 1988. Ông Huệ nói bộ tem này gồm 2 mẫu, trong đó mẫu tem Hải đội Hoàng Sa vẽ hình người lính và chiếc thuyền giá 10 đồng/tem, tem Trường Sa và Hoàng Sa trên bản đồ cổ giá 100 đồng/tem. Ông Huệ giải thích tuy hai tem này phát hành cùng thời điểm, nhưng do chênh lệch giá nên thông thường người ta dùng tem 100 đồng gửi thư hơn là tem 10 đồng phải dán tới 10 con tem. Và vì thế tem 10 đồng trên bì thư có rất ít nên chúng càng có giá trị sưu tập.

Giới chơi tem nể phục ông Huệ bởi ông là người sở hữu đa dạng các bộ tem về Bác Hồ với hàng trăm tem. Đó là các mẫu tem Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ với Mạc Thị Bưởi... Năm 1998, ông Huệ đã hoàn tất bộ tem gồm 400 con tem về Bác với chủ đề Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Ông Huệ cho biết sau này một số bảo tàng, cá nhân đề nghị ông tặng, sang nhượng lại bộ tem về Bác nhưng ông không chịu vì “những con tem đó có giá trị thời gian vô giá, không phải muốn tìm là được”.

Triết lý tem

Nhiều người hỏi ông sao lại mê tem mà không mê thứ khác, ông Huệ trả lời con tem là vật chết nhưng ẩn chứa một quá trình biến động lịch sử, niềm tự hào của quốc gia về lãnh thổ. Ông Huệ nói: “Các quốc gia khi phát hành tem đều lựa biểu hiện tốt đẹp, độc đáo của đất nước đưa lên, qua đó đã giới thiệu về bản sắc đất nước họ. Như nước Ý thì con tem có hình tháp nghiêng, nước Úc có hình con kangaroo...”. Theo ông Huệ, nhìn con tem đơn giản lắm nhưng để lưu trữ được chúng là cả vấn đề, phải có đam mê yêu thích mới đeo đuổi được. Ông nói, ví dụ như con tem để lồng trong kính nếu gặp ánh sáng chiếu vào tem mau phai màu, hư cũ. Còn khi mưa gió, ẩm độ thì tem và lớp keo hồ trên tem cũng dễ bị tác động bong tróc hay xuống màu.

Ông lục lọi chồng bì thư đưa ra những bao thư đã ố, nét chữ đã phai mờ. Ông giải thích ngày 9.8.1958, Phú Thọ bị lụt bão đã gửi thư cho Phủ Thủ tướng nhưng bì thư là tờ báo cũ xếp lại thành bao thư, trên bao thư dán mảnh giấy trắng ghi địa chỉ gửi Phủ Thủ tướng. Ông Huệ nói đấy là thời điểm cả nước đang thực hiện tiết kiệm theo yêu cầu của Bác nên đã tận dụng mọi thứ...

Năm 2007, ông Huệ tự tin đem bộ sưu tập tem qua Thái Lan dự thi và ông đã đoạt được giải bạc châu Á với bộ sưu tập Lịch sử tem bưu chính Việt Nam giai đoạn 1954-1961. Bây giờ đã vào tuổi cao niên nhưng ông Huệ vẫn đeo đuổi thú chơi tem. Ông Huệ giải thích, hiện nay ông đã sưu tập được 24 bộ tem đủ các loại với hơn 200.000 con tem, 20.000 bao thư cũ nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ vì thế giới tem rất phong phú đa dạng. Ông Huệ cho biết: “Năm tôi 14 tuổi, nhìn thấy con tem là mê liền. Nó như một bức tranh tí hon nhìn say mê không chán. Từ đó như có cái duyên, tôi mê tem và theo đuổi sưu tập tem, bì thư cũ xưa, không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc đã đổ vào đó. Rất may vợ và con tôi đều ủng hộ thú chơi lành mạnh này”.

Ông Huệ nhớ lại, nghe phong thanh nơi đâu có con tem cũ, ông đều tìm cách lặn lội tới tận nơi mua hay xin cho bằng được. Sau này nhờ các mối quan hệ cùng uy tín trong nghề chơi, nên nhiều người đã chỉ dẫn ông nơi nào có tem xưa. Nhiều người thấy ông mê tem đúng nghĩa nên có vài bao thư cũ còn dán tem họ đều tặng ông. Bất cứ học sinh nào mê tem, nói đúng một phần ý nghĩa của nó ông đều tặng lại 10 con tem để cổ động các em. Ông Huệ nói: “Chơi tem là thú chơi thư giãn nhẹ nhàng cho đủ lứa tuổi. Đối với học sinh, nó có thể giúp trẻ nhận thức được quá trình lịch sử, nhận thức được sự vật xung quanh, trui rèn ý thức quốc gia dân tộc qua từng thời kỳ”.

Thanh Dũng

>> Con tem có giá cực khủng
>> Con tem làm từ thiện
>> Những con tem nghìn đô
>> Những con tem quý hiếm nhất thế giới
>> Con tem 24 xu giá 825.000 USD
>> 4 con tem giá hơn 2,9 triệu USD
>> Con tem "độc chiêu" của họa sĩ Lê Kiệt
>> Những con tem độc đáo và lạ đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.