Nghề 'độc' của người miền Tây: Mỗi ngày chạy 10-20 km để kéo dây thừng

21/02/2021 12:30 GMT+7

Nghề “chạy” dây keo (còn gọi là nghề đánh dây thừng, bện dây thừng) ở An Giang được xem là một nghề “độc” của người miền Tây, bởi mỗi ngày mỗi lao động phải chạy từ 10 - 20 km.

“Xóm chạy”

Nơi được mệnh danh là “xóm chạy” dây nằm cách trung tâm UBND xã Mỹ Hội Đông (H.Chợ Mới, An Giang) chừng vài cây số. Chẳng ai rõ nghề này có tự bao giờ, chỉ biết rằng đây nghề cha truyền con nối của người miền Tây, có những gia đình có đến 2 - 3 thế hệ gắn bó với nghề.
Những người thợ lành nghề tại đây cho biết nghề chạy dây keo làm quanh năm, đắt hàng nhất là dịp tết. Đây cũng là nghề giúp cho nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già, trẻ em, phụ nữ, đều làm được để có thêm thu nhập. Để ra một sợi dây thừng thành phẩm phải trải qua 4 công đoạn và chạy 3 lượt, mỗi lượt gần 200 m. Trung bình mỗi ngày, mỗi lao động phải chạy từ 10 - 20 km, hơn cả vận động viên.
 

Mỗi ngày, mỗi lao động phải chạy từ 10 – 20 km để kéo dây

ẢNH: DUY TÂN

Công việc chạy  dây keo nhìn có vẻ đơn giản nhưng rất tốn sức. Người thợ phải thức từ 4 giờ sáng, đốt đèn làm đến khoảng 3 giờ chiều. Đặc biệt là phải liên tục “chạy” nhiều giờ liền nên cần sức khỏe thật dẻo dai.

Những đôi tay chai sần

Nghề chạy dây yêu cầu tính tỉ mỉ và kiên trì, bởi nếu vội vàng những sợi dây sẽ vướng lại với nhau rối tung lên. Công việc này cũng đòi hỏi người cùng làm và phải có sự tương tác.

Nghề này không kén lao động nên phụ nữ, người già vẫn thường làm

ẢNH: DUY TÂN

Cụ thể, một người sẽ đảm nhận việc chia dây và quấn dây, người còn lại nhận nhiệm vụ căng dây và se dây. Vậy nên phải có sự phối hợp nhịp nhàng để nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn chậm người kéo sẽ rất nặng.
 

Chia những sợi dây vào các kẽ lược và buộc dây cố định vào một dụng cụ cào.

ẢNH: DUY TÂN

 
Dưới cái nắng oi ả, những khuôn mặt lam lũ vẫn miệt mài với công việc. Dù là đàn ông, phụ nữ hay người già... khi gắn bó lâu năm với nghề này đôi bàn tay đều chay sần, nhưng luôn nhanh thoăn thoắt.

Se thành các cuộn dây với kích thước lớn, nhỏ khác nhau theo yêu cầu.

ẢNH: DUY TÂN

Bà Khâu Lệ Thủy (45 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông) cho biết để làm ra được một sợi dây tùy kích thước thì phải trải qua nhiều công đoạn: Chia những sợi dây vào các kẽ lược; buộc dây cố định vào một dụng cụ cào; cầm cào này di chuyển ra bãi đất trống đi qua các "ngựa"; se thành các cuộn dây với kích thước lớn, nhỏ khác nhau theo yêu cầu. “Nghề này, ngoài việc chạy hàng chục km hằng ngày, còn phải trầm mình dưới cái nắng oi bức suốt cả ngày. Nếu dây to phải chọn đến hơn trăm sợi, dây nhỏ thì vài chục sợi nên tốn rất nhiều công sức”, bà Thủy chia sẻ.
 

Những cuộn dây thừng sau thành phẩm.

ẢNH: DUY TÂN

Ông Đinh Văn Út (60 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông) cho biết, với mỗi ký dây thành phẩm, người thợ được chủ các cơ sở trả từ từ 1.000 - 5.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). “Nghề này tuy vất vả nhưng có thể làm quanh năm, kiếm được tiền hằng ngày để lo cho cuộc sống gia đình. Ngoài ra, người lao động còn được làm việc gần nhà, không phải ly hương nên người miền Tây như tôi rất chuộng”, ông Út nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.