Nghề kỳ lạ: Cưỡi ống ra biển buông câu thả lưới, mưu sinh giữa sóng dữ

23/03/2019 09:41 GMT+7

Thay vì dùng thuyền, ngư dân ở làng chài Quy Thiện (Quảng Ngãi) cưỡi ống lội (ống nhựa cỡ lớn, được bịt kín hai đầu) ra biển đánh bắt tôm cá hàng chục năm nay. Nhưng câu chuyện cá mắc đầy lưới đã lùi vào dĩ vãng.

Hiểm nguy sóng bờ, kình ngư cũng khó tránh kiếp nạn

Sớm tinh mơ, lão ngư Trương Du ở làng chài Quy Thiện, xã Phổ Khánh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) vác ống lội rời nhà cuốc bộ ra bãi biển. Ông đặt chiếc ống nhựa lớn hơn bắp vế, dài trên sải tay được bịt kín hai đầu xuống bãi biển rồi lấy chân bới lớp cát mịn màng nơi sóng vừa rút sau khi vỗ vào bờ. Những con cá chai lớn bằng đầu đũa ăn cơm cố vùi mình xuống lớp cát vàng bị ông tóm gọn cho vào giỏ để làm mồi câu cá thửng. Sóng vỗ vào bờ tung bọt nước trắng xóa như lời đe dọa của biển cả.

Với kinh nghiệm gần 40 năm cưỡi ống câu cá thửng, ông bình tĩnh ôm chiếc ống vào bên nách rồi men theo sóng bơi ra biển. Những cơn sóng dữ nối tiếp phủ qua đầu, đẩy cơ thể bé nhỏ dạt vào bờ. Ông lựa thế lướt qua như màn trình diễn điệu nghệ của vận động viên lướt sóng. “Ở vùng biển bãi ngang sóng gần bờ bổ mạnh và nguy hiểm lắm, nhất là những hôm biển động. Vậy nên phải biết cách thì khi ra hay vào mới an toàn…”, ông nói.

Gần 3 giờ sáng, nhiều ngư dân ở làng chài Quy Thiện vác ống lội, mang túi đựng lưới rời nhà, cuốc bộ ra bãi biển. Họ rì rầm chuyện trò lẫn trong tiếng sóng ầm ào, điếu thuốc lá cháy đỏ lập lòe trên môi. Những ngư dân cẩn thận cột chặt túi đựng lưới vào trước ngực, ôm ống vào bên nách rồi lội xuống nước tìm cách bơi ra xa.

Ngư dân ôm ống chuẩn bị vượt sóng gần bờ
Sóng có thể đánh gãy đôi ống lội, cuốn ngư dân đang chới với ra xa

Sóng dữ gầm gừ đe dọa, quăng quật, xô họ ngược vào bờ, tiếng “ối cha!” thốt lên trong đêm tối. Dưới lớp

Những hôm biển lặng, chúng tôi tản ra thả lưới, biển động thì đi gần nhau để còn ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố”

Ngư dân Thạnh

sóng cuồng nộ là những gò cát hay vũng sâu ẩn chứa hiểm họa khôn lường. Sóng có thể đánh gãy đôi ống lội, cuốn ngư dân đang chới với ra xa nếu bị đẩy vào vùng nước như thế, dẫu có bơi giỏi như kình ngư cũng khó tránh kiếp nạn.

Không bỏ cuộc, họ ôm chặt ống rồi lặn qua từng cơn sóng để tránh bị đánh dạt vào bờ. Bỏ lại những con sóng gần bờ đang gào thét sau lưng, họ hướng ra khơi trong làn nước lạnh buốt. Khi cách xa bờ, họ ngồi trên ống lội, hai bắp vế kẹp ống vào giữa rồi dùng hai chân quạt nước thay cho mái chèo và bánh lái, hai tay tháo túi đựng lưới trước ngực và buông vào lòng biển. Những chiếc đèn nhỏ gắn hai đầu lưới nhấp nháy, bập bềnh trên mặt nước báo hiệu sự hiện diện của ngư dân can trường trên biển đêm.

Khi những tấm lưới chìm vào lòng biển, họ ôm ống lội vượt sóng vào bờ với nỗi hiểm nguy cận kề. Mọi người gom củi và rác khô đốt lửa để sưởi ấm làn da tím tái, hai hàm răng va vào nhau liên hồi vì rét lạnh. Trời sáng tỏ những con sóng bạc đầu, ngọn đèn cảm biến gắn đầu lưới thôi nhấp nháy. Những ngư dân ôm ống vào bên nách rồi tìm cách vượt sóng ra biển thu lưới, về nhà với ánh mắt mong chờ của người thân.

