Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 27: Đọng thời gian trên đá

23/05/2013 03:50 GMT+7

Ít ai biết trong chiếc két sắt đặt dưới bàn làm việc của doanh nhân Lê Ích Phần (Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Phương) chỉ chứa toàn… đồng hồ đeo tay nữ.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 26: Người “cuồng si” văn hóa Tà Ôi
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 25: Linh hồn của tiền xưa
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 24: Ông già mê gốc tre

Từ mê đồng hồ…

Cách đây một tuần, Lê Ích Phần rủ tôi, họa sĩ Trần Đạt và ảo thuật gia Hoàng Lộc đến trụ sở công ty của ông (số 70 Lê Văn Lương, Q.7, TP.HCM) xem đồng hồ. Bước vào phòng làm việc, thấy cái tủ đứng có 2 ngăn trưng bày khá nhiều đồng hồ đeo tay, tôi đứng lên chiếc ghế, vừa chụp hình vừa nghĩ “Thế này thì chưa nhằm nhò gì?”. Bỗng nghe Phần nói: “Mời anh qua đây xem”. Ông Phần cúi xuống mở cửa chiếc két sắt đặt ngay dưới bàn làm việc, thò tay vào, vốc từng bụm đồng hồ thả lên mặt bàn. Thấy ông vốc đồng hồ như... vốc rươi nổi trên sông, chúng tôi đều bật cười. Chỉ một loáng, trên mặt bàn đã có một đống đồng hồ đeo tay đầy vun. Chúng tôi thật sự bị choáng!

 Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 27: Đọng thời gian trên đá 1
Lê Ích Phần trước đống đồng hồ sưu tập - Ảnh: H.Đ.N

Lê Ích Phần bảo: “Cánh du khách u Mỹ cũng từng thấy tôi vốc đồng hồ như thế, họ xót lắm! Lẽ ra phải nâng niu từng chiếc một để tránh cọ xát làm trầy xước mặt đồng hồ. Phải thiết kế những chiếc hộp nhỏ lót vải để đặt chúng vào một cách riêng biệt, nhìn vào sẽ sang trọng hẳn lên, nhưng tôi quá bận rộn, không có thời giờ để làm, cho nên cứ vất bừa, ngổn ngang chung chạ như thế trong két sắt. Biết là như thế sẽ ảnh hưởng đến phần vỏ (mặt kính, dây đeo) cũng như tuổi thọ (dễ bị gỉ sét) nhưng cũng đành chịu”.

Lê Ích Phần (sinh năm 1963 tại Đà Lạt) tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã luôn ước mơ có được một cái đồng hồ để đeo vào “làm le” với các bạn học. Ác nỗi, nhà đông anh em (7 người con) mà ông bố chỉ đủ tiền mua một cái để các con xài chung. Vậy là đứa nào cũng náo nức chờ đợi đúng một tuần, mới được tái ngộ với “vật cưng” để có cơ hội... đỏm dáng”. Từ sự yêu thích này mà Lê Ích Phần đã ấp ủ cái thú sưu tầm đồng hồ ngay từ thời niên thiếu. Khi đã trưởng thành, có điều kiện về tài chính nên hễ thấy đồng hồ là ông mân mê, tìm hiểu.

Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 27: Đọng thời gian trên đá 2
Mẫu đá Mẫu tử - Ảnh: H.Đ.N

