Nghề nuôi ong ở vùng biên

09/01/2014 14:07 GMT+7

Nhiều hộ dân tại vùng huyện biên giới Tân Biên (Tây Ninh) đang ổn định kinh tế nhờ nuôi ong lấy mật.

Nghề nuôi ong ở vùng biên
Ông Tắc bên thùng ông của nhà mình - Ảnh: Giang Phương

Trước đây, cuộc sống của nhiều hộ dân tại vùng biên H.Tân Biên khá khó khăn do đất vùng biên khô cằn,  xung quanh lại bao bọc bởi rừng Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò – Xa Mát…Tận dụng nguồn hoa rừng tự nhiên quanh năm, khoảng 2 năm trước đây, Ban quản lý (BQL) VQG Lò Gò – Xa Mát đã chủ động đề xuất dự án chuyển giao của Bộ NN-PTNT thực hiện mô hình nuôi ong rừng lấy mật. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, từ đó BQL đã mở ra những lớp tập huấn và chuyển giao cho gần 80 hộ dân tại địa bàn. Trong số đó, hộ nuôi ít nhất là 2 đàn, nhiều nhất lên đến hơn chục đàn, thu nhập ổn định sau một năm nuôi. Để giúp cho các hộ dân bước đầu có điều kiện nuôi ong, ngoài việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi miễn phí, mỗi hộ nuôi còn được hỗ trợ 2 đàn ong giống. VQG cũng cử cán bộ trực tiếp tới các hộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi và khai thác mật. Ông Phạm Xuân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng (thuộc VQG Lò Gò – Xa Mát) cho biết hiện nay đã có 38 hộ dân sinh sống trong khu vực vùng đệm thuộc các xã Hoà Hiệp, Tân Bình, Tân Lập và Thạnh Tây được VQG chuyển giao kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Trong đó, mỗi đàn ong có thể thu hoạch từ 10 – 15 lít mật/lần (khoảng 15 ngày thu hoạch 1 lần, liên tục trong 6 tháng mùa khô). Cũng theo ông Thành, hiện nay, việc tạo chúa cho đàn ong phần lớn các hộ vẫn chưa làm chủ được kỹ thuật, do đó cán bộ VQG đang hỗ trợ khâu này cho các hộ dân.

Theo BQL, tính riêng khu vực vùng đệm VQG, hiện có khoảng 120 đàn ong của VQG đang nuôi lấy mật và tạo nguồn giống (dự kiến nhân giống thành 300 đàn). Ngoài ra, tại khu vực này, còn có hàng trăm đàn ong khác đang được người dân nuôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên Giám đốc VQG Lò Gò –Xa Mát (nay là Giám đốc Sở TN-MTTây Ninh) cho biết: “Người nuôi ong luôn luôn muốn giữ rừng vì còn rừng mật ong sẽ tốt, thơm ngon hơn ong nuôi nhà. Chất lượng mật tốt là do khu vực nuôi ong xa nguồn ô nhiễm, mật từ hoa của cây hoang dã và đặc biệt không có thuốc trừ sâu tác động”. Năm 2013, VQG thu hoạch được hơn 4.000 lít, đến nay đã tiêu thụ gần hết lượng sản phẩm cho khách du lịch và người dân ở tỉnh.

Ông Trịnh Đình Tắc (51 tuổi, ngụ tổ 1, ấp Tân Khai, xã Tân Lập, H.Tân Biên) một người dân được hỗ trợ kỹ thuật và đàn giống từ chương trình này cho biết: “Giá mật ong hiện nay hơn 350.000 đồng/lít, mỗi vụ gia đình thu được 17,5 triệu đồng/đàn, ong giống thì đã được hỗ trợ nên thu lãi gần như một vốn bốn lời”. Ông Tắc kể, trước đây, ông tự phát nuôi ong mật, lúc này vì chưa có kỹ thuật nuôi khiến toàn bộ đàn ong bay đi mất. Cuối năm 2012, ông Tắc được giới thiệu đến lớp tập huấn nuôi ong của VQG, sau đó được hỗ trợ 2 đàn ong giống. “Cứ mỗi buổi sáng nhìn lũ ong lũ lượt bay đi và tha mật nặng trĩu về tổ mà thấy sướng mắt”. Ông Tắc hồ hởi nói. 

Hiện nay, VQG quản lý trên 100 ha rừng, chủ lực là cây tai tượng, ngoài ra hoa sao dầu và các loại hoa dại đa dạng là nguồn nguyên liệu tạo mật chất lượng cao. Ông Tắc cho biết thêm: “Nuôi ong thú vị lắm, thứ nhất chúng là loài sống bầy đàn có kỷ luật cao, không bao giờ lạc đàn và trung thành với con ong chúa và mình sống gần rừng mà yêu rừng hơn”.

Ngoài người dân vùng đệm VQG được chuyển giao nuôi ong, nghề này đang lan tỏa tại nhiều khu vực có rừng khác tại H.Tân Châu và khu rừng Văn hóa - Lịch sử núi Bà (TX.Tây Ninh). Cũng theo BQL VQG, vừa qua VQG Lò Gò - Xa Mát đã hỗ trợ 10 đàn ong mật và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong lấy mật cho Trường ĐH Chiasim, tỉnh Preyveng (Campuchia) nhằm phát triển nghề nuôi ong mật cho người dân Campuchia khu vực giáp với VQG Lò Gò-Xa Mát.

G.P

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.