“Do ảnh hưởng biển động ngoài khơi nên sóng gần bờ cũng mạnh lắm, ra vào rất nguy hiểm. Nhưng sau khi thả lưới chúng tôi phải vào bờ sưởi ấm chứ ở ngoài đó lạnh lắm”, ngư dân Trần Thật tâm sự.

Chồng vất vả mưu sinh, vợ thấp thỏm lo âu

Nghề cưỡi ống ra biển buông câu, thả lưới gắn bó với ngư dân làng chài Quy Thiện từ lâu lắm. Thuở trước, họ cưa đoạn tre đằng ngà rồi dùng rựa vót láng cho ống bền chắc, sắm mươi tấm lưới hay trăm mét dây cước và ít lưỡi câu rồi cùng nhau bập bềnh trên sóng nước. Làn da họ sạm đen vì nắng gió, đôi tay chai sần vì bị cứa đứt khi kéo lưới, dây câu trên biển. Nhưng đấy là “chuyện thường ngày” với những ngư dân nơi đây. Điều họ e ngại là sóng dữ khi biển động, cá vào gần bờ nhưng không thể đánh bắt vì phương tiện thô sơ.

Ngư dân vượt sóng gần bờ ra biển
“Lúc mới làm, tôi thường bị đứt tay khi kéo lưới nhưng giờ thì quen rồi, không ngại gì cả. Ngặt nỗi, sức khỏe ngày càng yếu nên sóng lớn không thể ra biển. Tiếc lắm!”, lão ngư Trương Đình Thạnh nói.

Vượt qua những con sóng gần bờ chừng 1 hải lý, ông Du leo lên ngồi trên ống rồi móc mồi vào lưỡi câu thả chìm trong làn nước xanh thẳm. Thỏi chì nặng lạng rưỡi gắn đầu sợi cước kéo mồi câu xuống gần đáy, đầu dây còn lại được cột vào giỏ đựng cá đeo trước ngực. Ông luôn tay giật hai sợi cước để nhử cá rồi vội vã kéo dây khi phát hiện cá thửng cắn câu. Trước khi cho cá vào giỏ, ông “móc ruột nó câu nó” thay cho những con cá chai nhỏ bé vừa bị bắt trong bờ.

Trưa đứng bóng với nắng chói chang, đôi tay ông vẫn nhịp nhàng với hai sợi cước mỏng. Lúc cá giật liên hồi, ông hối hả kéo dây, gỡ cá, móc mồi rồi buông câu. Đôi tay chai sần của ông bị sợi cước cứa đứt, nước mặn thấm vào vết thương rát buốt. Dòng hải lưu cuốn trôi chiếc ống cùng thân người nhỏ bé trôi xuôi nam ngược bắc. “Từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch, hải lưu chảy theo hướng nam - bắc và tháng 7 đến tháng chạp thì ngược lại. Nhiều bữa vào bờ phải vác ống lội bộ 4 - 5 cây số mới về đến bãi biển gần nhà”, ông bộc bạch.

Chồng ra biển mưu sinh trên sóng nước, những người phụ nữ luôn thấp thỏm lo âu. Hình bóng người

Sau cả buổi ngâm mình trên sóng nước, ông Du câu được dăm ba ký cá thửng tươi rói lấp lánh vảy bạc. Vợ ông bỏ vào tủ lạnh để dành rồi cho vào thùng xốp gửi vào Sài Gòn cho con cháu “để tụi nó thưởng thức hương vị quê hương”.

chồng cùng ống lội thô sơ vật lộn với sóng dữ hiện lên trong mắt, gương mặt hằn sâu những vết chân chim sau những ngày dài chờ đợi. Khi bóng dáng người chồng thân yêu xuất hiện ngoài ngõ thì họ mới thở phào, nhẹ nhõm cõi lòng.

“Nghề biển như mấy ổng cực khổ lắm chú ơi! Chừng 3 giờ sáng phải ra biển thả lưới rồi. Nhiều lúc, chị em chúng tôi lo lắng kéo nhau ra bãi biển thấy mấy ổng thả lưới xong ôm ống bơi vào bờ quơ lá dương khô đốt lửa rồi ngồi xung quanh cho đỡ lạnh. Ông nào ông nấy lạnh cóng, hai hàm răng đánh bò cạp. Tội lắm!”, bà Đỗ Thị Cúc (vợ ông Thạnh) nói.