Phần kể: “Cách đây 15 năm, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng đã có nhiều người chuyên sưu tầm đồng hồ (đồng hồ treo tường, đồng hồ tượng trang trí…), vì thế tôi muốn có một hướng đi, một cách chơi khác: đó là chuyên sưu tầm đồng hồ dành riêng cho… nữ. Một lý do khác, phụ nữ vốn dĩ rất thích làm đẹp, làm dáng nên đồng hồ nữ cũng đa dạng hơn rất nhiều so với đồng hồ đeo tay nam giới từ kiểu dáng, bề mặt cho tới dây đeo... Là doanh nhân nên tôi có nhiều dịp ra nước ngoài, những lần như thế tôi đều tìm đến những chợ bán đồ cổ để tìm mua đồng hồ. Đặc biệt tôi chỉ mua đồng hồ thuộc dòng lên dây (dây cót, dây thiều). Hiện nay trong bộ sưu tập của tôi có khoảng 1.000 hiện vật, trong đó 2/3 là đồng hồ nữ, có đủ các nhãn hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới: Rolex, Omega, Movado, Mirama, Patek Philippe, Original, Britix, Longines, Le Coultre, Elgin (Thụy Sĩ); Poljot, Seconda, Pakema, Raketa, Buleva, Butov, Slava (Nga); Seiko, Citizen (Nhật), Kundo (Đức)...”. 

 
Nhiều chiếc đồng hồ có kiểu dáng đặc biệt, lạ mắt, đa số là vàng 18K nguyên chất hoặc mạ. Đồng hồ nữ vốn nhỏ chỉ bằng móng tay, muốn đọc xuất xứ (ở mặt sau đồng hồ) phải dùng đến kính lúp, nhưng nhiều khi cũng chịu thua bởi có chiếc đã mờ hết chữ. Đặc biệt là chiếc đồng hồ dành riêng cho người mù với phần mặt kính có bản lề để người mù có thể mở nắp, lấy tay sờ vào kim và biết thời gian. Hoặc như chiếc đồng hồ có in chân dung của 3 người, có thể cùng một gia đình.

…đến mê đá

Trong tòa nhà 4 tầng lầu, Lê Ích Phần đã dùng toàn bộ mặt bằng lầu 4 và một phần diện tích của lầu 3 để trưng bày đá cảnh. Đứng trước một “rừng” đá như thế chúng tôi thật sự thích thú và choáng ngợp. Gọi là đá cảnh nhưng thực chất đó là những khối đá quý ruby (hồng ngọc), citrine (hoàng ngọc), sapphire (bích ngọc), quacedonue, agate (mã não), thạch anh... Tuy nhiên, Lê Ích Phần lại quyết định để bộ sưu tập đá của mình theo tiêu chí nghệ thuật Suiseki (Nhật Bản): giữ nguyên trạng hình dáng, màu sắc của đá trong thiên nhiên - cùng lắm chỉ mài một mảng nhỏ trên thân đá nhằm phát lộ giá trị của “ngọc trong đá” qua vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.

Sau hơn 10 năm chơi đá, bộ sưu tầm của Lê Ích Phần đã có khoảng 700 hiện vật lớn nhỏ. Tùy theo hình dáng của đá mà đặt tên: Bảo đao, Mẫu tử, Sơn kê, Suối ngọc, Thiên chúa, Yersin... Đặc biệt trong đó có những cây gỗ hóa thạch được đặt tên Trụ vương, Ngũ trụ Bạch Đằng… Lê Ích Phần cho biết tất cả những hiện vật đá này đều có xuất xứ từ Việt Nam: “Đá quý từ thiên nhiên của Việt Nam rất độc đáo và không hề thua kém đá của bất cứ nơi nào trên thế giới. Với kinh nghiệm hơn 10 năm chơi đá, tôi nhận thấy đá, nhất là đá quý tác động đến trạng thái tinh thần và tâm linh của con người. Ngày nay người ta sử dụng đá chữa bệnh theo vật lý trị liệu hoặc lấy năng lượng từ đá truyền vào cơ thể con người. Đá là tinh hoa của đất trời, trong đá có linh khí, vận mệnh của đất nước. Người chơi đá không chỉ thể hiện lòng yêu thiên nhiên, con người mà còn để tu tâm dưỡng tánh, bồi dưỡng sức khỏe, làm đẹp cửa nhà và điểm trang cuộc sống...”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.