Lúc trước cá ăn mồi nhiều lắm, kéo mỏi tay luôn.. 

Lão ngư Trương Đình Thạnh hào hứng kể chuyện những mẻ lưới “khẳm” cá ô láp, cá chét, cá chan… hơn 10 năm về trước. Vượt sóng ra biển trên dưới 2 hải lý, thả chừng mươi tấm lưới rồi ôm ống bơi vào bờ nghỉ ngơi. Lát sau, ông trở ra vớt lưới cũng thu được mươi ký cá, có bữa hơn ba mươi ký, mang nặng oằn lưng. Nhưng đấy là chuyện của ngày xa, cá mắc đầy lưới đã lùi vào dĩ vãng. Giờ may mắn chừng dăm bảy ký, lắm lúc chỉ vài con cá nhỏ mang về chế biến món ăn trong bữa cơm thường ngày. Dẫu vậy, ông vẫn gắn đời với biển để mưu sinh.

“Bây giờ, nghề ngồi ống thả lưới hay buông câu ở vùng biển bãi ngang thì không giàu nổi đâu chú! Bữa nhiều thì mang về cho bà con trong xóm và bán chút đỉnh hay để dành ăn trong gia đình. Nhiều lúc mang lưới về không, nhưng chúng tôi vẫn ra biển vì nếu chỉ làm nông thì không đủ sống. Những hôm biển lặng, chúng tôi tản ra thả lưới, biển động thì đi gần nhau để còn ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố”,  ông Thạnh cho biết.

Sau cả buổi ngâm mình trên sóng nước, ông Du câu được dăm ba ký cá thửng tươi rói lấp lánh vảy bạc. Vợ ông bỏ vào tủ lạnh để dành rồi cho vào thùng xốp gửi vào Sài Gòn cho con cháu “để tụi nó thưởng thức hương vị quê hương”. Gặp bữa, ông chỉ câu được vài con tầm ngón chân cái mang về cho vợ nấu canh chua với lưỡi long mọc quanh vườn nhà. “Lúc trước cá ăn mồi nhiều lắm, kéo mỏi tay luôn nhưng giờ ngày càng ít. Không biết vài năm nữa còn cá để câu nữa không”, ông Du thở dài.

“Thủ phạm” gây nên tình trạng suy giảm tôm cá ở vùng biển gần bờ chính là kiểu khai thác hải sản theo kiểu tận diệt. Những chiếc tàu gỗ hành nghề giã cào hiện diện ven bờ, cá lớn cá bé chui tọt vào lưới trước tiếng thở dài của nhiều người. Vùng biển gần bờ giờ vắng cá, ngư dân và ống lội phải ra xa hơn nhưng lượng hải sản đánh bắt được rất ít so với trước. “Họ đánh giã cào gần bờ thì làm sao còn cá? Nhiều lúc giàn cào của họ cuốn cả lưới của tôi thả trên biển. Biển ngày càng đói. Chúng tôi mong muốn đơn vị chức năng sớm ngăn chặn tàu giã cào để tôm cá sinh sôi trở lại…”, ông Thạnh tâm sự.

Tôi hỏi: “Sao không làm thuê cho chủ tàu công suất lớn hay sắm ghe đi biển?”; ông Du cười buồn: “Đi bạn trên tàu lớn nhiều khi làm ăn thất bát, tiền công không đủ lo cho gia đình. Đóng ghe nhỏ cũng mất vài chục triệu. Vùng biển này sóng lớn nhưng ít cá, đi ghe vài người thì tiền chia nhau chẳng được bao nhiêu. Đi thúng chai thì sóng lớn xô lật hay hải lưu cuốn trôi xa, không thể câu hay thả lưới được. Chúng tôi cũng thử làm nhưng không hiệu quả, đành phải gắn bó với chiếc ống lội. Ở làng chài Quy Thiện có hơn 20 người ra biển đánh bắt bằng ống lội…”.

Biển vẫn “dữ dội và dịu êm”. Những ngư dân vẫn ẩn hiện giữa sóng nước để mưu sinh với bao hiểm nguy và nhọc nhằn. Nhưng biển và người luôn song hành như bao đời vẫn thế!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.